BHXH Việt Nam - WHO: Nỗ lực đưa các nội dung hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục triển khai các hợp tác nhằm thúc đẩy, nâng cao năng lực cho cán bộ BHXH Việt Nam trong lĩnh vực y tế; thực hiện hiệu quả Luật BHYT.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mới đây, đoàn công tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) do ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, nhằm củng cố thêm mối quan hệ và tiếp tục các hợp tác trong tương lại giữa hai bên.

bhxh viet nam who no luc dua cac noi dung hop tac di vao thuc chat hieu qua
WHO sẽ thúc đẩy hỗ trợ để BHXH Việt Nam thực hiện hiệu quả Luật BHYT

Tại buổi làm việc, ông Kidong Park gửi lời chúc mừng những thành tựu to lớn của BHXH Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực BHXH, BHYT sau 25 năm hình thành và phát triển. Đồng thời, đánh giá cao hệ thống y tế của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đề cập đến thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, ông Kidong Park cho rằng, do nhiều yếu tố mang lại, trong đó phải kể đến việc Việt Nam đã rất quan tâm và xây dựng được một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và Hệ thống thông tin giám định và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) được ứng dụng kịp thời, hiệu quả; đặc biệt là độ bao phủ BHYT cao với 90% dân số - đây là yếu tố quan trọng giúp các nhà quản lý đưa ra được các quyết sách phù hợp trong chỉ đạo, điều hành.

Trên cơ sở hợp tác giữa hai bên thời gian qua, BHXH Việt Nam đã đưa ra các đề xuất các nội dung hợp tác giữa BHXH Việt Nam và WHO trong tương lai. Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất WHO hỗ trợ triển khai nghiên cứu đánh giá thực hiện Luật BHYT từ năm 2015 đến nay; trong đó có tiến hành xây dựng đề cương đánh giá, thu thập và phân tích số liệu thứ cấp; khảo sát tại địa phương; cung ấp kinh nghiệm quốc tế và thực hiện chính sách BHYT. Qua đó đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Luật BHYT và các các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Luật BHYT.

Về phía BHXH Việt Nam cũng mong muốn, WHO hỗ trợ kỹ thuật trong đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh gồm: thanh toán theo nhóm chẩn đoán (DRGs); Hỗ trợ chuyên gia đào tạo kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệp quốc tế trong thực hiện DRGs. Hỗ trợ xây dựng các quy tắc giám định phục vụ giám định điện tử. Nâng cao năng lực quản lý chi phí và sử dụng hợp lý thuốc và vật tư y tế; đàm phán giá thuốc và vật tư y tế; cung cấp kinh nghiệm quốc tế về đàm phán giá thuốc; cung cấp dữ liệu về giá thuốc thực hiện đàm phán tại các quốc gia; kinh nghiệm đấu thầu thuốc tại các quốc gia trên thế giới và định hướng cho Việt Nam; kinh nghiệm mua sắm vật tư y tế và khuyến cáo cho Việt Nam. Hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực quản trị hệ thống, đào tạo về chuyên môn, phương thức thanh toán, quản lý thuốc vật tư y tế…

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam ông Kidong Park cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng BHXH Việt Nam thực hiện các nghiên cứu khảo sát thực tế, đánh giá triển khai Luật BHYT, tiếp tục hỗ trợ BHXH Việt Nam hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng CNTT cũng như thay đổi các phương thức thanh toán BHYT. Liên quan đến vấn đề đào tạo, WHO sẽ xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, cử chuyên gia hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ của BHXH Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Trước mắt có thể thông qua các hình thức hội thảo trực tuyến trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa kiểm soát tốt tình trạng dịch Covid-19…

Đặc biệt, ngay tại buổi làm việc, BHXH Việt Nam và WHO đã khởi động hoạt động hợp tác trong lĩnh vực Dược - "Gắn mã ATC đối với thuốc kháng khuẩn được quỹ BHYT chi trả". Đánh giá về việc khởi động hoạt động dự án hợp tác, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho hay, chi phí thuốc luôn chiếm tỷ trọng cao và là một trong mối quan tâm lớn của cơ quan BHXH. Trong đó, việc sử dụng và chi trả thuốc kháng sinh luôn là một thách thức trong quản lý.

Bên cạnh việc sử dụng và chi trả hợp lý, an toàn và hiệu quả, Phạm Lương Sơn cho biết thêm, BHXH Việt Nam còn đồng hành với Bộ Y tế trong các chương trình kiểm soát chống kháng thuốc, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia BHYT. Do vậy cần có các công cụ, chỉ số giúp cảnh báo, khuyến nghị chính sách để đảm bảo mục tiêu trên.

Theo ông Kidong Park, hoạt động gắn mã ATC đối với thuốc kháng khuẩn được quỹ BHYT chi trả là cần thiết. Điều đó sẽ góp phần giúp BHXH Việt Nam đưa ra được các quyết sách hiệu quả trong thanh toán BHYT. Việc khởi động hoạt động này sẽ góp phần những bước đầu tiên trong sử dụng thuốc kháng sinh nói riêng, tiến tới sử dụng thuốc một cách hợp lý và hiệu quả trong điều trị…”- ông Kidong Park cho hay.