Bí ẩn công ty sắp thực hiện vụ IPO lớn nhất thế giới kể từ 2014
Mặc dù đây là một thương vụ khổng lồ, nhiều nhà đầu tư không biết bất cứ điều gì về Xiaomi. Nhiều sản phẩm chỉ có sẵn tại thị trường Trung Quốc, gần đây họ mới tiến hành mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Xiaomi, công ty điện tử tiêu dùng đến từ Trung Quốc, mới đây đã nộp hồ sơ để chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Được định giá ở mức 100 tỷ đô la, đây trở thành một trong những thương vụ IPO lớn nhất kể từ khi Alibaba niêm yết trên sàn New York vào năm 2014.
Hãy cùng tìm hiểu thêm về Xiaomi.
Xiaomi làm gì?
Xiaomi bắt đầu kinh doanh từ năm 2010 ở lĩnh vực bán điện thoại thông minh. Điểm bán hàng độc đáo của họ là thiết bị có các thông số kỹ thuật hàng đầu, nhưng giá thành thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Họ đã phát triển trở thành hãng điện thoại thông minh lớn thứ tư toàn cầu.
Xiaomi đã phát triển nhanh chóng, có thời điểm họ là hãng điện thoại thông minh lớn nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty gặp khó khăn trong năm 2016, họ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những hãng có chi phí thấp khác của Trung Quốc, nhưng cuối cùng Xiaomi đã bắt đầu mở rộng sang các lĩnh vực mới.
Hiện tại, họ cung cấp một loạt các sản phẩm bao gồm cả TV thông minh, loa - đối thủ của Amazon Echo, bộ định tuyến Wi-Fi, thiết bị, máy lọc không khí và nước, và thiết bị ánh sáng.
Đó là một phần chiến lược của Xiaomi để biến điện thoại thông minh trở thành trung tâm hệ sinh thái của các thiết bị kết nối.
Điện thoại thông minh của Xiaomi chạy phiên bản hệ điều hành Android của Google đã được sửa đổi, có tên là MIUI. Và với hệ điều hành này, họ đang cố gắng để thúc đẩy các dịch vụ của riêng mình, bao gồm cả âm nhạc và video streaming. Họ cũng kiếm tiền từ quảng cáo và các trò chơi di động của riêng mình.
Xiaomi kiếm được bao nhiêu tiền?
Xiaomi kiếm tiền từ việc bán các thiết bị và dịch vụ. Trong hồ sơ IPO, Xiaomi cho thấy tài chính khả quan trong vài năm trở lại đây.
Doanh thu năm 2017 tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 114,6 tỷ NDT (18 tỷ USD).
Xiaomi đã lỗ ròng 43,9 tỷ NDT trong năm 2017 so với mức lãi 491,6 triệu NDT của năm 2016. Công ty này cho rằng sự việc xuất phát từ việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điểm tích cực là lợi nhuận hoạt động của công ty đã tăng trong những năm qua.
Trong khi công ty tiếp tục đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình, điện thoại thông minh vẫn chiếm hơn 70% tổng doanh thu, tuy vậy vẫn thấp hơn so với mức 80% trong năm 2015.
Trong cùng thời kỳ, tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu của mảng sản phẩm phong cách sống tích hợp công nghệ internet vạn vật (Internet of Things - IOT) đã tăng từ 13 phần trăm lên 20,5 phần trăm. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của công ty trong việc mở rộng sang các lĩnh vực mới. Tuy nhiên, dịch vụ Internet chiếm chưa đến 10% doanh thu công ty.
72% doanh thu của Xiaomi đến từ thị trường nội địa và 28% đến từ các thị trường nước ngoài. Họ bắt đầu mở rộng sang các thị trường mới trong đó có Ấn Độ từ vài năm trước, và cũng bắt đầu thâm nhập vào thị trường phương Tây thời gian gần đây.
Wang Xiang, người đứng đầu mảng kinh doanh quốc tế của Xiaomi, đã nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn rằng trong năm nay họ sẽ tiếp cận thị trường Mỹ.
Xiaomi cạnh tranh với Apple và Samsung như thế nào?
Theo hồ sơ IPO, trong năm 2017, họ đã bán được 91,4 triệu điện thoại thông minh. Đồ thị dưới đây so sánh khả năng của Xiaomi với Apple, Samsung và Huawei, một thương hiệu Trung Quốc khác.
Họ cố gắng cạnh tranh về giá cả. Giá bán trung bình của một điện thoại thông minh Xiaomi là 881,3 NDT tương đương 138,40 USD, thấp hơn đáng kể so với giá bán trung bình của Apple là 688 USD trong năm 2017, và Samsung là 230 USD, theo Counterpoint Research.
Điện thoại giá cao nhất của Xiaomi là Mi MIX 2S và có giá khởi điểm là 3.299 NDT hoặc 518 USD, thấp hơn giá khởi điểm 999 USD của iPhone X của Apple và 840 USD cho Samsung Galaxy S9 Plus.
Lei Jun, Giám đốc điều hành của Xiaomi, đã cam kết công ty chỉ tạo ra hơn 5% lợi nhuận ròng từ phần cứng. Thay vào đó, nó muốn kiếm tiền từ các dịch vụ.
Xiaomi có biên lợi nhuận thấp hơn đáng kể so với các đối thủ. Năm 2017, con số này là 10,7%. Trong quý đầu tiên của năm 2018, Apple báo cáo biên lợi nhuận gộp là 38,3%, Samsung là 47,3%. Samsung đạt được mức lợi nhuận cao nhờ kinh doanh vật liệu bán dẫn.
Về mảng dịch vụ, Xiaomi kiếm được khoảng 9,9 tỷ NDT doanh thu tương đương với hơn 1,5 tỷ đô la. Riêng trong quý đầu tiên của năm 2018, Apple đã kiếm được hơn 9 tỷ đô la.
Những rủi ro là gì?
Một doanh nghiệp phần cứng phải đối mặt với một thị trường điện thoại thông minh đang chững lại và có sự cạnh tranh khốc liệt, họ có thể gặp phải có một số rủi ro.
"Doanh số bán hàng điện thoại thông minh chiếm phần lớn doanh thu của chúng tôi, và bất kỳ sự sụt giảm doanh thu hoặc gia tăng chi phí nào liên quan đến việc bán hàng đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh", Xiaomi cho biết.
Đó là cũng mối quan tâm của nhiều nhà phân tích, và việc biên lợi nhuận mỏng đã được nhấn mạnh. Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, cho rằng mô hình của Xiaomi có thể dễ dàng bị sao chép do thiếu các sản phẩm có quyền sở hữu trí tuệ.
Ông cũng cho hay: "Rủi ro cho các nhà đầu tư là lợi nhuận gộp của Xiaomi và lợi nhuận hoạt động thấp vì mô hình kinh doanh mà họ đang áp dụng không dựa trên sở hữu trí tuệ hoặc đầu tư R&D có trọng tâm như Google, Apple, Huawei."
Xiaomi cho biết họ đã có hơn 3.600 bằng sáng chế được đăng ký tại Trung Quốc và 3.500 bằng sáng chế ở nước ngoài. Công ty đã tăng chi phí nghiên cứu và phát triển lên 3,2 tỉ NDT vào năm 2017 từ mức 2,1 tỷ NDT của năm trước.
Các rủi ro khác mà công ty đã chỉ ra bao gồm không thể tiếp tục tạo ra các trò chơi di động, việc tiếp tục đầu tư vào các cửa hàng bán lẻ và tình trạng căng thẳng địa chính trị cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.