Bí quyết dẫn đầu thế giới về công nghệ nông nghiệp của người Israel
Nguồn lực hạn chế và ít ngoại thương nhưng Israel, quốc gia Trung Đông lại được đền bù bằng tính sáng tạo và đổi mới triệt để trong nông nghiệp. Điều này đã đưa Israel lên TOP đầu thế giới về công nghệ nông nghiệp, chỉ đứng sau Mỹ.
Khởi nguồn từ mô hình đổi mới Kibbutzim ....
Trang tin nông nghiệp trực tuyến Allaboutfeed (AAF) của hãng Misset Uitgeverij B.V. (Hà Lan) trích dẫn nguồn tin từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho hay, bất cứ ai quan tâm đến nông nghiệp hiện đại đều nhận thấy, các đổi mới công nghệ nông nghiệp của Israel “xuất hiện từ mọi phía”. Israel dành 4,3% GDP cho nghiên cứu và phát triển (R&D), nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Đây cũng là quốc gia các công ty chấp nhận đổi mới, “khởi nghiệp” nhanh nhất hành tinh.
73 năm sau khi trở thành nhà nước, Israel đã và đang biến giấc mơ ‘làm cho sa mạc nở hoa’ của David Ben-Gurion trở thành hiện thực. 17% tổng ngân sách nông nghiệp của Israel được phân bổ cho R&D và sự hợp tác chặt chẽ giữa nông dân, ngành nông nghiệp, nghiên cứu công nghệ và chính phủ dường như là công thức giúp họ thành công, trong đó phải kể đến mô hình hóa Kibbutzim.
Nông dân, nông nghiệp và nông thôn luôn là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Israel bởi lĩnh vực này đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Mô hình Kibbutz hay Kibbutzim ở Israel có thể được xem là hình mẫu cần tham chiếu để phát triển kinh tế- xã hội nông nghiệp, nông thôn cho nhiều quốc gia. Nguyên thủy, Kibbutzim hay Kibbutz, theo tiếng Hebrew, tức ngôn ngữ phổ thông của Israel, nghĩa là vùng định cư, để giúp cho những người Do thái trên thế giới trở về và sinh sống trên đất nước Israel của mình.
Kibbutz hiện là những cộng đồng kinh tế - xã hội trong nông nghiệp, nông thôn Israel được tổ chức theo các nguyên tắc: dân chủ tự quản, cộng đồng sở hữu tư liệu sản xuất và tài sản, bình đẳng trong lao động “làm theo năng lực” và phân phối công bằng “hưởng theo nhu cầu”. Thành công mô hình Kibbutz đã mang lại cho từ này một hàm nghĩa mới: công xã.
Trước khi đạt được vị thế nhà nước, những người tiên phong của Israel đã gieo mầm đổi mới nông nghiệp bằng cách thành lập Kibbutz đầu tiên: một cộng đồng nông nghiệp tập trung vào việc chia sẻ đất đai và tài nguyên và cùng nhau giải quyết những thách thức canh tác khó khăn. Đất đai khắc nghiệt, nguồn nước khan hiếm, lực lượng lao động hạn chế và thương mại hạn chế với các nước láng giềng đã kích thích sự tháo vát trong nông nghiệp Israel và thái độ quyết tâm làm đến cùng của Kibbutzim. Đổi mới và hơn một nửa các dự án công nghệ nông nghiệp của Israel được quản lý bởi những người từng lớn lên trong các Kibbutz.
... đến thung lũng Silicon Wadi
Theo AAF, Israel phụ gần như hoàn toàn vào nhập khẩu ngũ cốc và thức ăn chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ví dụ, trong những năm gần đây, nhập khẩu ngũ cốc của nhà chưng cất khô với chất hòa tan (DDGS) và thức ăn có gluten ngô (CGF) đã tăng lên đáng kể, còn lúa mì đang được thay thế bằng các loại ngũ cốc rẻ tiền hơn.
Giống như Kibbutzim thúc đẩy đổi mới nông nghiệp, lĩnh vực công nghệ của Israel cũng không đứng ngoài cuộc, đó là thung lũng Silicon Wadi. Silicon Wadi (Wadi có nghĩa là 'thung lũng' trong tiếng Ả Rập), Israel đã trở thành một trung tâm công nghệ lớn, hợp tác với các công ty khổng lồ như Microsoft, Google và Amazon khai thác bí quyết và điều hành các hoạt động trong nước. Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia công nghệ cao không phải là động lực duy nhất thúc đẩy đổi mới công nghệ ở Israel, mà còn có đóng góp từ giáo dục đại học và cả Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cùng nhiều ngành khác.
Mặc dù nổi tiếng với phát minh Vòm Sắt (Iron Dome), một hệ thống phòng không có khả năng đánh chặn tên lửa lao tới, sở trường mạnh nhất của IDF có lẽ là giáo dục. Mỗi người Israel dành từ 2-3 năm trong IDF và trong thời gian này, nhiều người phát triển các kỹ năng về khoa học máy tính và kỹ thuật. Ngoài ra, IDF còn giúp những người được tuyển dụng phát triển các kỹ năng hoạt động và lãnh đạo. Có nghĩa, những người khi rời IDF đã được trang bị kiến thức kỹ thuật cũng như các kỹ năng cần thiết để dẫn đầu một công ty khởi nghiệp.
Hỗ trợ cộng đồng để tạo ra môi trường công nghệ nông nghiệp hiệu quả
Yếu tố thứ ba góp phần vào môi trường kinh doanh công nghệ nông nghiệp tích cực ở Israel là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng, dẫn đầu có GrowingIL. Đây là sáng kiến của Viện đổi mới Israel, Bộ Kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Cơ quan Đổi mới Israel. GrowingIL có mục đích phát triển hệ sinh thái công nghệ nông nghiệp Israel và định hình lại nền nông nghiệp Israel để đáp ứng nhu cầu lương thực toàn cầu thông qua việc triển khai các công nghệ đột phá.
GrowingIL kết nối các bên trong hệ sinh thái công nghệ nông nghiệp, như: doanh nhân, học viện, chính phủ, doanh nghiệp nông nghiệp, người chơi toàn cầu..., tạo ra các sự kiện và công cụ giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng của hệ sinh thái và hỗ trợ các tổ chức với các quy trình thực hiện đổi mới mở. Theo Doron Meller, Giám đốc điều hành GrowingIL thì GrowingIL có nhiệm vụ thực thi 4 trụ cột chính: Một là, tổ chức nhiều loại sự kiện khác nhau, như hội thảo trực tiếp, hội thảo trên web, cuộc gặp gỡ, cuộc thi, hackathons và hội nghị...; Hai là, phát triển các công cụ, từ các trang web độc đáo để ghép nối các công ty khởi nghiệp với các thí điểm, đến thị trường, chương trình cố vấn và bản đồ nhà đầu tư công nghệ nông nghiệp. Ba là, tập trung mạnh mẽ vào việc mang cộng đồng trực tuyến lại với nhau thông qua phương tiện truyền thông xã hội và các bản tin của GrowingIL, cung cấp thông tin về các cơ hội kiến thức, cơ hội việc làm và đầu tư. Bốn là, GrowingIL đóng vai trò giống như một CRM (Quản lý quan hệ khách hàng).
Vài cách ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp của người Israel
Theo trang tin trực tuyến Israel21c.org, nếu những gì đề cập ở trên là “lý thuyết” thì phần dưới đây là cách mà người Israel đã “thực hành”, để đưa nông nghiệp của Israel lên triển tới đỉnh cao.
Công nghệ tưới nhỏ giọt
Thực tế, khái niệm tưới nhỏ giọt (Drip irrigation) ra đời từ trước khi nhà nước Israel xuất hiện, nhưng nó thực sự được làm “sâu sắc” hơn bởi kỹ sư tài nguyên nước Israel - Simcha Blass, người tình cờ phát hiện ra rằng, sự nhỏ giọt chậm và đều đặn dẫn đến khả năng kích thích tăng trưởng đáng kể trên thực vật. Từ phát hiện trên, ông đã chế tạo ra một loại ống dẫn nước có các đầu tưới từ từ nhỏ từng giọt nước theo tỷ lệ tối ưu nhất cho từng loại cây trồng. Hiện kỹ thuật này được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới như ở châu Phi, đặc biệt là Senegal, Kenya, Nam Phi, Benin và Nigeria.
Túi trữ lương thực
Thực chất đây là một chiếc túi khổng lồ (huge bags) do GS Shlomo Navarro thiết kế, giúp bảo quản lương thực tránh được việc tiếp xúc với không khí và độ ẩm. Đây là một giải pháp đơn giản, rẻ tiền cho các nông dân châu Á và châu Phi để tồn trữ lương thực sau thu hoạch một cách hiệu quả nhất, tránh côn trùng và ẩm mốc phá hoại.
Cứu xoài khỏi sự tàn phá của ruồi đục quả
Xoài mang lại sinh kế cho hàng nghìn nông dân ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nhiều người trồng xoài ở Ấn Độ, Châu Mỹ và Tây Phi đã đơn giản từ bỏ nghề trồng xoài vì mùa màng của họ đã bị phá hoại bởi nhiều loài ruồi giấm. Tình hình dịch bệnh đã được đảo ngược đáng kể nhờ một sản phẩm mới của Biofeed, một công ty khởi nghiệp của Israel.
Biofeed sử dụng mồi nhử không phun thuốc, thân thiện với môi trường có chứa hỗn hợp thức ăn hữu cơ tùy chỉnh để tiêu diệt ruồi. Biofeed đã chứng minh sự giảm tổng thể lây nhiễm của ruồi đục quả Phương Đông từ 95% xuống dưới 5% trong một thử nghiệm thử nghiệm với nông dân trồng xoài Ấn Độ, còn trong khi một chương trình thử nghiệm ở Togo thì hiệu quả này đạt từ 88-95%.
Nông nghiệp chính xác
Nông nghiệp chính xác (Precision agriculture) đang phát triển khá sôi động tại Israel, với hơn 450 công ty cung cấp các công nghệ thu thập và phân tích dữ liệu tiên tiến để canh tác hiệu quả và năng suất hơn. Tiêu biểu có AgriTask cho phép nông dân tích hợp tất cả dữ liệu nông nghiệp của họ từ nhiều nguồn (hình ảnh, trạm thời tiết, cảm biến tại hiện trường...) trên một nền tảng, có thể truy cập thông qua ứng dụng di động. Trong khi đó, hãng Croptimal lại thực hiện các xét nghiệm chính xác trong thời gian thực đối với mô thực vật, đất và nước trên đồng ruộng, giảm đáng kể quy trình phân tích tiêu chuẩn từ 10 ngày xuống dưới một giờ.
Taranis kết hợp hình ảnh trên không có độ phân giải cao với thị giác máy tính và trí thông minh nhân tạo để cho nông dân thấy điều gì đang xảy ra trên các mảnh đất của họ... cho đến cấp độ côn trùng và lá, đồng thời phân tích dữ liệu đó để cung cấp hỗ trợ ra quyết định. Prospera tạo ra một hệ thống canh tác kỹ thuật số thu thập, số hóa và phân tích một lượng lớn dữ liệu để giúp người trồng kiểm soát và tối ưu hóa hệ thống sản xuất và trồng trọt của họ.
Giúp nông dân xuất khẩu nhiều nông phẩm
Các trang trại không thể xuất khẩu trừ khi họ tuân thủ các quy định phức tạp và thường xuyên thay đổi của chính phủ ở các quốc gia hàng đến về các chi tiết bao gồm nước, phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, điều kiện an toàn và lao động. Để giải quyết khó khăn này, các nhà khoa học Israel đã phát triển Hệ thống quản lý trang trại AKOLogic dựa trên đám mây độc đáo do Agricultural Knowledge On-Line (AKOL) phát minh. Nó cung cấp cho nông dân các hướng dẫn quy định được cập nhật liên tục trên một bảng điều khiển duy nhất. Nếu khách hàng muốn bán hàng tại Walmart, thì AKOLogic sẽ tự động áp dụng các quy định liên quan của Mỹ cho kế hoạch phát triển, cung ứng nông phẩm của mình.
Ngoài ra, hệ thống cũng giúp nông dân quản lý tài nguyên, quy trình hành chính và chức năng hàng ngày với lịch, danh sách kiểm tra, báo cáo, bản đồ và lưu trữ tài liệu kỹ thuật số. Các HTX canh tác có thể sử dụng nền tảng này để hỗ trợ và quản lý những người trồng thành viên.
Sản phẩm thay thế thịt
Sản phẩm thay thế thịt hay thay thế protein (Alternative protein) thực chất là sản phẩm nguồn protein rẻ, lành mạnh, bền vững và ít ô nhiễm hơn. Các công ty Israel đang thử nghiệm các sản phẩm làm từ côn trùng, các loại đậu hoặc thịt có nguồn gốc thực vật hoặc nuôi trồng trong phòng thí nghiệm.
Ví dụ, hãng Flying Spark tạo ra một loại bột protein và dầu không bão hòa có nguồn gốc từ ấu trùng; còn hãng Hargol từng đoạt nhiều giải thưởng sản xuất bột protein từ châu chấu nuôi.
Protein cô đặc dựa trên đậu (sản phẩm thay thế thịt) là sản phẩm protein thuần chay có vị trung tính không gây dị ứng, không chứa gluten và GM (chuyển gen) để sử dụng trong nhiều loại thực phẩm, được sản xuất bởi InnovoPro và ChickP.
Hoặc sản phẩm có vị siêu ngọt của Amai Proteins. Đây là protein ngọt nhất thế giới, có thể thay thế đường trong thực phẩm, không làm tăng lượng đường trong máu hoặc tác động xấu tới insulin. Amai Proteins sử dụng thiết kế protein tính toán dựa trên điện toán đám mây cùng với quá trình sản xuất lên men nấm men để kết hợp các protein ngọt để thỏa mãn nhu cầu ngày càng khắc nghiệt của thị trường thực phẩm đại chúng.