Biến động tỷ giá có đáng lo?
Cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đều tăng nhẹ trong quý đầu năm. Giá USD tăng đang hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), trong quý I/2018, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng nhẹ ở cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại.
Tính đến ngày 29/3/2018, tỷ giá trung tâm ở mức 22.463 VND/USD, tăng 0,21% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, tỷ giá tại ngân hàng thương mại tăng khoảng 0,25%, tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 0,4% so với đầu năm 2018.
Tỷ giá tăng nhẹ trong quý đầu năm
Theo công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), so với đầu tháng 2 và suốt tháng 1/2018, tỷ giá bán ra của các tổ chức tín dụng đã tăng khoảng 110 VND/USD, tương đương 0,49%, hay VND đã mất giá 0,49% so với USD.
Từ đầu tháng 4 đến nay, tỷ giá liên tục có biến động, tăng giảm liên tục. Cụ thể, ngày 17/4 diễn biến theo xu hướng đồng USD trên thị trường quốc tế tụt giảm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 22.477 đồng (giảm 10 đồng).
Sang ngày 18/4, đồng USD trên thị trường quốc tế bất ngờ quay đầu tăng trở lại, tỷ giá trong nước cũng tăng nhẹ so với hôm trước. Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 22.482 đồng (tăng 5 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch ngân hàng Nhà nước mua vào ở mức 22.700 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.131 đồng (giảm 11 đồng).
Tuy nhiên, sáng 19/4, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.492 đồng, tăng 4 đồng so với hôm trước. Đến cuối giờ chiều, tỷ giá ở các ngân hàng thương mại niêm yết phổ biến ở mức 22.745 đồng (mua vào) và 22.815 đồng (bán ra).
Cụ thể, Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 22.745 đồng - 22.815 đồng/USD (mua vào - bán ra), VietinBank: 22.748 đồng - 22.818 đồng, ACB: 22.750 đồng - 22.820 đồng, Techcombank: 22.725 đồng - 22.825 đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến tỷ giá VND/USD có chiều hướng tăng nhẹ trong quý vừa qua là do biến động về chính trị và kinh tế của thị trường tài chính Mỹ và nội tại nền kinh tế trong nước.
Đặc biệt, xu hướng phục hồi của đồng USD vào cuối tháng 2 cùng với chỉ số USD Index tăng 2,2%, từ mức 88,59 điểm vào ngày 15/2 lên mức 90,61 điểm vào ngày 28/2 khiến VND có xu hướng mất giá nhẹ so với USD vào thời điểm đầu tháng 3.
Trong khi đó, về yếu tố nội tại của nền kinh tế, việc tiếp tục áp dụng lãi suất tiền gửi USD bằng 0% cũng là một áp lực tăng tỷ giá. Các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động USD.
Tuy nhiên, thị trường trong nước có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho VND không tăng giá quá mạnh. Đó là việc Ngân hàng Nhà nước mua lượng ngoại tệ lớn tạo thêm nguồn cung ngoại tệ trong nước tăng lên; Kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam, nhờ đó hỗ trợ cho xuất khẩu không gặp bất lợi.
Sức ép tỷ giá không lớn
Đánh giá về sức ép của tỷ giá VND/USD trong năm nay, BVSC cho rằng: “Theo mô hình tính toán, hai đường tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa (NEER) và tỷ giá hữu hiệu thực (REER) hiện đang ở vùng khá an toàn, hàm ý sức ép giảm giá VND không lớn trong năm nay”.
Nhóm nghiên cứu của BVSC nhận định so với đồng tiền của một số nước trong khu vực có sự cạnh tranh về hàng xuất khẩu với Việt Nam như Trung Quốc hay Thái Lan thì VND đang ở vị thế thuận lợi hơn ở khía cạnh hỗ trợ xuất khẩu. Cụ thể, VND giảm giá 3% so với NDT và 3,5% đối với Bath trong quý I.
Hiện, Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đã đạt 60 tỷ USD, song cũng mới chỉ tương đương 13,5 tuần nhập khẩu – mức tối thiểu mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo, do tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh những năm gần đây. Mục tiêu nâng Quỹ dự trữ ngoại hối lên tương đương 16 tuần nhập khẩu vẫn còn cần nhiều thời gian để thực hiện.
BVSC cũng cho biết trong các quý sắp tới, nếu đồng USD phản ứng tích cực hơn với lộ trình tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thì VND có thể sẽ tăng giá trở lại so với đồng tiền của các nước có cạnh tranh hàng xuất khẩu với Việt Nam.
Tuy nhiên, mức tăng này sẽ chưa đủ lớn để tạo nên sức ép buộc ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh mạnh tay tỷ giá.
Khảo sát ở một số doanh nghiệp đánh giá về sự mất giá của VND so với USD trong năm nay, BVSC cho biết: “Đa số doanh nghiệp mà chúng tôi tham khảo ý kiến nhận xét mức trượt giá 1-1,5% so với năm ngoái là chấp nhận được”.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tính toán: “Nếu chạm 2% hoặc cao hơn là đáng e ngại, bởi chênh lệch lãi suất tiết kiệm giữa VND và USD hiện nay ở kỳ hạn 9-12 tháng xấp xỉ 6%/năm; Lạm phát năm nay dự kiến 4%; nếu VND mất giá 2% so với USD thì coi như lợi thế nắm giữ VND không còn. Khi đó, sự dịch chuyển sang nắm giữ ngoại tệ từ phía dân cư có thể xuất hiện”.