Biện pháp ứng phó đại dịch Covid-19 ở các nước và khuyến nghị đối với Việt Nam
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Cuộc khủng hoảng này đã tác động toàn diện trên mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội toàn cầu.
Để ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế công cộng, Chính phủ các nước đã buộc phải can thiệp, ban hành nhiều chính sách bắt buộc như thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, đóng cửa biên giới, ngừng các chuyến bay, hoặc đóng cửa trường học…
Các chính sách này đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế, thương mại của các quốc gia. Nghiên cứu phản ứng chính sách của một số quốc gia nhằm ứng phó với dịch Covid-19, bài viết hàm ý vấn đề đặt ra với Việt Nam.
Đặt vấn đề
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực đời sống của các quốc gia trên toàn thế giới. Việc Chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới thực hiện các biện pháp can thiệp để ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế công cộng đã phần nào ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cả cung và cầu.
Theo đó, thu nhập hộ gia đình của các nước bị giảm sút nặng nề, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hàng loạt các doanh nghiệp phá sản và Chính phủ các nước buộc phải cắt giảm chi tiêu, tạo ra cú sốc cầu về tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ đối với tất cả các chủ thể trong nền kinh tế (Baldwin và Mauro, 2020). Ngoài việc giảm nhu cầu về hàng hóa ở mỗi quốc gia, đại dịch Covid-19 cũng đã phá vỡ chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong nước và quốc tế (Richard và Beatrice, 2020).
Thực tế cho thấy, Covid-19 không chỉ tác động đến sức khỏe người dân mà còn gây ra một cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế toàn cầu năm 2020 dự báo suy thoái sâu, tăng trưởng âm 4%-6%. Ngày 19/9/2020, Bill Gates đưa ra nhận xét, đại dịch Covid-19 có thể kéo theo hàng loạt khủng hoảng kinh tế, lương thực, chính trị, kéo lùi tiến độ phát triển của thế giới tới hàng chục năm, kéo lùi tiến độ phát triển của thế giới về những năm 1990.
Nhiều đánh giá khác cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, kể từ cuộc Đại khủng hoảng trong giai đoạn 1929-1933; các quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam đều bị tác động, ảnh hưởng rất nặng nề (The Econmic, 2020)…
Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính hầu hết các quốc gia tiếp tục có nhiều biện pháp, đưa ra nhiều chính sách với các gói hỗ trợ tài chính - tiền tệ chưa từng có trong tiền lệ, nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kích cầu tiêu dùng, đầu tư, khôi phục nền kinh tế.
Khảo sát cho thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng, với các gói hỗ trợ tài chính quy mô lớn chưa từng có, cùng với các biện pháp về y tế, giãn cách xã hội nhằm giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội, chặn đà suy thoái kinh tế.
Biện pháp ứng phó đại dịch Covid-19 của một số quốc gia trên thế giới
Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, các quốc gia đã có những chính sách phản ứng đa dạng và khác biệt để kiểm soát, hạn chế tối đa tác động của đại dịch, cụ thể:
Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khi có số lượng người nhiễm bệnh và tử vong hiện nay cao nhất thế giới, với hơn 7 triệu ca nhiễm và hơn 203 nghìn người tử vong tính đến hết ngày 30/09/2020 (WHO, 2020).
Mối lo đại dịch Covid-19 và tình trạng đóng cửa doanh nghiệp diễn ra khắp nơi khiến cho hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ chững lại, các doanh nghiệp sa thải hàng triệu người lao động. Thống kê từ Đại học Harvard cho thấy, có tới 110.000 doanh nghiệp nhỏ trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ đóng cửa trong vòng hai tháng (từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2020) và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại, cùng với đó là hệ thống y tế bị quá tải...
Công bố mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này dự kiến sẽ tăng cao hơn so với đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng 2007-2008, đến tháng 9/2020, tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ đạt 8,4% (PIIE, 2020). Theo lý giải của giới chuyên gia, sự chủ quan trong việc phòng, chống dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào trạng thái “hỗn loạn”.
Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến, tốc độ tăng trưởng GDP kết thúc năm 2020 của Hoa Kỳ là -8,0% (IMF, 2020). Nguyên nhân là do Chính phủ Hoa Kỳ phải chi tiêu nhiều để ứng phó với đại dịch Covid-19. Từ tháng 3/2020 đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã chi ra 2,7 nghìn tỷ USD để thử nghiệm và phát triển vắc xin, hỗ trợ cho các bệnh viện, trợ cấp cho doanh nghiệp, hộ gia đình và chính quyền các địa phương.
Trung Quốc
Mặc dù là trung tâm của đại dịch Covid-19 lần thứ nhất, nhưng so với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã có những biện pháp kịp thời, quyết liệt và đúng đắn để hạn chế sự lây lan của đại dịch, vì thế mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có những thành công nhất định trong kiểm soát dịch bệnh và khôi phục kinh tế.
Sách Trắng “Chống dịch Covid-19: Trung Quốc hành động” do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố ngày 7/6/2200 cho hay: Từ ngày 24/1/2020-8/3/2020, Trung Quốc đã tập hợp được 346 đội y tế quốc gia, gồm hơn 42.600 nhân viên y tế và hơn 900 giáo sư y tế công cộng để hỗ trợ công tác chữa trị bệnh nhân tại Hồ Bắc và Vũ Hán.
Ngoài ra, một số yếu tố khác như việc thiết lập một hệ thống công bố thông tin nghiêm ngặt và hiệu quả về dịch Covid-19, vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, sự kết hợp giữa khoa học và công nghệ trong cuộc chiến chống dịch bệnh… đã góp phần mang lại những hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại quốc gia đông nhất trên thế giới.
Đến cuối tháng 5/2020, Trung Quốc đại lục ghi nhận 83.017 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 78.307 ca chữa khỏi và 4.634 ca tử vong. Như vậy, tỷ lệ hồi phục là 94,3%. Tất cả các trường hợp được xác nhận mắc bệnh Covid-19 hoặc nghi ngờ mắc bệnh đều được điều trị miễn phí.
Đến ngày 31/5/2020, bảo hiểm y tế Trung Quốc đã thanh toán hóa đơn y tế của 58.000 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị nội trú, với tổng chi phí là 1,35 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 190 triệu USD), tương đương 23.000 Nhân dân tệ/người. Chi phí trung bình để điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng đã vượt quá 150.000 Nhân dân tệ và có những ca đặc biệt nghiêm trọng với chi phí điều trị vượt quá 1 triệu Nhân dân tệ…
Có thể nói, những phản ứng quyết liệt, mạnh mẽ, tập trung nguồn lực đã giúp Trung Quốc đẩy lùi dịch bệnh, đưa nền kinh tế sớm hồi phục. Theo dự báo, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất được dự báo tăng trưởng trong năm 2020 với khoảng 1-1,2% (WB & IMF, 2020).
Liên minh châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) hiện là trung tâm của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2, là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất tính đến thời điểm hiện tại. Số ca mắc mới tính theo ngày của nhiều nước châu Âu những tuần gần đây liên tục vượt xa mức đỉnh dịch trong đợt bùng phát đầu năm 2020. Số ca bệnh mới được ghi nhận hàng ngày của châu Âu cũng cao hơn con số này của châu Mỹ và châu Á.
Từ giữa tháng 8/2020, số ca nhiễm mới ở những nước như Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Bỉ, Italy đều tăng rất nhanh. Từ tháng 9/2020, mức độ lây lan tăng dần, số ca mắc mới tính theo ngày ở một số nước không dừng lại ở con số hàng trăm mà lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn.
Trong cuộc họp báo ngày 15/10/2020, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO Hans Henri P. Kluge cho biết, diễn tiến tình hình dịch tễ tại châu Âu làm dấy lên quan ngại rất lớn: Số ca mắc tính theo ngày tăng, người nhập viện tăng, dịch Covid-19 đang là nguyên nhân đứng thứ năm gây ra các ca tử vong và châu Âu đã chạm mức 1.000 ca tử vong/ngày.
Chỉ trong vòng 10 ngày, số ca bệnh tăng từ 6 triệu lên 7 triệu ca. Các chuyên gia y tế của WHO cho rằng, dịch bệnh ở EU tăng tốc rất nhanh là do việc nới lỏng biện pháp hạn chế trên quy mô toàn quốc, cách thức truy tìm những người tiếp xúc với người bệnh hay phương án cách ly không triệt để, sự lơ là của người dân trong dịp hè, sự gia tăng số người nhiễm bệnh không có triệu chứng...
Cho tới nay, các nước châu Âu chưa áp dụng biện pháp cách ly tập trung hay tự nguyện có kiểm soát. Ứng dụng phát hiện và cảnh báo nguy cơ tiếp xúc với người bệnh đã được đưa ra, nhưng không mang tính bắt buộc đối với người dân do quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân… Như vậy, tương tự như trường hợp của Mỹ, sự chậm chạp và xem thường mức độ ảnh hưởng của đại dịch đã đẩy những quốc gia trong EU trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới và gây thiệt hại nghiệm trọng đến nền kinh tế, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của EU là -7,1%.
Ấn Độ
Ấn Độ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Hiện nay, số lượng người nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đạt trên 6 triệu người, trung bình mỗi ngày có từ 70 - 80 nghìn ca nhiễm mới, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Với bối cảnh như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ sẽ vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có số lượng người nhiễm Covid-19 lớn nhất thế giới.
Bên cạnh những thiệt hại về con người, Ấn Độ đang phải hứng chịu những ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, thiếu hụt việc làm, giảm đáng kể thu nhập của người dân - tác động trực tiếp đến việc tái nghèo của nhiều hộ gia đình.
Công ty Goldman Sachs đã đưa ra ước tính tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ ở mức 1,6%, giảm 400 điểm cơ bản do lệnh phong toả hồi tháng 3/2020 (Goldman Sachs, 2020). Trước đó, Tổ chức kế toán quốc tế KPMG (chi nhánh Ấn Độ) cảnh báo, mức tăng trưởng của GDP Ấn Độ sẽ giảm xuống dưới 3% (KPMG, 2020).
Nghiên cứu của Motilal Oswal gợi ý rằng, một ngày đóng cửa hoàn toàn các hoạt động có thể làm giảm 14-19 điểm cơ bản so với tăng trưởng hàng năm (Oswal, 2020). Trước tình hình đó, Chính phủ Ấn Độ đã có những điều chỉnh trong chiến lược phát triển, nhằm giảm tỷ lệ thiệt hại bởi đại dịch Covid-19 xuống mức thấp nhất và tạo động lực cân bằng và phát triển sau đại dịch.
Nhật Bản
Nhật Bản cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Nhật Bản được xác nhận vào ngày 16/1/2020. Theo cập nhật của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, tính đến hết tháng 9/2020, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản ghi nhận ở mức 82.494 ca, trong đó, có 1.557 ca tử vong.
Trước tình hình phức tạp của đại dịch, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Điển hình như: Ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu người dân ở nhà, ra lệnh đóng cửa trường học và các cơ sở công cộng, xây dựng các cơ sở y tế tạm thời và áp dụng các hành động hỗ trợ nguồn cung cấp thực phẩm và y tế phù hợp.
Bên cạnh đó, Nhật Bản ban bố lệnh cấm nhập cảnh, nhằm hạn chế việc nhập cảnh của những người nước ngoài đã đến thăm các quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, yêu cầu người dân hạn chế đi du lịch bên ngoài TP. Tokyo. Các tụ điểm karaoke và các cơ sở phục vụ rượu bia phải đóng cửa trước 10 giờ, đến hết tháng 8/2020…
Nhìn chung, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội Nhật Bản. Đặc biệt, sự bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 buộc Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 bị hoãn lại từ ngày 23/7/2020 đến ngày 8/8/2021. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của Nghị viện Nhật Bản, trong quý II/2020, nền kinh tế Nhật Bản chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong tổng sản phẩm quốc nội (-7,8%) và thu nhập quốc dân (-6,8%) so với cùng kỳ năm 2019.
Một trong những nguyên nhân của sự giảm tốc trên là xu hướng đi xuống của chỉ số tiêu dùng. Tình trạng khan hiếm hàng hóa do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thế giới dưới tác động của Covid-19 cùng với quá trình giãn cách xã hội đã kéo chỉ số tiêu dùng ở Nhật Bản giảm từ 102,3% tháng 2/2020 xuống còn 89,4% trong tháng 5/2020, trước khi phục hồi trở lại ở mức 94% trong tháng 7/2020 (Nghị viện Nhật Bản, 2020).
Hàm ý cho Việt Nam trong ứng phó và phòng, chống đại dịch Covid-19
Việt Nam được đánh giá là quốc gia thành công trong phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 ở cả hai lần bùng phát. Với quyết tâm “chống dịch như chống giặc” đã giúp Việt Nam hạn chế tối đa số ca nhiễm, mặc dù là quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc, nhưng số ca nhiễm rất ít so với các nước trong khu vực.
Bằng các phản ứng kịp thời, quyết liệt và ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân, Việt Nam đã kiểm soát tốt những ổ dịch lớn ở đợt bùng phát thứ hai tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương. Từ đó cho thấy, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được áp dụng rất hiệu quả. Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,12%. Các chỉ số dự báo tăng trưởng kinh tế cuối năm 2020 khoảng 2,7% (IMF), 2,8% (WB).
Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết chỉ giảm khoảng 19% trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu dự đoán giảm từ 30-40% theo dự báo mới nhất của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD). Đặc biệt, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 16,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Điều kiện của thị trường lao động đang trở lại bình thường, dù tỷ lệ lao động có việc làm giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng; thương mại hàng hóa thặng dư 16,8 tỷ USD... Bởi vậy, GDP của Việt Nam có thể tăng 2,5-3,0% và lạm phát được giữ dưới mức 4% trong năm 2020, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong thời gian tới…
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ tăng 1,6%. Quy mô GDP Việt Nam là 340,6 tỷ USD, đứng thứ 4 Đông Nam Á (vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia với 336,3 tỷ USD, đứng sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD, Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD). GDP bình quân đầu người sẽ đạt 3.497,51 USD (gần 3.500 USD/người), xếp thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore (58.483,9 USD), Brunei (23.116,7 USD), Malaysia (10.192,4 USD), Thái Lan (7.295,1 USD) và Indonesia (4.038,4 USD). Tới năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 5.211,90 USD.
Theo “Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2020” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15/9/2020, GDP Việt Nam dự kiến tăng 1,8% trong năm 2020 và tăng ở mức 6,3% trong năm 2021, trong khi GDP khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020 và tăng 6,8% trong năm 2021.
Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021. Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn…
ADB cảnh báo về những nguy cơ lớn đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ là nguy cơ lớn nhất; căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài. Tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục ở mức thấp, bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm…
Vì vậy, Việt Nam cần có những bước đi nhất quán và có sự điều phối rõ ràng để ứng phó với đại dịch, các chính sách cần ưu tiên bảo vệ mạng sống và điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là những nhóm dễ chịu tác động và đảm bảo người lao động trở lại làm việc và các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong môi trường an toàn. Đây đều là những điều kiện thiết yếu để nền kinh tế Việt Nam dần hồi phục toàn diện và bền vững.
Tóm lại, cuộc chiến ứng phó với đại dịch Covid-19 theo dự báo vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới, do đó, Việt Nam cần tiếp tục chọn lọc các bài học kinh nghiệm của các quốc gia trong ứng phó với đại dịch Covid-19 để định hình chính sách riêng phù hợp, cụ thể như:
Thứ nhất, phản ứng nhanh trong việc ban hành các chính sách kinh tế ứng phó với dịch bệnh: Sự quyết đoán và phản ứng nhanh trong các chính sách kinh tế ứng phó với các cuộc khủng hoảng nói chung và đại dịch Covid-19 nói riêng là một trong những yếu tố then chốt giúp các nền kinh tế tránh được những cú sốc đột ngột không mong muốn và kiểm soát được tình thế.
Thứ hai, chính sách kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19 luôn gắn liền với nhiều thách thức: Phản ứng nhanh trong các chính sách kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19 không thể tránh khỏi những thách thức lớn trong quản lý kinh tế vĩ mô, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 ngày càng kéo dài.
Thứ ba, chính sách kinh tế ứng phó đại dịch Covid-19 cần đảm bảo tính bao trùm và trọng tâm: Đại dịch Covid-19 tạo nên một cuộc khủng hoảng lớn và toàn diện tới mọi đối tượng và chủ thể kinh tế - xã hội. Trong đó, các doanh nghiệp, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, lao động mất việc… là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, bên cạnh sự phản ứng nhanh nhạy và linh hoạt, các chính sách kinh tế cần được đảm bảo tính bao trùm hệ thống nhưng vẫn có trọng tâm, trọng điểm
Tính bao trùm trong các chính sách kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19 được thể hiện qua hai góc độ của nền kinh tế là cung và cầu. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, hạn chế nhập cảnh và sự gián đoạn thương mại quốc tế, cung-cầu thị trường trong nước trở thành một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là dịp khơi dậy sức mạnh nội tại nền sản xuất trong nước, cũng như thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa. Song song với các chính sách kinh tế bao trùm, tính trọng tâm của nó cần đuợc đặt vào những khu vực trọng yếu của nền kinh tế, hoặc các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch bệnh.
Thứ tư, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi nền kinh tế linh hoạt trong bối cảnh của dịch bệnh: Sự lây lan phức tạp của đại dịch Covid-19 đã góp phần thay đổi lối sống, cách thức vận hành của toàn bộ nền kinh tế với vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ thông tin. Một trong những ví dụ điển hình đó là xu hướng làm việc trực tuyến tại nhà của các nhân viên ở nhiều tập đoàn, công ty... Đây cũng vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số bằng cách triển khai các công nghệ từ xa…
Tài liệu tham khảo:
Bộ Chính trị (2020), Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, truy cập ngày 19/9/2020;
Bộ Chính trị (2020), Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước;
Tô Công Nguyên Bảo, Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Ðinh Thị Thu Hồng, Lê Văn, Hoàng Thị Hồng Nhung (2020), Tác động của Covid-19 đến kinh tế thế giới và phản ứng chính sách của một số quốc gia;
Nguyễn Khắc Quốc Bảo & Tô Công Nguyên Bảo (2020), Phản ứng chính sách của một số nước trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các tác động đến Việt Nam;
Nguyễn Minh Phong (2020), Triển vọng tích cực kinh tế Việt Nam 2020-2021;
ADB (2003), Asian Development Outlook 2003 Update. Manila;
World Bank (2020), Ðông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19;
Haruhiko, Kuroda (tháng 06/2020), Tác động của Covid-19 tới nền kinh tế Nhật Bản và phản ứng chính sách của hệ thống ngân hàng Nhật Bản;
Heizo Takenaka (tháng 08/2020), Thách thức vĩ mô trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19;
ILO (2020a), Covid-19 và việc làm: Tác động và ứng phó;
ILO (2020b), Báo cáo theo dõi nhanh số 2 của ILO: Covid-19 và thế giới việc làm;
ADB (2020), The Economic Impact of the Covid-19 Outbreak on Developing Asia. Manila;
International Monetary Fund (2020), World Economic Outlook (June 2020). Washington, DC: IMF;
Peterson Institute For International Economics (PIIE) (2020), US unemployment rate falls in August as many workers on temporary layoffs return to work;
World Bank (2020), Global Economic Prospects (June 2020). Washington, DC: WB;
World Health Organization (2020), WHO Coronavirus Disease Dashboard;
World Trade Organization (2020), World Trade Statistical Review 2020, Geneva: WTO;
Wooldridge, J.M. (2002), Econometric Analysis of Cross Section and Panel Data. The MIT Press, Cambridge;
WTO (2020), Trade set to plunge as Covid-19 pandemic upends global economy, Press Release/855;
Asian Development Bank (2020), ADB Covid-19 Policy Database;
Asian Development Bank (2020), An Updated Assessment of the Economic Impact of Covid-19 (May 2020), Metro Manila: ADB;
Congressional Research Service (2020), Global Economic Effects of Covid-19 (August 2020), Washington, DC: CRS;
Felipe, J., & Fullwiler, S. (2020), ADB Covid-19 Policy Database: A Guide. Asian Development Review, 37(2), 1 – 20.