WB: Chịu cùng lúc 3 cú sốc từ Covid-19, kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự kiến chỉ tăng 0,9% năm 2020

Theo Đỗ Phạm/thoibaonganhang.vn

Theo WB, Việt Nam cho đến nay đã kiểm soát được đại dịch với chi phí kinh tế và sức khỏe tương đối thấp. Mặc dù độ mở thương mại lớn và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu – hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19, nhưng Việt Nam đã bắt đầu cho thấy sự phục hồi kinh tế và dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt 2,8%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tháng 10/2020 của WB nhận định, Covid-19 đã và đang giáng ba cú sốc vào các quốc gia đang phát triển của khu vực (bao gồm: bản thân đại dịch, tác động kinh tế từ các biện pháp ngăn chặn, và ảnh hưởng từ suy thoái toàn cầu do đợt khủng hoảng gây ra), đồng thời khuyến nghị cần nhanh chóng hành động để đảm bảo đại dịch không cản trở tăng trưởng và gia tăng tỷ lệ nghèo trong những năm tới.

WB: Chịu cùng lúc 3 cú sốc từ Covid-19, kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự kiến chỉ tăng 0,9% năm 2020 - Ảnh 1

 

Với tiêu đề “Từ Ngăn chặn đến Phục hồi”, báo cáo cho biết, một vài quốc gia đến nay đã ngăn chặn được vi-rút lây lan, hoạt động kinh tế đang được phục hồi. Nhưng về tổng thể, nền kinh tế khu vực phụ thuộc nhiều vào các khu vực khác trên thế giới, trong khi sức cầu trên toàn cầu vẫn yếu.

Do đó, dự kiến cả khu vực Đông Á - Thái Bình Dương chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm 2020, là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1967. Trong đó, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 2% trong năm 2020 - do đẩy mạnh chi tiêu chính phủ, xuất khẩu mạnh và tỷ lệ nhiễm Covid-19 mới ở mức thấp từ tháng 3, nhưng bị hạn chế bởi tiêu dùng trong nước suy giảm. Ngoài Trung Quốc, báo cáo dự báo chỉ có thêm Việt Nam và Myanmar duy trì được tăng trưởng dương với các mức tăng lần lượt là 2,8% và 0,5%. Tất cả các nền kinh tế còn lại đều dự kiến tăng trưởng âm trong năm nay.

“Trung Quốc và Việt Nam đang phục hồi... Việt Nam cho đến nay đã kiểm soát được đại dịch với chi phí kinh tế và sức khỏe tương đối thấp. Mặc dù độ mở thương mại lớn và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng Việt Nam đã bắt đầu cho thấy sự phục hồi kinh tế”, báo cáo đánh giá.

Viễn cảnh của khu vực sẽ sáng sủa hơn vào năm 2021 với dự báo tăng trưởng đạt 7,9% tại Trung Quốc và 5,1% ở các quốc gia còn lại trong khu vực, dựa trên giả định khôi phục tiếp tục diễn ra và hoạt động kinh tế trở lại bình thường ở các nền kinh tế lớn, và khả năng có vắc-xin. Tuy nhiên, tổng sản lượng dự báo vẫn thấp hơn mức dự báo trước đại dịch trong hai năm tới. Triển vọng trên càng ảm đạm hơn ở một số đảo quốc Thái Bình Dương có nguy cơ cao, với dự báo sản lượng vẫn thấp hơn mức trước khủng hoảng khoảng 10% vào cuối năm 2021.

Cũng theo báo cáo này, sau 20 năm, lần đầu tiên tỷ lệ nghèo của khu vực dự báo sẽ tăng lên: khoảng 38 triệu người sẽ vẫn nằm dưới ngưỡng nghèo hoặc bị đẩy xuống dưới ngưỡng nghèo do hệ quả của đại dịch (tính theo ngưỡng nghèo của quốc gia thu nhập trung bình cao ở mức 5,5 USD mỗi ngày).

Với sự xuất hiện của Covid-19, chính phủ các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương cam kết bình quân gần 5% GDP để củng cố hệ thống y tế công cộng, hỗ trợ các hộ gia đình, trợ giúp các doanh nghiệp tránh phá sản. Tuy nhiên, một số quốc gia đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô các chương trình an sinh xã hội còn khiêm tốn của họ, với mức chi trước đây chưa đến 1% GDP, bên cạnh đó việc tiếp tục hỗ trợ cũng sẽ gây áp lực cho các nguồn thu của chính phủ.

“Covid-19 không chỉ giáng đòn nặng nề nhất vào người đang nghèo, mà nó còn tạo ra “lớp người nghèo mới”. Khu vực của chúng ta gặp những thách thức chưa từng có và chính phủ các nước đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn,” theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương của WB. “Nhưng hiện đang có những phương án chính sách khôn ngoan để làm dịu đi những lựa chọn đánh đổi đó - chẳng hạn đầu tư cho năng lực xét nghiệm và truy vết, mở rộng chính sách an sinh xã hội bền vững để che chở người nghèo và khu vực phi chính thức.”

Báo cáo cảnh báo rằng nếu không hành động trên nhiều mặt, đại dịch có thể làm tăng trưởng của khu vực trong thập kỷ tới giảm đến 1 điểm phần trăm mỗi năm, trong đó tác động lớn nhất sẽ rơi vào các hộ nghèo vì họ ít có cơ hội tiếp cận chăm sóc y tế, giáo dục, việc làm và tài chính.