Biểu hiện bất thường của tuyến giáp

Theo Thanh Thảo/doanhnhansaigon.vn

Các triệu chứng của bệnh tuyến giáp thường không đặc biệt và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường do lớn tuổi. Nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như béo phì, tim mạch, trầm cảm, mệt mỏi...

Các triệu chứng của bệnh tuyến giáp thường không đặc biệt. Nguồn: internet
Các triệu chứng của bệnh tuyến giáp thường không đặc biệt. Nguồn: internet

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất và cũng quan trọng nhất của cơ thể. Tuyến giáp có hình cánh bướm, nằm nơi cổ, ngay phía trước và hai bên khí quản, có nhiệm vụ chính là sản xuất hormon thyroxin. Các tình trạng của bệnh chủ yếu là suy giáp và cường giáp. Sau đây là một số biểu hiện:

Bướu cổ, sưng cổ. Đây là biểu hiện rõ rệt nhất về bệnh rối loạn tuyến giáp. Về căn bản, các bệnh về tuyến giáp như bướu giáp hay viêm giáp sẽ luôn đi kèm với một số triệu chứng rõ ràng là cổ sưng hay bướu cổ. Bướu cổ luôn đi kèm với việc cơ thể thiếu hụt iốt, khó hô hấp.

Đau cơ khớp, hội chứng viêm cánh tay. Đau cơ khớp cũng là một triệu chứng của bệnh. Đối với suy giáp, sẽ thấy cánh tay tê ngứa do lượng hormon tín hiệu bị thiếu, dẫn đến việc não gửi thông tin chậm đến các cơ. Còn đối với cường giáp thì rất dễ bị cứng khớp và khó phối hợp tứ chi.

Thay đổi chất lượng tóc, da. Nếu tuyến giáp có gì đó không được bình thường, sẽ biểu hiện ngay trên tóc và da. Khi bị suy giáp, do không đủ hormon cho việc tăng trưởng khiến cho nhiều nang tóc không phát triển, kết quả là dẫn đến rụng tóc, tóc bị khô giòn, xơ và dễ gãy.

Trong trường hợp nghiêm trọng, lông mày cũng có thể bị rụng theo. Tương tự, móng tay cũng có thể trở nên giòn và dễ gãy. Còn khi bị cường giáp, tuyến giáp hoạt động quá mức cũng khiến tóc mỏng đi, yếu hơn, dễ gãy, rụng. Tuy nhiên, tình trạng cường giáp chỉ ảnh hưởng đến tóc chứ ít tác động đến lông mày, lông tay.

Kết cấu và vẻ bên ngoài của da chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự trao đổi chất. Nếu trao đổi chất chậm lại (do quá ít hormon tuyến giáp được tiết ra) làm cho lượng mồ hôi tiết ra cũng giảm đi, da không đủ độ ẩm sẽ nhanh chóng trở nên khô, ngứa và bong tróc. Còn với cường giáp, da trở nên đặc biệt mẫn cảm.

Nồng độ cholesterol bất ổn. Máu của người có bệnh về tuyến giáp thường có tỷ lệ cholesterol không ổn định, vì vậy nếu không sử dụng các loại thuốc về cholesterol hay đang điều trị bệnh lý liên quan mà nồng độ cholesterol vẫn cao thì phải đến bác sĩ ngay.

Tăng huyết áp. Hormon từ tuyến giáp có ảnh hưởng lớn đến tim mạch, kích thích làm tăng giảm nhịp tim và sức bơm máu, vì vậy dẫn đến tình trạng tăng giảm huyết áp. Vậy nên, nếu bị rối loạn tuyến giáp, huyết áp sẽ rất thất thường. Suy giáp khiến huyết áp tăng nhanh, còn cường giáp lại khiến huyết áp bị chậm.

Trầm cảm lo âu. Do hormon sản sinh không đủ sẽ kéo theo việc giảm sản lượng serotonin, là loại hormon có tác dụng giúp cảm thấy thoải mái vui vẻ. Thiếu serotonin sẽ tạo cho bạn một tâm trạng chán nản, trầm cảm và thường hay lo âu, hốt hoảng.

Bên cạnh đó, hormon tuyến giáp là một phần quan trọng giúp tăng trưởng và thúc đẩy hoạt động của các cơ, vì vậy, nếu gặp vấn đề về giáp sẽ khiến nguồn hormon giảm, các cơ sẽ không được thúc đẩy và gây mệt mỏi. Đặc biệt, đôi khi cường giáp còn có thể khiến mất ngủ hoặc ngủ nhưng cảm giác không ngủ đủ giấc.

Thay đổi trọng lượng. Khi bị cường giáp, các hormon sản xuất liên tục sẽ khiến luôn có cảm giác đói, nhưng dù ăn nhiều vẫn giảm cân. Còn với suy giáp, sẽ không có cảm giác muốn ăn và dù không ăn vẫn tăng cân. Vậy nếu một khi cân nặng trở nên khó thay đổi cho dù đã cố gắng giảm bớt hoặc tăng thêm khẩu phần thì có thể mắc bệnh về tuyến giáp.

Vấn đề về đường ruột. Hormon tuyến giáp về căn bản ảnh hưởng tới hầu hết bộ phận trong cơ thể, hệ tiêu hóa cũng không ngoại lệ. Vậy nên, với người bị bệnh về tuyến giáp rất dễ bị tiêu chảy hoặc đau dạ dày. Người suy giáp dễ bị táo bón, còn người bị cường giáp thì lại hay tiêu chảy và đau bụng.