Bình ổn giá: Phải từ khâu sản xuất

Đặng Loan (Hà Nội mới)

TP.Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương thực hiện chương trình bình ổn giá thành công, và mô hình này đang được nhân rộng. Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, nhiều ý kiến cho rằng muốn bình ổn giá lâu dài, cần phải quan tâm bình ổn giá cho cả người sản xuất chứ không chỉ với người tiêu dùng như hiện nay.

Bình ổn giá: Phải từ khâu sản xuất
Điểm bán hàng bình ổn giá
CPI giảm nhờ bình ổn thị trường

Chương trình bình ổn thị trường của TP.Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện từ năm 2002 với hai doanh nghiệp tham gia là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty Lương thực thành phố, vốn thực hiện là 45 tỷ đồng, thực hiện bình ổn trong 3 tháng trước, trong và sau tết. Đến năm 2012, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai được 4 chương trình bình ổn (bình ổn 9 mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu; dụng cụ học tập; sữa; thuốc Tây) với 48 doanh nghiệp tham gia bình ổn quanh năm và đáp ứng được từ 20% đến 50% nhu cầu thị trường.

Theo Sở Công thương, kể từ năm 2010 khi thực hiện chương trình bình ổn quanh năm đến nay thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố luôn thấp hơn mức trung bình chung cả nước. Theo đó, CPI năm 2010 của TP.Hồ Chí Minh tăng 9,58% so với 1,75% của cả nước; năm 2011 tăng 15,8% so với 18,58% của cả nước. Điều đặc biệt là, càng những năm về sau, khi DN tham gia nhiều, chủng loại hàng hóa bình ổn tăng lên thì vốn hỗ trợ của thành phố càng giảm xuống do nhiều DN không nhận vốn hoặc chỉ nhận một phần (năm 2012 cho vay 262,2 tỷ đồng so với 412 tỷ của năm 2011. Đây là số vốn các DN vay với lãi suất 0% trong 6 tháng để dự trữ hàng bình ổn).

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chương trình bình ổn giá thị trường đã trở thành công cụ điều tiết giá hữu hiệu, có vai trò định hướng dẫn dắt giá cả các mặt hàng thiết yếu, qua đó hạn chế, kiểm soát được tình trạng đầu cơ, giúp giá cả trên địa bàn ổn định. Tác động đó không chỉ dừng lại ở địa bàn TP.Hồ Chí Minh mà còn lan tỏa đến các địa phương khác trên cả nước. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là làm sao việc bình ổn giá phải được cân đối, đó là mang lại lợi ích hài hòa cho tất cả những người tham gia làm ra sản phẩm chứ không phải chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Chia sẻ lợi nhuận đồng đều


Ông Nguyễn Văn Trực, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, một trong những đơn vị tham gia bình ổn giá cho rằng, thời gian vừa qua thành phố đã làm rất tốt việc đưa sản phẩm giá thấp ra thị trường, tuy nhiên muốn ổn định thị trường thì phải bình ổn sản xuất, có như vậy thì giá cả mới ổn định. Mà muốn ổn định sản xuất, thì người nông dân phải có nguyên liệu sản xuất, và nhà nước phải quy hoạch nguồn nguyên liệu cho nông dân. Song song đó là việc quản lý kiểm soát sản phẩm nhập khẩu chất lượng kém, ví dụ gà thải nhập lậu thời gian qua với giá rất rẻ khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cũng cho rằng, bình ổn giá phải từ cơ sở tạo nguồn, từ người sản xuất. Ông Mười chỉ ra một nghịch lý là giá thành chăn nuôi lợn là 44.000 - 45.000 đồng/kg trong khi giá lợn hơi công ty ông mua chỉ 39.000 đồng/kg. Tuy rằng, mua 39.000 đồng/kg lợn hơi nhưng giá thịt lợn nạc chỉ 37.000 đồng/kg. Chính vì vậy điều cần làm nhất là phải tổ chức tốt nguồn hàng, như quy hoạch lại để chăn nuôi bài bản, giảm chi phí, từ đó bán giá thấp nhưng người chăn nuôi vẫn có lãi và sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý và ổn định. Cùng quan điểm, nhưng với một góc nhìn khác, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho rằng bình ổn giá không phải cứ kéo giá xuống mà là giá thành ổn định và chia sẻ lợi nhuận đồng đều. Bình ổn giá phải có chiến lược trong dài hạn và chú ý hai vấn đề, một là không làm bóp méo quy luật thị trường, hai là chú ý cân bằng lợi ích cho cả người tiêu dùng và người sản xuất thì mới là cái gốc bình ổn bền vững.

Từ Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh, phân tích của thạc sĩ Mã Văn Tuệ và Trần Gia Trung Đỉnh cho rằng, để hoàn thiện chương trình bình ổn giá trong thời gian tới, ngoài việc đầu tư cho sản xuất, thành phố cũng nên rà soát lại các mặt hàng bình ổn, những mặt hàng cung vượt cầu trong nhóm 9 mặt hàng lương thực, thực phẩm nên cân đối lại việc cấp vốn tham gia bình ổn, vì theo lý thuyết kinh tế, khi cung vượt cầu thì sẽ không có tăng giá để cần phải bình ổn. Trên thực tế thì TP.Hồ Chí Minh đã bắt đầu cắt giảm vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia bình ổn và đây là chủ trương hết sức đúng đắn. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường bình ổn mặt hàng sữa, quản lý chặt chẽ mặt hàng thuốc Tây để đỡ gánh nặng cho người tiêu dùng.