Blockchain – Dịch vụ hỗ trợ phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố

Minh Hằng

Công nghệ Blockchain thời gian gần đây đang tạo ra giao dịch đáng tin cậy và tác động mạnh mẽ đến hầu hết lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng như: tiền gửi, thanh toán và chuyển tiền, an toàn bảo mật, giúp nhận biết khách hàng, phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố…

Cho phép tạo ra nhưng bản ghi giao dịch minh bạch, lâu bền, chống sửa đổi

Công nghệ Blockchain đang thực sự mở ra một tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nó có tác động to lớn đến quy trình xác nhận giao dịch, quản lý tiền mặt, tối ưu hóa tài sản cũng như các quy trình kinh doanh khác. Theo các chuyên gia công nghệ, với những tiến bộ trong công nghệ, cuộc sống của con người sẽ thay đổi và blockchain cũng không phải là ngoại lệ.

Khi áp dụng công nghệ blockchain, toàn bộ hệ thống phân phối các khoản tiền gửi và nhận sẽ được phân cấp và sẽ không bị kiểm soát bởi bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Hoặc đơn giản như quá trình thanh toán bảo hiểm. Thay vì cách thức hoạt động truyền thống, quá trình chi trả bảo hiểm sẽ được thực hiện tự động. Hệ thống sẽ hoạt động trên hợp đồng thông minh, xác minh tự động và không hề có sự chậm trễ giữa các bên và quá trình chi trả được thực hiện ngay lập tức.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc tư vấn Vietstock, công nghệ này được coi là nền tảng của làn sóng cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới và mở ra xu hướng phát triển mới cho nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất đến viễn thông…

Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ Blockchain có thể được ứng dụng vào nhiều hoạt động khác nhau trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng gồm: (i) Thanh toán và chuyển tiền; (ii) Tài trợ thương mại, bao thanh toán; (iii) Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành; (iv) Giao dịch ngoại hối; (v) Giao dịch chứng khoán; (vi) Bảo hiểm; (vii) Các dịch vụ hỗ trợ khác như: Nhận biết khách hàng, Phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

Công nghệ Blockchain (chuỗi khối) là một nền tảng công nghệ giúp ghi chép dữ liệu theo phương thức sổ cái phân tán trên nền tảng các máy tính ngang hàng, sử dụng một hệ thống được mã hóa bởi các thuật toán phức tạp với cơ sở dữ liệu các bản ghi giao dịch phi tập trung, cho phép người dùng trong cộng đồng sử dụng có thể truy cập công khai nhưng không một ai có thể can thiệp, sửa đổi. Đồng thời, cho phép tạo ra nhưng bản ghi giao dịch minh bạch, lâu bền, chống sửa đổi, có thể truy vết giữa các bên tham gia hệ thống mà không cần đến bất kỳ một bên trung gian tín nhiệm nào khác lưu giữ.

Có thể nói, Blockchain mang nhiều ưu điểm như đảm bảo tính minh bạch nhờ vào khả năng lưu trữ thông tin, dữ liệu giao dịch trong các chuỗi khối được liên kết và được xác thực trong toàn hệ thống; Tính tin cậy cao nhờ tính năng không thể thay đổi đối với thông tin, dữ liệu trong các khối lưu trữ, công nghệ Blockchain mang lại độ tin cậy rất cao cũng như giúp giảm bớt khả năng xảy ra rủi ro gian lận trong giao dịch; khả năng xóa bỏ trung gian do việc ghi nhận và xác thực giao dịch không cần thông qua một trung gian thứ ba, qua đó có khả năng giảm bớt các chi phí, độ trễ của giao dịch; tính bảo mật đảm bảo nhờ việc sử dụng khóa bí mật và khóa công khai trong phương thức hoạt động.

Giúp đẩy nhanh tốc độ giao dịch và thanh toán

Công nghệ Blockchain được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực và hứa hẹn mang tới một kỷ nguyên số cho các hoạt động tài chính ngân hàng nhờ khả năng đột phá về công nghệ, có khả năng thay đổi các quy trình nghiệp vụ truyền thống của ngân hàng, giúp đẩy nhanh tốc độ giao dịch của các dịch vụ, giảm thiểu bớt chi phí vận hành và mang lại độ bảo mật cao, hỗ trợ thiết thực cho công tác phòng chống rửa tiền của các ngân hàng.  Vì vậy, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như Morgan Stanley, Goldman Sachs, BNY Mellon, JP Morgan Chase, HSBC... đã và đang nghiên cứu áp dụng công nghệ Blockchain trong các hoạt động của. Gần đây nhất, Ngân hàng OCBC của Singapore là ngân hàng đầu tiên trong khu vực ứng dụng công nghệ Blockchain trong dịch vụ chuyển tiền nội địa và quốc tế, làm tăng hiệu suất, sự minh bạch, giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Với đà đó, dự báo trong thời gian tới sẽ có khoảng 15% tổng số các tổ chức tín dụng trên toàn thế giới sẽ áp dụng công nghệ này cho các hoạt động của tổ chức mình. Không nằm ngoài xu thế của thế giới, một số ngân hàng ở Việt nam cũng đã và đang có những nghiên cứu ban đầu đối với công nghệ này, hứa hẹn khả năng áp dụng công nghệ này trong tương lai gần.

Tuy nhiên, để Blockchain phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, cần có sự chỉ đạo hỗ trợ từ phía Chính phủ tới các bộ, ban, ngành và bản thân các ngân hàng thương mại, các công ty Fintech... Cụ thể, Chính phủ cần có định hướng, chỉ đạo các bộ, ngành chủ động nghiên cứu về công nghệ Blockchain và những ứng dụng khả thi của công nghệ này trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ tài chính, quản lý nhà đất, y tế, dịch vụ pháp lý…

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ Blockchain thông qua xây dựng các khuôn khổ pháp lý hỗ trợ cho các công ty Fintech/công ty khởi nghiệp hoạt động phù hợp.

Bản thân các ngân hàng thương mại cũng cần có nghiên cứu sâu về công nghệ Blockchain, tiềm năng ứng dụng công nghệ này trong các hoạt động nghiệp vụ; trước mắt chú trọng khai thác khả năng ứng dụng của Blockchain trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền, nhận biết và xác thực khách hàng… xây dựng Đề án và chủ động đề xuất tới Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép triển khai áp dụng trong thực tế.