Blockchain giúp thúc đẩy thương mại giữa 7 nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương
TradeWaltz đặt mục tiêu giữ cho chuỗi cung ứng gồm 5.000 công ty hoạt động với tốc độ ổn định.
Một trong những bài học mà đại dịch SARS-CoV-2 mang đến cho thế giới chính là việc cần phải có các kế hoạch dự phòng. Cho dù là việc quá phụ thuộc vào một nguồn cung vật tư y tế quan trọng, đóng cửa biên giới đột ngột, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vì lý do khách quan, cho đến một cuộc chiến thương mại “ngẫu hứng”, thì các doanh nghiệp đều cần phải học được khả năng thích ứng nhanh chóng.
Nhật Bản vốn được biết đến là một trong những quốc gia hùng cường với rất nhiều điểm mạnh, thế nhưng việc quốc gia Đông Bắc Á này sa lầy trong truyền thống thủ tục giấy tờ - hay nói cách khác là tư duy bảo thủ ngại thay đổi, là một trong số những lý do khiến nhiều công ty tại đất nước mặt trời mọc mất quá nhiều thời gian để giải quyết các thủ tục hành chính, và cùng với đó là tiêu tốn hàng trăm tỷ JPY.
Nhận ra được “gót chân Asin” của mình, mới đây, Nhật Bản và sáu nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Australia và New Zealand) đang nỗ lực để thiết lập một mạng lưới thương mại xuyên biên giới với mục đích có thể cung cấp cho 5.000 doanh nghiệp quyền truy cập và thực hiện các hoạt động giao thương trực tuyến với các nhà cung cấp trên toàn khu vực. Điều này được kỳ vọng sẽ làm giảm bớt những ảnh hưởng do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.
Tại Nhật Bản, các công ty sẽ kết nối với mạng lưới thông qua TradeWaltz, một nền tảng chia sẻ dữ liệu thương mại dựa trên blockchain . Ở đó, các doanh nghiệp sẽ có thể chia sẻ các tài liệu số hóa và công việc văn thư liên quan đến thương mại sẽ được thực hiện mà không cần giấy tờ vật lý.
TradeWaltz sẽ kết nối với các hệ thống đối tác được thiết lập tại bảy quốc gia và vùng lãnh thổ. Các hoạt động thử nghiệm đã được triển khai tại Việt Nam với các công ty trên khắp Đông Nam Á đã đăng ký TradeWaltz. Ngoài ra, mạng lưới này dự kiến sẽ kết nối với các hệ thống công cộng và tư nhân hoạt động ở Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Úc và New Zealand.
Năm 2020, TradeWaltz đã bắt đầu chạy thử nghiệm với khoảng 20 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia. Con số dự kiến sẽ tăng lên 450 vào năm 2025. Vào giữa thập kỷ này, ước tính toàn bộ mạng lưới bảy nền kinh tế, bao gồm 5.000 doanh nghiệp sẽ tham gia vào hệ thống.
Các công ty trong hệ thống sẽ sử dụng nền tảng blockchain xuyên biên giới sẽ đăng ký hàng hóa, tuyến đường phân phối và hồ sơ về các giao dịch xuất nhập khẩu. Các công ty đồng thời có thể duyệt dữ liệu đó, và hợp lý hóa việc tìm kiếm sản phẩm phù hợp. Nếu xảy ra đột ngột gián đoạn nguồn cung, một công ty vốn đang nhập khẩu khẩu trang từ Trung Quốc, hoàn toàn có thể nhanh chóng tìm một nhà cung cấp khác trong hệ thống
Nếu hệ thống logistic gặp sự cố, chẳng hạn như sự cố vừa qua tại Kênh đào Suez, các doanh nghiệp trong hệ thống có thể sử dụng nền tảng này để dễ dàng tìm các tuyến đường thay thế khác. Trước đây, các công ty riêng lẻ sẽ rất mất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp khác.
Việc đưa vào sử dụng mạng lưới thương mại dựa trên blockchain này, cùng với đó là việc số hóa các thủ tục giấy tờ giao dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự hồi sinh thương mại cho các công ty Nhật Bản, với các cải thiện về hình thức giao nhận hàng, thư tín dụng từ ngân hàng, hay tài liệu từ các công ty bảo hiểm, công ty hậu cần và cơ quan hải quan.
Nhật Bản có thói quen sử dụng tài liệu vật lý. Chỉ đến năm ngoái, chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide mới chính thức bắt tay vào xây dựng chính quyền điện tử. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy thời gian hoàn thành các thủ tục giấy tờ ở Nhật Bản lâu hơn 36 lần so với thời gian thực hiện các công việc tương tự ở Pháp hoặc Ý. Và TradeWaltz ra đời với kỳ vọng sẽ cắt giảm tới 60% thời gian so với trước đó.
Một liên doanh bao gồm bảy công ty Nhật Bản, bao gồm NTT Data, Mitsubishi Corp, MUFG Bank và Tokio Marine & Nichido Fire Insurance sẽ cùng vận hành TradeWaltz. Liên doanh sẽ thu phí sử dụng từ các công ty tham gia. Đồng thời, TradeWalt đang xem xét việc hợp tác với một nền tảng thương mại điện tử của Hoa Kỳ. Theo Mitsubishi, Trung Quốc chưa có một hệ thống thương mại trực tuyến bao gồm toàn bộ đại lục, nhưng sự hợp tác sẽ được thực hiện khi nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc được cải thiện và phát triển.
Mặc dù vậy, vẫn cần phải xem liệu số lượng các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống có được như kỳ vọng hay không. Đồng thời, việc hệ thống TradeWalt đảm bảo bảo mật về hồ sơ giao dịch cũng như các dữ liệu nội bộ khác cũng là điều rất được quan tâm.