Bộ Tài chính đề nghị đưa các mặt hàng chống dịch vào diện kê khai giá
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc quản lý điều hành giá trong năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức. Theo đó, ngay từ quý I/2020, cần tập trung nguồn lực chỉ đạo, điều hành kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế, trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính đề nghị địa phương nên đưa các mặt hàng chống dịch vào diện kê khai giá và kiểm soát yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn giá cả thị trường.
Theo Bộ Tài chính, việc kiểm soát lạm phát CPI dưới 4% là nhiệm vụ rất khó khăn nếu không chỉ đạo điều hành ngay từ quý I/2020. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai ngay các ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban điều hành giá.
Cụ thể, đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh cho người (bao gồm cả các loại thuốc phục vụ cho phòng chống dịch) cần tổ chức triển khai ngay việc đấu thầu thuốc, tập trung đàm phán giá để bảo đảm có đủ nguồn cung trong và sau dịch bệnh, thông qua đó để có thể điều tiết mức giảm giá bán phù hợp.
Đối với mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá thịt lợn giảm 10% ngay trong tháng 2 sẽ giúp CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ 2019 chỉ tăng 5,67% và CPI bình quân cả năm ở mức 4,59%; nếu giá thịt lợn giảm thêm 8 – 10% trong tháng 3 sẽ giúp CPI bình quân cả năm ở mức 4,22%.
Để thực hiện được, các bộ, ngành chức năng cần làm tốt các biện pháp điều hành cung - cầu giúp giá thịt lợn hơi về mức 60.000 – 65.000 đồng/kg hơi và các tháng tiếp theo giá bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000 – 50.000 đồng/kg hơi (mức bình thường trước khi có dịch), tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ. Trước mắt, cần triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được Chính phủ chỉ đạo để điều hành cung cầu kéo mặt bằng giá thịt lợn giảm ngay trong tháng 2 và tháng 3.
Với các mặt hàng nhập khẩu là đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, phải có đánh giá tổng thể về nhu cầu hiện nay của các cơ sở sản xuất, nguồn cung thực tế trên thị trường trong ngắn hạn để triển khai ngay các biện pháp cân đối cung cầu.
Về thuế với những mặt hàng vật tư y tế, máy móc thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, Bộ Tài chính cho biết hiện thuế nhập khẩu một số máy móc, thiết bị, dịch truyền, vật tư y tế trong nước chưa sản xuất được thì thuế nhập khẩu bằng 0%; Riêng với một số vật tư y tế, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, vải không dệt, găng tay trong nước đã sản xuất được thì thuế nhập khẩu từ 5% - 30%.
Thêm vào đó, các bộ, ngành cần nghiên cứu đưa ra giải pháp sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để thay thế; Bên cạnh đó, đẩy mạnh tìm kiếm và nhập khẩu từ các thị trường khác, đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính nhằm xúc tiến nhanh quá trình nhập khẩu đảm bảo phục vụ đủ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn tiếp theo, dự báo Việt Nam vẫn cần trang bị các vật dụng thiết bị cần thiết dùng cho chống lây nhiễm dịch, bệnh, trong đó có khẩu trang. Do vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo tìm nguồn để nhập khẩu khẩu trang đáp ứng nhu cầu ở trong nước; Bộ Ngoại giao khuyến khích các tổ chức quốc tế, kiều bào hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị phòng, chống dịch.
Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nguồn lực để kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh. Trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế của địa phương, đưa các mặt hàng chống dịch vào diện kê khai giá và kiểm soát yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn giá cả thị trường.
Đồng thời, nhằm phòng chống đầu cơ, cơ quan quản lý thị trường phải phối hợp chặt chẽ với thanh tra tài chính, triển khai mạnh mẽ công tác kiểm tra trên diện rộng, việc công khai niêm yết giá, khi phát hiện sai phạm như: bán không đúng giá niêm yết, tăng giá bất hợp lý... cần xử lý nghiêm.
Để phục vụ chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định miễn thuế nhập khẩu đối với khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng. Bộ Tài chính cho rằng, cần đánh giá chính xác nguồn cung và cầu trên thị trường về thuốc và vật tư y tế để tăng cường sản xuất, giúp kiềm chế giá bán, cung cấp các sản phẩm thuốc, vật tư y tế phòng chống dịch.