Bộ Tài chính hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2024

Thùy Linh

Chiều 31/12/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Tham dự Hội nghị có: Phó Thủ tướng Chính Phủ Hồ Đức Phớc; đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Về phía Bộ Tài chính, có đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; các Thứ trưởng Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các tổng cục, vụ, cục thuộc Bộ Tài chính.

Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở tài chính, cục thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, cục dự trữ nhà nước, tại điểm cầu 62 tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã xem video tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2024 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Thu ngân sách ước đạt trên 2 triệu tỷ đồng

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt triển khai nhiệm vụ thu, chi NSNN; rà soát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, chống thất thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chủ động tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 với quy mô dự kiến khoảng 191 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu NSNN năm 2024) ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng quản lý chi NSNN chặt chẽ trong phạm vi dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương cắt giảm những khoản chi đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2024 chưa phân bổ; thực hiện tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được khoảng 5 nghìn tỷ đồng; báo cáo Quốc hội dành cho nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng; kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Về kết quả điều hành thu NSNN, số thu năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023 (thu ngân sách Trung ương ước đạt 123,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán); tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 17,8% GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2% GDP.

Về công tác tổ chức điều hành chi NSNN, ước đến ngày 31/12/2024 đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định; tỷ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt khoảng 81,9%); chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán.

Nợ công được quản lý chặt chẽ

Năm 2024, dưới dự điều hành chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính, cân đối ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo. Đã thực hiện phát hành được 330,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 82,59% kế hoạch, kỳ hạn bình quân 11,12 năm, lãi suất bình quân 2,52%/năm, đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách Trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu trong cả nước.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu trong cả nước.

Nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu NSNN khoảng 20-21%. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục cơ cấu lại nợ công; phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, góp phần kéo dài danh mục nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội; thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết; không cấp mới bảo lãnh cho các dự án vay trong nước và nước ngoài.

Trong năm 2024, Bộ Tài chính đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Giá năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 03 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 14 thông tư. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành giá bán lẻ xăng dầu, giá bán lẻ điện....

Công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành, giá cả thị trường cơ bản ổn định, chỉ số CPI bình quân 11 tháng tăng 3,69% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,7%; ước cả năm CPI bình quân tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu (4-4,5%).

Cùng với đó, việc tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm được Bộ Tài chính chú trọng thực hiện ngay từ đầu năm 2024. Nhờ đó, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững với khung khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện.

Tiếp tục đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng

Bước sang năm 2025, dự báo trong thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025, ngành Tài chính xác định sẽ tiếp tục quyết tâm, chủ động, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu chỉ đạo, điều hành đã đề ra.

Về các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đồng thời, tăng cường năng lực dự báo đúng, kịp thời những biến động tình hình kinh tế thế giới và trong nước để đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm xử lý tốt các vấn đề phát sinh.

Năm 2025, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu NSNN, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, tài sản công, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững cũng sẽ được ngành Tài chính tiếp tục chú trọng trong thời gian tới.

Ngoài ra, những nhiệm vụ trọng tâm khác sẽ được Bộ Tài chính thực hiện trong năm 2025 đó là: Kiểm soát hiệu quả bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng; Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xây dựng cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, nòng cốt cho kinh tế nhà nước; Tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; Đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; Tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Đáng chú ý, thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.