Bộ Tài chính hướng dẫn nguồn kinh phí và cơ chế mua sắm trong điều kiện dịch bệnh Covid-19


Bộ Tài chính vừa có Công văn số 4841/BTC-HCSN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn nguồn kinh phí và cơ chế mua sắm trong điều kiện có dịch bệnh Covid-19.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Không để thiếu kinh phí mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế

Để phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ” là dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo phương án phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế; đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; không để thiếu kinh phí, nhất là kinh phí mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế.

Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 29/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19.

Trong tổ chức thực hiện, trường hợp địa phương có khó khăn về cân đối ngân sách địa phương, UBND tỉnh kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính để xem xét xử lý theo quy định.

Địa phương được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách

Về cơ chế mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định của pháp luật liên quan.

Trong đó, về hình thức lựa chọn nhà thầu, căn cứ Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch Covid-19 và tình hình diễn biến dịch bệnh để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức đấu thầu theo các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 Luật Đấu thầu.

Điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu quy định hình thức chỉ định thầu được áp dụng trong trường hợp: “Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách”.

Theo đó, trong thời gian có dịch được cấp có thẩm quyền công bố, các địa phương được quyết định theo thẩm quyền việc thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuộc phạm vi quản lý để triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.

Không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc việc mua sắm

Về giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Bộ Tài chính hướng dẫn, giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.

Theo khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, khi xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau:

Một là, giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 3 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 3 báo giá.

Hai là, dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm).

Ba là, kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật Giá.

Bốn là, giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet.

Năm là, giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.

Căn cứ quy định nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, quyết định việc xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định; không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, quyết định việc sử dụng 1 hoặc 2 hoặc 3 hoặc 4 hoặc 5 tài liệu nêu trên khi xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu. Ngoài ra, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các quy định của pháp luật có liên quan.

Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. 

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát và chỉ đạo tổ chức thực hiện mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật.