Bộ Tài chính hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

Bảo Thương

Nhận thức được vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của việc trồng cây, trồng rừng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 257/VP-QT gửi các đơn vị thuộc Bộ về việc tổ chức tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

Để tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” thiết thực hiệu quả, tăng cường quản lý bảo vệ, phát triển rừng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai; chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2025 và thực hiện tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo thế giới về rừng và sử dụng đất tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị nghiên cứu, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải đảm bảo phù hợp với điều kiện, chức năng nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình thực tế hoạt động của cơ quan khi triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 6/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. 

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổ chức triển khai "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp, đồng thời tăng cường huy động xã hội hóa, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tham gia trồng cây, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh trồng cây xanh lâu năm phân tán ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu văn hóa - lịch sử, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp.

Tăng cường quản lý bảo vệ rừng; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật, tình trạng khai thác, vận chuyển tiêu thụ lâm sản bất hợp pháp, tình trạng săn bắt, bẫy, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt, phá rừng trái pháp luật...

Ngoài ra, huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đầu tư, nguồn vốn xã hội hóa; lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình đầu tư công và các Chương trình, đề án khác giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo để thực hiện thành công Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050, Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.