Bộ Tài chính nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

PV. (t/h)

Bộ Tài chính xác định công tác cải cách hành chính (CCHC), trong đó có cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những giải pháp trọng tâm hàng đầu, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu cải cách.

Ngành Tài chính tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả và đo lường sự hài lòng đối với việc giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.
Ngành Tài chính tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả và đo lường sự hài lòng đối với việc giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.

Thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC

Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã triển khai Quyết định số 2851/QĐ-BTC ngày 29/12/2022 về Kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2023 đáp ứng yêu cầu về cải cách TTHC tại các nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Đến ngày 25/12/2023, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 86 TTHC tại 15 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công sản, thuế, kế toán, kiểm toán, giá, bảo hiểm, hải quan... theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC, từ ngày 01/01/2023 đến 25/12/2023, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 13 quyết định công bố bãi bỏ 33 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 26 TTHC; công bố mới 03 TTHC trong các lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở Quyết định công bố, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định.

Đến ngày 25/12/2023, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 774 TTHC. Trong đó: lĩnh vực thuế là 235 TTHC; lĩnh vực hải quan là 225 TTHC; lĩnh vực KBNN là 11 TTHC; lĩnh vực dự trữ là 7 TTHC; lĩnh vực chứng khoán là 104 TTHC; lĩnh vực tài chính chung là 192 TTHC.

Theo công bố mới nhất của Bộ Nội vụ về Chỉ số CCHC năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2023), Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 về chỉ số PAR Index với kết quả đạt 89,18%. Đây là năm thứ 10 liên tiếp (2014-2023), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index. Trong đó, các chỉ số cụ thể lần lượt là: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 93,73%; Cải cách thể chế đạt 76,58%; Cải cách TTHC đạt 84,08%; Cải cách tổ chức bộ máy đạt 95,15%; Cải cách chế độ công vụ đạt 93,01%; Cải cách tài chính công đạt 95,20% và xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đạt 88,62%.

Năm 2024, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 137/QĐ-BTC về kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát TTHC. Bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách TTHC tại các nghị định, nghị quyết của Chính phủ; chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các yêu cầu kiểm soát TTHC. 

Trong quý I/2024, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện gắn với việc phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/3/2024, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 3 TTHC tại 2 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực giá theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/2/2022 của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC, từ ngày 15/12/2023 đến 14/3/2024, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 6 quyết định công bố bãi bỏ 40 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 26 TTHC; công bố mới 12 TTHC trong các lĩnh vực quản lý. 

Tính đến ngày 14/3/2024, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 765 TTHC. Trong đó, lĩnh vực thuế là 235 TTHC; lĩnh vực hải quan là 225 TTHC; lĩnh vực KBNN là 11 TTHC; lĩnh vực dự trữ là 7 TTHC; lĩnh vực chứng khoán là 104 TTHC; lĩnh vực tài chính chung là 183 TTHC.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC. Đây cũng là giải pháp đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển của ngành Tài chính trong năm 2024. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Một là, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kiểm soát TTHC; chú trọng đánh giá tác động của TTHC ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Hai là, đổi mới quy trình, TTHC giải quyết công việc nội bộ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo hướng đơn giản hóa, gắn kết với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số.

Ba là, thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện; tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC rườm rà, chồng chéo gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức.

Bốn là, thực hiện thống kê, công bố, cập nhật và công khai TTHC, điều kiện kinh doanh, chế độ báo cáo thuộc lĩnh vực quản lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Năm là, tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.

Sáu là, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 và Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023.

Bảy là, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, các giải pháp nhằm giảm thời gian và chi phí thực hiện các TTHC lĩnh vực tài chính thông qua tăng cường đối thoại, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Tám là, tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả và đo lường sự hài lòng đối với việc giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.