Bộ Tài chính trả lời cử tri TP. Hồ Chí Minh về trái phiếu bán lẻ cho người dân

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính không phát hành trái phiếu chính phủ theo phương thức bán lẻ chủ yếu là do người dân không có nhu cầu đầu tư vào trái phiếu chính phủ.

Trong giai đoạn 2009 – 2010 phát hành trái phiếu chính phủ dưới phương thức bán lẻ không thành công, chỉ huy động được 900 tỷ đồng vào năm 2009. Nguồn: Internet
Trong giai đoạn 2009 – 2010 phát hành trái phiếu chính phủ dưới phương thức bán lẻ không thành công, chỉ huy động được 900 tỷ đồng vào năm 2009. Nguồn: Internet
Bộ Tài chính cho biết như vậy trước ý kiến của cử tri thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ ban hành trái phiếu nên ưu tiên bán cho người dân trước, nhằm huy động nguồn lực trong dân để đưa vào hoạt động phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo ra công ăn việc làm, góp phần phát triển nền kinh tế xã hội của đất nước.

Trả lời cử tri TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của pháp luật (Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05/01/2011 về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương; Thông tư số 17/2012/TT-BTC ngày 08/02/2012 về hướng dẫn phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước), việc phát hành trái phiếu Chính phủ được thực hiện theo 4 phương thức: đấu thầu phát hành; bảo lãnh phát hành; đại lý phát hành; bán lẻ trái phiếu.

Trong đó, 2 phương thức đấu thầu phát hành và bảo lãnh phát hành chủ yếu dành cho nhà đầu tư có tổ chức, 2 phương thức còn lại chủ yếu dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ (người dân).

Thực tế triển khai từ năm 1990 đến nay, việc phát hành trái phiếu chính phủ trong giai đoạn đầu được thực hiện theo phương thức bán trực tiếp cho người dân, sau đó chuyển dịch dần sang phương thức bán cho nhà đầu tư tổ chức cùng với sự phát triển của thị trường tài chính. Từ năm 2000 đến nay, Bộ Tài chính chủ yếu phát hành trái phiếu chính phủ cho nhà đầu tư tổ chức (ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư).

Trong giai đoạn 2009 – 2010 phát hành trái phiếu chính phủ dưới phương thức bán lẻ không thành công, chỉ huy động được 900 tỷ đồng vào năm 2009, tương đương với 4,7% tổng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ năm 2009.

“Việc Bộ Tài chính không phát hành trái phiếu chính phủ theo phương thức bán lẻ chủ yếu là do người dân không có nhu cầu đầu tư vào trái phiếu chính phủ”, Bộ Tài chính cho biết.

Lý do xuất phát từ việc trái phiếu chính phủ thường có kỳ hạn dài trên 2 năm và không có chương trình rút trước hạn; lãi suất không hấp dẫn so với các kênh tiết kiệm hoặc đầu tư khác, ví dụ lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1 năm tại thời điểm tháng 1/2014 là 6,04%/năm, trong khi đó lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại kỳ hạn 12 tháng là 7,50%/năm. Hơn nữa, mức độ linh hoạt cũng kém hơn so với các sản phẩm tiền gửi của các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, đứng từ giác độ của tổ chức phát hành, phương thức phát hành bán lẻ có chi phí rất cao cho nhà nước (chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản ấn chỉ, tổ chức phát hành), trong khi khối lượng phát hành trái phiếu qua phương thức bán lẻ rất nhỏ.

Về kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia trên thế giới đều tập trung vào việc phát hành trái phiếu chính phủ cho các nhà đầu tư tổ chức (ngân hàng, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm), khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ từ người dân hạn chế.

Xuất phát từ thực tế phát hành và kinh nghiệm quốc tế, việc phát hành như hiện nay (đấu thầu) là vừa đảm bảo cho Chính phủ huy động vốn hiệu quả  (đạt khối lượng cao với mức chi phí phát hành thấp) vừa vẫn đảm bảo người dân có thể đầu tư gián tiếp vào trái phiếu chính phủ thông qua khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu chính phủ).

Trường hợp cần huy động nguồn lực trực tiếp từ người dân, ví dụ cho các dự án có tính chất xã hội cao, trên phạm vi toàn quốc, Bộ Tài chính sẽ phát hành thêm qua phương thức bán lẻ trái phiếu, ví dụ như chương trình phát hành công trái năm 2005 để đầu tư cho giáo dục và y tế./.