Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sau một năm nhậm chức
(Tài chính) Sau một năm nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng được ghi nhận đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành giá cả thu - chi ngân sách, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.
Quyết liệt kìm giá
Điển hình là mặt hàng sữa. Mặc dù 21/6 mới là thời điểm các doanh nghiệp sữa phải áp dụng quy định mới về trần giá sữa, song ngay từ đầu tháng 6, nhiều sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm giá, mức giảm từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn đồng/hộp. Chị Lưu Hải Vân, trú tại tập thể Bách Khoa, Hà Nội cho biết, hai bé nhà chị 3 và 4,5 tuổi quen dùng sản phẩm Similac GainPlusIQ của hãng Abbott, mỗi tháng trung bình hết 3 hộp 900g. Với mức giảm gần 85.000 đồng/hộp GainPlusIQ từ 1/6, mỗi tháng gia đình chị Vân bớt chi được trên 250.000 đồng từ tiền sữa. “Sau bao năm chỉ tăng, đây là lần đầu tiên giá sữa bột giảm, một phần giúp tiết kiệm “ngân sách” gia đình, phần khác cho chúng tôi niềm tin về quyền lợi người tiêu dùng từng bước được bảo vệ ”- chị Vân tâm sự.
Mong muốn của chị Vân cũng là mong muốn chung của người tiêu dùng, đã được Bộ Tài chính thực hiện bằng nhiều biện pháp quyết liệt. Báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2014 tăng 0,2% so với tháng trước, tính chung 5 tháng đầu năm tăng 1,08% so với tháng 12/2013 đã thể hiện phần nào những nỗ lực của cơ quan quản lý giá.
Kết quả này đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận tại phiên chất vấn ngày 11/6: “Về công tác kiểm soát giá, Quốc hội hoan nghênh Bộ Tài chính, Chính phủ đã có những biện pháp cần thiết tổ chức thực hiện Luật Giá của Quốc hội mới ban hành năm ngoái và công tác kiểm soát giá đã có tăng cường. Đề nghị Bộ trưởng và các ngành liên quan tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống của người dân để chúng ta có biện pháp kiểm soát giá cả, có biện pháp bình ổn thị trường cho những mặt hàng này, đảm bảo quyền lợi của người dân”.
Tăng thu ngân sách
Kiểm soát giá cả, lạm phát chỉ là một trong những kết quả của ngành Tài chính dưới sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sau một năm nhậm chức. Kế thừa và tiếp nối những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt của những lãnh đạo tiền nhiệm, công tác thu, chi ngân sách cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2013 được dự báo hụt nặng, song cuối năm đã vượt thu 0,7%. Đánh giá về kết quả này, Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm nhận xét, khả năng tăng thu, tận thu của ngành Tài chính là rất tích cực, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với vô vàn khó khăn, doanh nghiệp thua lỗ, giải thể, phá sản hàng loạt.
Sự chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp của ngành Tài chính một lần nữa được khẳng định bằng hàng loạt những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại tại Bình Dương, Hà Tĩnh do một số đối tượng quá khích gây ra. Đó là chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan bố trí cán bộ, làm thêm giờ để thực hiện ngay việc giảm, giãn một số loại thuế, tạo điều kiện thông quan trong trường hợp doanh nghiệp cần nhập khẩu bổ sung thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu. Đó là chỉ đạo cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm thống kê thiệt hại, bồi thường bước đầu cho doanh nghiệp.
Chung góc nhìn này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chia sẻ thêm, Bộ Tài chính đã phối hợp rất chặt chẽ với các ngành, đặc biệt là ngành Giao thông trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Chỉ tính riêng trong quý I/2014, ngành Tài chính phối hợp với ngành Giao thông đã tổ chức hơn chục phiên đấu giá cổ phần lần đầu phát hành ra công chúng của các doanh nghiệp ngành Giao thông, góp phần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời giúp tăng thu ngân sách, từ đó thêm nguồn cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.