Bộ Xây dựng: Giá đất đã “hạ nhiệt” 10-20% so với thời kỳ cao điểm đầu năm
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện tượng "sốt đất" dịp đầu năm được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá khoảng 10-20% so với thời kỳ cao điểm, tuy nhiên lượng giao dịch rất thấp.
Bộ Xây dựng vừa công bố Báo cáo toàn ngành xây dựng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.
Đáng chú ý, tại báo cáo vừa được công bố, đơn vị đầu ngành xây dựng này nêu lại vấn đề nóng nhất của ngành thời gian từ đầu năm đến nay và cho biết, việc “sốt đất” nền tại các đại phương đã được kiểm soát.
Cụ thể, theo báo cáo, thời điểm đầu năm nay đã có hiện tượng “sốt đất” cục bộ tại một số nơi, tuy nhiên, theo ghi nhận mới nhất từ cơ quan quản lý, giá đất nền tại các địa phương đã lao dốc.
Theo Bộ này, thời gian qua, để ngăn ngặn, xử lý hiện tượng "sốt đất ảo" tại một số địa phương, Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường.
“Đến nay, thị trường bất động sản đã cơ bản được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá (khoảng 10-20% so với thời kỳ cao điểm). Tuy nhiên, lượng giao dịch vẫn rất thấp”, báo cáo nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề này, tại Báo cáo thị trường quý II của trang web Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong quý vừa qua, lượng tìm kiếm, quan tâm đến đất nền trên các trang tuyến lao dốc. Độ quan tâm đất nền của các địa phương giảm sâu. Cụ thể, tại Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%).
Khu vực phía Nam, gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu từng nóng lên hồi đầu năm cũng đều suy giảm mức độ quan tâm. Nguyên nhân là thị trường hạ nhiệt từ nửa cuối tháng 4, sau đó là tác động của dịch bệnh khiến nhà đầu tư cân nhắc quyết định chuyển dịch dòng tiền.
Còn tại báo cáo 6 tháng đầu năm được phát hành mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đưa ra cảnh báo, tình trạng “sốt đất” và đầu tư theo “phong trào”, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải chịu hậu quả. Nhiều hiện tượng rao bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường.
“Giá đất tại các dự án ở Đông Anh, Gia Lâm chững lại và giữ giá như ở cuối quý 1/2021 mặc dù giao dịch thấp. Riêng một số khu vực có hiện tượng “sốt đất” như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Hoài Đức… đã có dấu hiệu sụt giảm, thể hiện qua thông tin chào bán trên thị trường. Tuy nhiên, cũng không xuất hiện giao dịch thực”, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết.
Trước đó như đã đưa tin, sau Tết Nguyên đán, giá đất tại nhiều địa phương tăng phi mã. Ngay tại Hà Nội, sau thông tin chuẩn bị phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6 tới, đất nền vùng ven sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội đã tăng dựng đứng.
Trước tình trạng trên, thời gian qua, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một loạt các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Giang, Cần Thơ… đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn, xử lý nghiêm những đối tượng tung tin đồn, đẩy giá bất động sản. Sau những cảnh báo được đưa ra, việc sốt đất nền tại nhiều địa phương đã giảm.
Tại báo cáo mới nhất về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý 1/2021 được phát hành đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý 1/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít.
“Tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng,…)”, Bộ Xây dựng cho biết.