Bối cảnh toàn cầu tác động đến Việt Nam

Trịnh Ngọc Lan

Ông Alfred Schipke, Trưởng phòng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc tăng cường hội nhập toàn cầu và khu vực. Mặc dù sự kết nối lẫn nhau này đã góp phần tạo ra tăng trưởng cao cho quốc gia trong thời gian qua, điều này cũng có nghĩa là Việt Nam đang ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều từ các diễn biến bên ngoài”.

Bối cảnh toàn cầu tác động đến Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn:ITN

Bức tranh về khu vực và toàn cầu cũng như tác động đến Việt Nam là một trong những chủ đề của Hội thảo “Việt Nam - Giữ vững ổn định, tăng cường lợi thế cạnh tranh và gặt hái được các tiềm năng tăng trưởng” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng IMF tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Chặng đường phục hồi còn nhiều thách thức

Bàn thảo về kinh tế toàn cầu, các diễn giả tập trung vào Mỹ và châu Âu. Theo các diễn giả, triển vọng thế giới có nhiều cải thiện nhưng chặng đường hồi phục còn nhiều thách thức.

Mỹ đã thoát khỏi vách đá tài khóa Cụm từ “vách đá tài khóa”. Cầu từ khu vực tư nhân của Mỹ đã hồi phục, tình hình tín dụng và nhà ở đang được cải thiện. Tuy nhiên, các điều chỉnh về ngân sách sẽ kìm hãm mức tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ.

Các rủi ro trong ngắn hạn của Mỹ hiện là: Không có khả năng giải quyết vấn đề cắt giảm chi tiêu Chính phủ trong ngắn hạn; Không thể nâng mức trần vay nợ; Phải phối hợp cân bằng giữa củng cố tài khóa trong trung hạn và các biện pháp thắt chặt tài khóa trong ngắn hạn...

Về châu Âu: Khu vực đồng EURO thoát khỏi nguy cơ tan vỡ; Điều kiện tài trợ cho các nước ngoài khu vực đồng EURO được cải thiện. Tuy nhiên, mức vốn và lợi nhuận thấp tại các ngân hàng ít có tác động đến các công ty và hộ gia đình. Châu Âu còn phải tiếp tục điều chỉnh chính sách tài khóa trong tương lai.

Các rủi ro chính của châu Âu là: Sự xuống sức trong quá trình điều chỉnh cải cách bằng cân đối tài sản yếu kém, các kênh tín dụng suy giảm, các bước tiến trong việc củng cố liên minh tiền tệ còn hạn chế; Chính sách tiền tệ (CSTT) cần được tiếp tục nới lỏng; Chính sách tài khóa (CSTK) cần hội nhập hơn; Bảo hiểm tiền gửi và cơ quan quản lý trên toàn châu Âu...

Theo các chuyên gia, nhiều Chính phủ đã phải sử dụng CSTT phi truyền thống để bơm thêm vốn (nới lỏng) vào nền kinh tế. Việc huy động nguồn vốn phụ thuộc vào tình trạng giữa tiết kiệm và đầu tư mà hai lĩnh vực này hiện mất cân đối.

Việc áp dụng CSTT phi truyền thống có hai rủi ro: (i) Rủi ro từ mức lãi suất thấp gồm: cho vay rủi ro cao, mất cân đối bảng tài sản, tỷ lệ vay nợ cao, cấu trúc tài chính (mua lại cổ phần bằng cách phát hành nợ), các tập đoàn ở các thị trường mới nổi tăng tỷ lệ vay nợ bao gồm cả các khoản nợ bằng ngoại tệ. (ii) Những rủi ro từ việc bán tài sản của các NHTW khiến có sự đánh đổi giữa ổn định giá cả và ổn định khu vực tài chính.

Các rủi ro tiềm năng đối với triển vọng châu Á

Mặc dù triển vọng có cải thiện, Trung Quốc vẫn dễ bị tổn thương trước sự suy giảm tăng trưởng mới. Việc đầu tư ở Trung Quốc giảm 10% có thể dẫn đến việc giảm sản lượng khoảng 0,5-2% so với kịch bản cơ sở. Thương mại khu vực bị gián đoạn do thiên tai hoặc rủi ro chính trị.

Sự gia tăng rủi ro vỡ nợ của Nhật Bản. Với mạng lưới chuỗi cung ứng hội nhập cao, các tác động lan tỏa (ví dụ thảm họa thiên tai, chính trị khu vực, sự hồi phục chậm lại của Trung Quốc và sự giảm sút niềm tin vào nền kinh tế Nhật Bản...) trong khu vực là luôn hiện hữu.

Các thách thức về dòng vốn và nhu cầu bảo vệ sự ổn định thị trường tài chính của châu Á là: Một vài quốc gia phải đối mặt với các dòng vốn vào ào ạt; Sự tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ có thể dẫn đến việc tạo ra các bong bóng tài sản; Ở một vài quốc gia, mức tỷ giá linh hoạt hơn có thể được bảo đảm; Các biện pháp an toàn vĩ mô có thể cần thiết để giải quyết các vấn đề vượt qúa giới hạn trong khu vực tài chính.

Về khu vực Đông Á, ông Alfred Schipke cho rằng trong ngắn hạn có hai vấn đề: (i) Có khả năng diễn ra chiến tranh tiền tệ , một số đồng tiền trong khu vực có thể phá giá. Câu hỏi đặt ra là tình trạng này sẽ tác động thế nào đến khu vực và thế giới?. (ii) Đông Á đang đẩy mạnh hội nhập và tham gia các quan hệ song phương, đa phương nhưng cần phải đẩy quan hệ đối tác kinh tế trong toàn khu vực làm sao mạnh và sâu hơn. ASEAN tăng trưởng phải có chất lượng cao hơn. Đông Á có nên tiếp tục dựa vào xuất khẩu? Đông Á nên dựa vào tăng trưởng cân đối giữa cung-cầu lấy đó làm đà để tăng trưởng, đồng thời nên có các biện pháp khai thác tiền tiết kiệm để tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực.

Tuy còn nhiều rủi ro và thách thức, nhưng chuyên gia của IMF cho rằng sự gia tăng nhu cầu nước ngoài kết hợp với nhu cầu trong nước mạnh mẽ cho thấy triển vọng tăng trưởng của châu Á tốt hơn toàn cầu. Rằng với triển vọng ổn định của giá lương thực và hàng hóa toàn cầu, mức lạm phát trong khu vực đa phần không thay đổi trong năm 2012 và châu Á có cơ hội xây dựng lại các biện pháp giảm sốc trong chính sách tài khóa và chính sách kinh tế đối ngoại.

Những vấn đề cần ưu tiên đối với Việt Nam

Ông Alfred Schipke tỏ ra dè dặt hơn với quá trình phục hồi, cải cách của Việt Nam. Theo ông thời gian phục hồi của Việt Nam có thể sẽ dài hơn vì tiến bộ đã đạt được cho đến nay chưa đủ lớn, không đủ mạnh nếu so với những rủi ro Việt Nam đang đối mặt.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương nhận xét Việt Nam rất tích cực trong bối cảnh nguồn lực ít. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào có thể hài hòa cải cách trong nước với hội nhập sâu vào kinh tế tế khu vực và toàn cầu? Theo ông Võ Trí Thành Việt Nam có 6 vấn đề cần ưu tiên là: Thể chế, phát triển nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng, đô thị hóa, phát triển nông nghiệp và di dân, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội.

Ông Dominoc Scriven cho biết: “Sáng kiến thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) là tích cực để xử lý tình hình nợ xấu của Việt Nam. Việt Nam cần tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, dân số trẻ, cải cách khu vực ngân hàng, giải quyết vấn đề mang tính cơ cấu, quan trọng nhất là hải củng cố vai trò tích cực của doanh nghiệp nhà nước và có cách tiếp cận để xử lý các vấn đề kinh tế mang tính cân đối.

Theo các chuyên gia, lợi ích mà Việt Nam hưởng được từ hội nhập kinh tế toàn cầu là: Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lớn sau khi gia nhập WTO, mức tăng trưởng xuất khẩu cao, kiều hối về nước nhiều. Việc Việt Nam đang đàm phán để ký Hiệp định kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp Việt Nam hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn trong tương lai. Việt Nam vẫn đang có những yếu tố tích cực như dân số trẻ, GDP tăng cao. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam là: Duy trì sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường.