“Bộn bề” với công cuộc tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp
(Taichinh) - Còn tới 25 tỉnh/thành phố chưa phê duyệt Đề án/kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tại địa phương mình... Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấntrao đổi với phóng viên Tạp chí Tài chính bên lề Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nhân rộng mô hình điển hình tại Hà Nội.
Ông đánh giá thế nào về kết quả sau hai năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp?
Qua 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp được triển khai và đã tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân làm rừng; tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ, nguyên liệu có nhiều thuận lợi hơndo thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (XK) đều tăng trưởng mạnh. Nhiều nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ được xây dựng và đi vào hoạt động tại nhiều địa phương.
Điển hình là giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng hơn, đạt bình quân 6,57%/năm, so với 5,03% so với giai đoạn 2010-2012, vượt mục tiêu đề án đề ra.6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 8,27% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,9%), đây là mức tăng trưởng cao nhất của ngành từ trước đến nay.
Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản cũng tăng trưởng gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm từ 3,035 tỷ/năm giai đoạn 2010-2012 lên 6,267 tỷ USD/năm giai đoạn 2013 đến nay.
Đặc biệt, dịch vụ môi trường thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, đồng thời giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động của chủ rừng, tạo nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước.
Bình quân hàng năm, cả nước thu được khoảng 1.200 tỷ đồng, góp phần chi trả cho 2,8 - 3,4 triệu ha rừng. Song song đó, có 57 mô hình sản xuất lâm nghiệp cho thu nhập cao, thu nhập 100 triệu đồng...Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, trong quá trình thực hiện táicơ cấu vẫn cònnhiều hạn chế, bất cập.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những hạn chế, bất cập trong quá trình tái cơ cấu?
Quá trình triển khai tái cơ cấu còn khá nhiều hạn chế. Điển hình là việc triển khai thực hiện Đề án chưa đồng bộ. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Đến nay, còn 25 tỉnh/thành phố chưa phê duyệt Đề án/kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tại địa phương mình.
Kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng của ngành chưa vững chắc. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém; lâm trường quốc doanh/công ty lâm nghiệp Nhà nước đổi mới chậm…
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những yếu kém chủ quan như nhận thức về tái cơ cấu ngành, cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi tư duy cũ, ảnh hưởng chungđến quá trình tái cơ cấu.
Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của các tổ chức Nhà nước hiệu quả chưa cao trong khi sự tham gia của DN, sự liên kết giữa các tổ chức Nhà nước và DN còn hạn chế…
Vậy thời gian tới, ngành Lâm nghiệp sẽ đặt ra nhiệm vụ trọng tâm gì để nâng cao hiệu quả sự liên kết giữa các tổ chức Nhà nước và DN trong quá trình tái cơ cấu ngành, thưa ông?
Thời gian tới, BộNN&PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất chính sách thuế trong lâm nghiệp (chú trọng đối với dăm gỗ XK) nhằm khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lâm sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm sau chế biến.
Xây dựng kế hoạch tiếp cận thị trường cho XK sản phẩm gỗ, trước mắt tập trung vào thị trường Nga và Hàn Quốc, trong đó đề xuất những nội dung, biện pháp cụ thể cần triển khai thực hiện.
Chủ động mở rộng thị trường XK như hỗ trợ các Hiệp hội gỗ và lâm sản thí điểm mô hình liên kết các DN có cùng lợi ích trong hiệp hội về sản xuất chế biến xuất khẩu lại với nhau để giảm chi phí đầu tư, sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh, có thể sản xuất các đơn đặt hàng XK lớn.
Đặc biệt,chúng tôi sẽ chủ động tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường lớn như: Sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT với EU để cấp phép FLEGT cho các lô hàng XK Việt Nam sang EU, tránh cho các DN Việt Nam phải làm trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ theo quy chế EUTR của EU (Bộ quy chế về gỗ, viết tắt là EUTR quy định trách nhiệm của DN nhập khẩu. Theo đó, các DN phải có sự tận tâm thỏa đáng khi xác định nguồn gốc gỗ trong thành phần cấu thành nên sản phẩm được nhập khẩu).
Bên cạnh đó, theo dõi những thông tin liên quan đến thay đổi chính sách thị trường, hàng rào thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại của 10 thị trường XK chủ lực mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… để có giải pháp hỗ trợ DN.
Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Công thương và Hiệp hội tổ chức các hội thảo hướng dẫn DN XK gỗ tìm hiểu các quy định và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định WTO để tránh các vụ kiện bán phá giá trong tương lai. Đồng thời, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa lâm sản của Việt Nam làm cơ sở để thực hiện các biện pháp điều hành của Nhà nước, thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu và chỉ đạo điều hành.
PV: Xin cảm ơn ông!