Brexit lại trễ hẹn đến 2020, rốt cuộc Anh có “ly hôn” được với EU?
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm 28/10/2019 cho hay, đại sứ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels và nhất trí gia hạn tiến trình Brexit thêm 3 tháng, tức tới ngày 31/1/2020.
Trên Twitter, ông Tusk cho biết, EU đồng ý với yêu cầu được gọi là “flextension” (gia hạn linh hoạt) từ Vương quốc Anh, nghĩa là nước này hoàn toàn có thể rời EU trước thời hạn nếu Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận. Cùng ngày, một quan chức EU hy vọng quyết định gia hạn Brexit sẽ được chính thức thông qua bằng văn bản vào ngày 29 hoặc 30/10/2019.
Sau quyết định trên, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu và nêu rõ, ông chấp nhận quyết định của EU và muốn đây sẽ là lần gia hạn cuối cùng. Ông Johnson đồng thời nhấn mạnh, sẽ hối thúc các thành viên EU làm rõ quan điểm rằng sẽ không để có thêm một lần gia hạn nào nữa sau ngày 31/1/2020.
Đáng lẽ, Vương quốc Anh sẽ rời EU vào thứ Năm (31/10/2019) tới, song theo đạo luật Benn - một đạo luật được Hạ viện Anh thông qua vào tháng 9/2019 để ngăn chặn khả năng Brexit không thỏa thuận, Thủ tướng Johnson buộc phải xin EU gia hạn - điều mà ông từng tuyên bố “thà chết” chứ không làm.
Và, khoảng thời gian 3 tháng gia hạn được cho là đủ để ông Johnson xử lý các vấn đề nội bộ nhằm thông qua tiến trình phê chuẩn thỏa thuận Brexit tại Quốc hội. Dù sử dụng biện pháp gì đi nữa, Thủ tướng Anh chắc chắn cần phải thực hiện một cách nhanh chóng, khi sự kiên nhẫn của các lãnh đạo và nhà ngoại giao tại Brussels cũng như tại thủ đô các nước EU đang dần cạn kiệt.
Sự kiên nhẫn này đặc biệt giảm nhanh sau khi Quốc hội Anh hôm 28/10/2019 đã bác đề xuất tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 12/12/2019 của ông Johnson, trong bối cảnh Thủ tướng Anh tìm cách phá vỡ thế bế tắc chính trị liên quan đến Brexit.
Cuộc bầu cử này được cho là có thể giúp khôi phục thế đa số cho đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như trao thêm cho ông Johnson tầm ảnh hưởng tại Quốc hội, từ đó hỗ trợ Thủ tướng Anh trong việc tập hợp được đa số để thông qua thỏa thuận Brexit.
Sau “trận thua” mới nhất tại cuộc bỏ phiếu hôm qua, Thủ tướng Anh khẳng định sẽ tiếp tục đưa yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm ra trước Hạ viện, và lần này sẽ chỉ cần đạt được đa số thông thường, tức tối thiểu 320 phiếu ủng hộ.
Song, trước nhiều diễn biến bất ngờ, thể hiện rõ sự chia rẽ trong nội bộ Quốc hội thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, nếu thỏa thuận Brexit không quả được “ải” Quốc hội, một Brexit “cứng” sẽ là điều tất yếu.
Đã 3 năm kể từ khi người Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU, và cuộc tranh luận về Brexit giờ đây đã đi quá xa so với những lời hứa hẹn ban đầu về việc nước Anh sẽ hồi phục tiếng tăm trong quá khứ cũng như thu về nhiều tiền hơn khi “dứt áo ra đi” khỏi EU.
Dẫu vậy, nhiều khảo sát cho thấy, kể từ mùa hè năm 2017 tới nay, số người cho rằng Brexit là quyết định sai lầm ngày một tăng. Người dân Anh đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ về việc rời khỏi EU, nhất là khi những chia rẽ, “dùng dằng” và các khúc quanh bất ngờ trong tiến trình Brexit liên tục xảy ra.
Tuy nhiên, chi phí và sự phức tạp của Brexit vẫn không dập tắt được mong muốn của các cá nhân đã quá chán nản với việc chia sẻ chủ quyền nước Anh với cả châu Âu. Theo hãng tin Bloomberg, có tới 63% thành viên Đảng Bảo thủ thà thấy Scotland rời Vương quốc Anh còn hơn bỏ Brexit, trong khi 61% chấp nhận nền kinh tế chịu thiệt hại nghiêm trọng để dứt khỏi EU…
Hơn 3 năm trước, việc một thành viên như Anh muốn “ly hôn” có thể là nhát búa mạnh giáng vào EU, song “mớ bòng bong Brexit” mà đến giờ vẫn chưa tháo gỡ được có lẽ mới thực sự là cơn ác mộng đối với EU, và cả với nước Anh.