Sẽ lui thời điểm Brexit
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk phát biểu hôm thứ Ba (22/10) rằng các nhà lãnh đạo EU nên trì hoãn thời điểm Brexit sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson tạm dừng luật về thỏa thuận Brexit vì các nhà lập pháp của Anh đã bỏ phiếu bác bỏ khung thời gian xem xét luật pháp liên quan đến việc ra đi của Anh khỏi EU.
Với 329 phiếu thuận và 299 chống, Hạ viện Anh hôm thứ Ba đã bỏ phiếu ủng hộ về nguyên tắc bản dự thảo lần hai của thỏa thuận Brexit, đánh dấu một chiến thắng đầu tiên của Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson trước Quốc hội. Thế nhưng chỉ vài phút sau đó, với 322 phiếu phản đối và 308 phiếu ủng hộ, các nghị sĩ đã bác bỏ khung thời gian để xem xét và đưa ra quyết định liên quan đến Luật về thỏa thuận rút khỏi EU (WAB) trong 3 ngày.
Trước đó, chiều 21/10, Chính phủ Anh đã đệ trình dự luật "Thỏa thuận rút lui" gồm 110 trang chính và 124 trang phụ lục, là văn bản luật pháp chi tiết về việc đưa thỏa thuận Brexit mới vào hệ thống luật trong nước. Đây được coi là nỗ lực của Chính phủ Anh nhằm đẩy nhanh việc quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit mới.
Trước khi bỏ phiếu, nhiều nhà lập pháp Anh đã bày tỏ sự thất vọng rằng khoảng thời gian 3 ngày là không đủ để xem xét một dự luật dài tới hơn 100 trang. Tuy nhiên Chính phủ lại muốn đẩy nhanh tiến trình xem xét thông qua dự luật này để đảm bảo Brexit đúng thời hạn 31/10. Họ cũng lo ngại thời gian xem xét dài hơn sẽ khiến dự luật bị sửa đổi nhiều.
Quyết định này của các nhà lập pháp Anh có nghĩa là Vương quốc Anh gần như chắc chắn sẽ không rời khỏi EU vào ngày 31/10 và EU sẽ phải đẩy lùi thời hạn này để ngăn không cho kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra.
Phản ứng với quyết định này của các nhà lập pháp, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông sẽ tạm dừng Luật rút khỏi EU cho đến khi ông thảo luận với các nhà lãnh đạo EU. Mặc dù tỏ ra thất vọng vì sự chậm trễ nhưng ông tuyên bố “bằng cách này hay cách khác, chúng tôi sẽ rời EU với thỏa thuận này”. Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn cũng cho biết ông sẽ đề nghị hợp tác với chính phủ Bảo thủ để thống nhất về thời gian biểu hợp lý.
Trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng cho biết sau cuộc bỏ phiếu rằng, sau quyết định tạm dừng thỏa thuận Brexit của Johnson, ông sẽ đề nghị 27 quốc gia thành viên EU chấp thuận trì hoãn ngày ra đia của Anh khỏi khối. “Tiếp theo quyết định tạm dừng quá trình phê chuẩn thỏa thuận rút lui của Thủ tướng Boris Johnson và để tránh Brexit không có thỏa thuận, tôi sẽ đề nghị EU27 chấp nhận yêu cầu gia hạn của Anh. Tôi sẽ có đề xuất bằng văn bản”, Tusk cho biết trong một phát biểu trên twitter.
Tuy nhiên Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tuyên bố hôm thứ Ba rằng, nếu cuộc bỏ phiếu thông qua khung thời gian xem xét dự luật không thành công, ông có thể rút lại dự luật này và thay vào đó sẽ kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử ở Anh. Ngay cả trong trường hợp các nghị sĩ thực hiện các thay đổi lớn đối với thỏa thuận, mặc dù đã đồng ý về nguyên tắc vào thứ ba, Chính phủ cũng dự kiến sẽ rút dự luật.
“Nếu Nghị viện từ chối cho phép Brexit xảy ra và thay vào đó quyết định trì hoãn mọi thứ cho đến tháng 1 hoặc có thể lâu hơn, trong mọi trường hợp chính phủ không thể tiếp tục điều này. Và với sự hối tiếc lớn, tôi phải nói rằng dự luật sẽ phải được rút lại và chúng tôi sẽ phải tiến tới một cuộc tổng tuyển cử”, ông nói.
Thế nhưng một bài báo trên tờ FT lại cho rằng ông Johnson có thể nới khung thời gian lên 10 ngày để cho phép các nghị sĩ có thời gian dài hơn để xem xét lại dự luật.
Nếu dự luật rút khỏi EU của Thủ tướng Johnson được Hạ viện Anh thông qua, nó vẫn cần phải được phê chuẩn bởi Thượng viện. Vượt qua rào cản cuối cùng đó, thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đạt được với Brussels tuần trước mới trở thành luật pháp của Anh.