Brexit liệu có cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Trong tháng Sáu, dù tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn trên thế giới có những dấu hiệu khởi sắc, nguy cơ Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), được gọi là Brexit, là một trong những yếu tố khiến các các ngân hàng trung ương (NHTW) thận trọng và là điều có thể đe dọa đến triển vọng của các nền kinh tế. Và kết quả gây sốc với quyết định ra khỏi EU của Anh đã làm chao đảo các thị trường toàn cầu, khiến các nhà lãnh đạo nhiều nước phải lên tiếng bày tỏ quan ngại.
Tăng trưởng khởi sắc
Ngày 28/6, Bộ Thương mại Mỹ cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2016 của nước này đã được điều chỉnh từ ước tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước đưa ra trước đó lên 1,1%. Giới phân tích dự đoán nền kinh tế hàng đầu thế giới đi lên trong quý II/2016 bất chấp những quan ngại về Brexit. Nhiều nhà phân tích ước tính nền kinh tế số một thế giới có thể tăng trưởng hơn 2% trong quý II/2016.
Theo số liệu do tổ chức nghiên cứu Conference Board công bố cùng ngày, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng Sáu tăng lên 98 điểm từ 92,4 điểm của tháng Năm, thể hiện tâm lý lạc quan của người tiêu dùng vào môi trường kinh doanh và thị trường lao động. Đây có thể là dấu hiệu tích cực tạo thêm lực đẩy cho hoạt động chi tiêu tiêu dùng.
Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 15/6 đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25 - 0,5% (áp dụng từ tháng 12/2015), khi thị trường lao động không có nhiều dấu hiệu khởi sắc và những quan ngại ngày một gia tăng về kịch bản Brexit. FED nhận định, tăng trưởng việc làm ở Mỹ đã chậm lại và cần một bức tranh rõ ràng hơn về nền kinh tế Mỹ trước khi đưa ra quyết định tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, Chủ tịch FED, bà Janet Yellen cũng cảnh báo rằng kịch bản Brexit có thể gây ra nhiều tác động đến các thị trường tài chính toàn cầu và nếu điều đó thật sự xảy ra thì triển vọng kinh tế Mỹ cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Trong tháng Năm, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra 38.000 việc làm, chỉ bằng 1/4 dự báo và thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng Năm lại giảm xuống còn 4,7% từ mức 5% của tháng Tư. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất của Mỹ tính từ tháng 11/2007.
Về tình hình kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu, kinh tế khu vực trong quý I/2016 tăng trưởng 0,6%, mức cao nhất trong một năm qua, nhờ nhu cầu nội khối, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư gia tăng. Kinh tế Eurozone đã tăng trưởng 0,3% trong cả hai quý trước đó.
Theo các nhà phân tích, dù mức tăng trưởng quý I/2016 của Eurozone tương đối khá song nền kinh tế này khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao cho đến hết năm. Đó là do những bất ổn của nền kinh tế thế giới như sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và việc chưa rõ Anh ra đi hay ở lại EU.
Kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường và dữ liệu Markit, có trụ sở tại London (Anh), cho thấy bất ổn kinh tế - chính trị đã tác động xấu đến hoạt động kinh doanh trong tháng Sáu của khu vực tư nhân ở Eurozone. Markit cho biết, chỉ số Nhà quản lý mua hàng tổng hợp tháng Sáu đã giảm từ mức 53,1 điểm trong tháng 5/2016, xuống 52,8 điểm, mức thấp nhất của 17 tháng.
Markit không nêu rõ cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh là nguyên nhân cụ thể khiến hoạt động kinh doanh sụt giảm, nhưng sự kiện đó cũng ảnh hưởng đến tâm lý chung - vốn đã bị tác động bởi triển vọng không thật sáng sủa từ nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Đối với Nhật Bản, kinh tế nước này tránh được suy thoái trong quý I/2016, khi tăng trưởng 0,5% so với quý IV/2015. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi vẫn là điều gây lo ngại. Thủ tướng nước này, ông Shinzo Abe, đã quyết định hoãn tăng thuế lần hai cho đến cuối năm 2019 để tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh chính sách phục hồi tăng trưởng có tên gọi Abenomics. Lần tăng thuế vào tháng 4/2014 được cho là nguyên nhân khiến kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái. Nhiều người lo ngại một lần tăng thuế nữa sẽ tác động bất lợi đến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khi ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng.
Ngày 13/6, Fitch đã hạ triển vọng nợ của Nhật Bản từ ổn định xuống tiêu cực, do nước này quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng, điều được xem là có ý nghĩa quyết định trong việc giảm mức nợ nằm trong số lớn nhất thế giới. Fitch cho rằng việc hoãn tăng thuế làm yếu cam kết của Nhật Bản trong việc thanh toán khối nợ lớn đã ở mức trên 200% GDP.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng quyết định hoãn tăng thuế cho thấy sự thất bại của Abenomics. Lên nắm quyền vào tháng 12/2012, ông Abe cam kết đẩy lùi giảm phát và làm hồi sinh nền kinh tế bằng Abenomics, nhưng đã không đạt được nhiều tiến triển khi nhu cầu trong nước và nước ngoài thấp.
Kết thúc cuộc họp trong hai ngày 15 - 16/6, NHTW Nhật Bản (BoJ) quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ hiện hành, trong bối cảnh vẫn chưa rõ liệu nước Anh sẽ ra đi hay ở lại EU và muốn chờ chính sách đang thực hiện phát huy tác dụng. BoJ vẫn lạc quan nhận định, kinh tế Nhật Bản “tiếp tục xu hướng phục hồi vừa phải”, mặc dù kim ngạch xuất khẩu và sản xuất vẫn trì trệ do các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm. BoJ thừa nhận, dù lạm phát có triển vọng tăng trong dài hạn nhưng mức gần đây yếu, giá tiêu dùng có thể giảm nhẹ hoặc không thay đổi trong thời gian tới.
Giá tiêu dùng cốt lõi giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng Tư, gây khó khăn hơn cho BoJ trong việc đạt mục tiêu lạm phát 2%. Một số nhà phân tích cho rằng BoJ có thể hành động tại cuộc họp lần tới vào tháng Bảy, khi cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh đã qua và đã có câu trả lời cho việc “xứ sở sương mù” ra đi hay ở lại EU.
Triển vọng bị đe dọa
Trên các thị trường toàn cầu, kết quả cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong EU được công bố sáng ngày 24/6 với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Anh ra khỏi “ngôi nhà chung” đã gây ra những cú sốc liên hoàn.
Trên thị trường năng lượng châu Á sáng 24/6, giá dầu giảm hơn 6%. Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8/2016 giảm 3,14 USD (6,17%) xuống còn 47,77 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao cùng kỳ hạn giảm 3,11 USD (6,21%) xuống còn 47 USD/thùng. Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giao ngay cũng tăng 8,1% lên mức 1.358,54 USD/Ounce, mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 3/2014.
Trong khi đó, ngày 24/6, đồng Yên đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi qua so với USD, còn thị trường chứng khoán Tôkyô chốt phiên giảm gần 8%, mức giảm mạnh nhất trong 16 năm qua.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết nước này sẽ hợp tác với các nền kinh tế hàng đầu thế giới trong việc đảm bảo sự ổn định của các thị trường tài chính hậu Brexit.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso khẳng định, chính phủ nước này “rất quan ngại” về những rủi ro đối với kinh tế thế giới thời hậu Brexit, đồng thời nói rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ theo dõi và thực hiện các biện pháp cần thiết để đề phòng những bất ổn. Trong một thông cáo ra cùng ngày, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết, BoJ “sẵn sàng cung ứng đủ thanh khoản” và sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tác động của Brexit đối với các thị trường tài chính toàn cầu, cùng với việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài nước.
Một số NHTW của các nước châu Á được cho là đã có sự can thiệp đối với thị trường tiền tệ trong nước ngay trong ngày 24/6, trong bối cảnh các thị trường tài chính trên thế giới biến động mạnh sau sự kiện Brexit. Cụ thể, NHTW Hàn Quốc và Ấn Độ được cho là đã bán đồng USD để chặn đà giảm giá của đồng nội tệ, trong khi NHTW Trung Quốc cũng có thể có hành động tương tự khi đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết, mối quan hệ giữa nước này với Vương quốc Anh sẽ vẫn “rất mạnh và gần gũi” và Brexit sẽ không ảnh hưởng tới cuộc đàm phán giữa nước này với EU về Hiệp định thương mại tự do. Dù vậy, thị trường tài chính của Australia cũng mất điểm trong ngày 24/6 với chỉ số chứng khoán S&P/ASX giảm xấp xỉ 4%.
Ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit được công bố, đồng bảng Anh đã giảm xuống còn 1,3466 USD/bảng Anh, mức thấp nhất kể từ năm 1985. Quyết định rút khỏi EU của người dân Anh đã tác động ngay đến nền kinh tế nước này. Giá cổ phiếu của hai ngân hàng Royal Bank of Scotland và Barclays của Anh ngay lập tức đi xuống. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy thời gian khó khăn của các ngân hàng “xứ sở sương mù” đã chính thức bắt đầu.
Anh quyết định rời EU cũng đồng nghĩa với việc nước này có khả năng sẽ không còn là “cửa ngõ” để các ngân hàng Mỹ và châu Á tiếp cận thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, những thay đổi về quy chế sau khi nước Anh rút khỏi EU cũng là rào cản hạn chế các ngân hàng Anh tiếp cận với các dịch vụ tài chính tại thị trường của 27 nước thành viên còn lại. Thị trường việc làm Anh được dự đoán cũng sẽ chứng kiến nhiều biến chuyển khi khu vực tài chính nước này đang thu hút hơn 1 triệu lao động.
Ngày 27/6, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nhận định, Brexit sẽ khiến các thị trường tài chính trở nên bất ổn hơn, song ông cũng khẳng định nền kinh tế lớn thứ năm thế giới này vẫn có thể đứng vững trước những thách thức phía trước.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6, ông Osborne cho biết chính phủ nước này đã triển khai các kế hoạch đối phó với những tình huống bất ngờ nhằm giải quyết hậu quả theo sau “cú sốc” Brexit. Ông nhấn mạnh, kinh tế Anh sẽ điều chỉnh và chính phủ sẽ hành động để giảm thiểu những tác động đối với hệ thống tài chính công.
Lãnh đạo NHTW Anh (BoE) cho biết sẽ thực hiện tất cả biện pháp cần thiết cũng như hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và các NHTW nước ngoài để đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính - tiền tệ. Trước đó, Thống đốc BoE Mark Carney đã cảnh báo nền kinh tế Anh có thể sẽ trải qua đợt suy thoái kỹ thuật.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Davos mùa Hè 2016 (WEF) tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) cuối tháng Sáu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết việc người dân Anh lựa chọn rời khỏi EU làm tăng thêm bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi các nước trên toàn cầu cùng nỗ lực để đối phó với những thách thức, thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế thế giới và nâng cao lòng tin của giới đầu tư.
Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 29/6 nhân chuyến thăm Canada để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định nền kinh tế thế giới vẫn sẽ ổn định trong ngắn hạn hậu Brexit, nhưng bày tỏ quan ngại về tăng trưởng kinh tế của toàn cầu trong dài hạn.
Theo Tổng thống Mỹ, đã có những phản ứng trên các TTCK và tiền tệ, với hơn 2.000 tỷ USD trên các TTCK toàn cầu bị “bốc hơi” trong ngày 24/6 khi tâm lý lo ngại lan rộng. Ông Obama cho biết, sự chuẩn bị của các NHTW, các bộ trưởng tài chính và Bộ Tài chính Mỹ đã góp phần đảm bảo rằng kinh tế toàn cầu vẫn đứng vững trong ngắn hạn. Về dài hạn, Tổng thống Mỹ cho rằng có những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi “cú sốc” mang tên Brexit có thể đóng băng đầu tư đổ vào Anh hay châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng toàn cầu còn yếu kém.
Các nhà kinh tế học hàng đầu của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) ngày 26/6 dự báo Brexit nhiều khả năng sẽ không chỉ khiến kinh tế Anh rơi vào suy thoái trong năm 2016 mà còn cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.