Hậu Brexit, kinh tế Anh có thể suy thoái vào cuối năm nay
Trong kịch bản hậu Brexit, quy mô kinh tế Anh có thể thu hẹp đến 6% trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2030...
Cuối năm nay, kinh tế Anh sẽ rơi vào một cuộc suy thoái trong ngắn hạn bởi việc Anh rời Liên minh châu Âu - EU (Brexit) tác động tiêu cực đến giá nhà, việc làm và tiêu dùng người dân, đó là những nhận định mới nhất được đưa ra trong báo cáo nghiên cứu của công ty kiểm toán Ernst & Young được Bloomberg trích đăng.
Cụ thể, trong báo cáo nghiên cứu được công bố ngày 18/7, Ernst & Young hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh năm 2017 xuống chỉ 0,4% từ mức 2,6% được đưa ra trong lần dự báo gần nhất. Ernst & Young đồng thời cho rằng để cứu tăng trưởng, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ phải hạ lãi suất xuống mức 0% trước thời điểm cuối năm nay.
Ngoài ra, nhiều khả năng chính phủ Anh sẽ phải tính đến khả năng giảm thuế tiêu dùng để giúp giảm bớt cú sốc Brexit lên thị trường bán lẻ Anh.
“Brexit chắc chắn tác động tiêu cực lên tiêu dùng người dân. Tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động của Anh sẽ đi xuống trong những tháng tới”, báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh.
Ernst & Young cho rằng đầu tư doanh nghiệp tại Anh sẽ giảm 2% trong năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng dần đều lên mức 7,1% vào năm 2019. Tiêu dùng người dân năm 2017 ước giảm 0,6%, giá nhà tại Anh được Ernst & Young cho là có thể giảm đến 4% trong năm 2017 bởi lý do hiện không có chính sách hay yếu tố nào hỗ trợ cho giá nhà đất tại Anh.
Khi đồng Bảng Anh giảm giá sâu, xuất khẩu có thể được coi như một điểm sáng. Xuất khẩu của Anh ra thế giới được dự báo có thể tăng đến 3,4% trong năm 2017.
Theo chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại ngân hàng CBI, ông Andy Haldane, những người ủng hộ Brexit có lý do riêng của họ khi đưa ra quyết định này. Bởi theo nghiên cứu của CBI, đối với rất nhiều người Anh, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới năm 2008 chưa bao giờ kết thúc.
Kinh tế Anh vẫn tăng trưởng nhưng thành quả tăng trưởng của nó không đến được với tất cả mọi người. Tổng tài sản quốc gia của Anh, tính theo tổng giá trị các tài sản như bất động sản hay tiền hưu trí, tăng đến 3 nghìn tỷ Bảng Anh từ năm 2009. Tuy nhiên, phần lớn sự tăng trưởng vượt bậc đó tập trung vào nhóm người giàu vốn sở hữu rất nhiều bất động sản và các tài sản giá trị khác.
Trên khắp nước Anh, trong 7 năm qua, chỉ duy nhất London và một khu vực ở phía Đông Nam có GDP bình quân đầu người tăng trưởng mạnh. Một tính toán trước đây của chính phủ Anh cho thấy trong kịch bản Brexit, quy mô kinh tế Anh có thể thu hẹp đến 6% trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2030.
Thế nhưng với người ủng hộ Brexit, họ không quan tâm đến điều đó bởi họ tin rằng nếu kinh tế Anh có thực sự tăng trưởng tốt đi nữa, thành quả tăng trưởng cũng chỉ vào tay của người giàu.
Nhiều chuyên gia dự báo Ngân hàng Trung ương Anh sẽ buộc phải đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong tháng 8/2016 để giúp kích thích tăng trưởng.