"Bức tranh" chuyển dịch xanh trên toàn cầu
Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 mới đây, 137 quốc gia đã cam kết trung hóa carbon, và hầu hết các cam kết đều tập trung vào khoảng năm 2050.
Bhutan và Suriname là hai quốc gia duy nhất đã đạt được mức độ trung hòa carbon. Trong khi đó, mục tiêu năm 2030 của Uruguay là mốc thời gian sớm nhất được đề ra, tiếp theo là Phần Lan, Áo, Iceland, Đức và Thụy Điển khi các nước này đều đang nhắm đến mục tiêu năm 2045 hoặc sớm hơn.
Hơn 90% trong số 137 quốc gia này đặt mục tiêu đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050.
Hiện chỉ có 5 quốc gia có cam kết trung hòa carbon ròng được đặt ra sau năm 2050, bao gồm Úc, Singapore, Ukraine, Kazakhstan, nước phát thải lớn nhất thế giới - Trung Quốc. Cam kết gần đây của quốc gia này là rất quan trọng, vì Trung Quốc chiếm khoảng 25% lượng khí thải toàn cầu.
Tuy nhiên, đặt mục tiêu có lẽ là bước đơn giản nhất để hướng tới tính trung hòa carbon. Nhưng thách thức thực sự là củng cố mục tiêu đó và bắt đầu đạt được những tiến bộ nhất định.
Mục tiêu năm 2030 của Uruguay có thể là mục tiêu sớm nhất, nhưng quốc gia này vẫn còn một chặng đường dài nữa trước khi hiện thực hóa được nó. Trong khi đó, chỉ có sáu quốc gia đã thông qua các mục tiêu trung hòa carbon của họ thành luật, bao gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp, Hungary, New Zealand và Anh.
Ngoài ra, các khu vực khác cũng đang đề xuất luật trong các hoạt động chuyển đổi xanh, bao gồm Canada và Hàn Quốc, và EU.
Đáng chú ý, 24 quốc gia đã đặt các mục tiêu khí hậu thành chính sách chính thức, trong đó bao gồm Brazil, Trung Quốc, Đức, Mỹ và một số quốc gia phát thải lớn khác.
Hiện, 99 trong số 137 nước cam kết chỉ đang thảo luận và đề xuất kế hoạch cụ thể, chiếm hơn 72%. Nhưng khi thời gian bắt đầu trôi qua, áp lực buộc các quốc gia phải thực hiện các cam kết trung hòa carbon sẽ dần tăng lên.
Quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo
Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch hiện đứng đầu trong Chỉ số chuyển đổi năng lượng mới nhất (ETI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
ETI xếp hạng 115 quốc gia về hiệu suất năng lượng của họ, bao gồm khả năng phục hồi và hiệu quả của việc sản xuất và truyền tải, cũng như tiến tới các dạng năng lượng sạch hơn.
Thụy Điển dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu, tiếp theo là Na Uy và Đan Mạch. 10 quốc gia hàng đầu chiếm khoảng 2% dân số toàn cầu và khoảng 3% lượng khí phát thải.
Trong khi top 10 chỉ bao gồm các quốc gia phát triển, Anh và Pháp là những nền kinh tế lớn duy nhất góp mặt.
Hiện nay, nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng chủ đạo trên toàn cầu, chiếm hơn 80% tổng lượng điện năng. Giảm sự phụ thuộc vào than, dầu và khí đốt là một phần cần thiết để đạt được các mục tiêu khí hậu quan trọng như Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris.
Trong 10 năm qua của ETI, hơn 70% quốc gia được theo dõi đã đạt được tiến bộ về tiếp cận năng lượng mới, nhưng chỉ 13 trong số 115 quốc gia đạt được mức tăng trưởng ổn định.
Trong một bài phân tích mới nhất vào tháng 11 của WorldBank, tổ chức này cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng ở Nam Á sẽ rất quan trọng để toàn cầu đạt được mục tiêu trung hòa carbon.
Chuyển đổi năng lượng cũng sẽ rất quan trọng để giảm nghèo và tạo việc làm. Trên toàn cầu, việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đạt 12 triệu vào năm 2020, đồng thời, sự chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp, có khả tạo ra hơn 50 triệu việc làm mới vào năm 2030 chỉ riêng ở Bangladesh và Ấn Độ.
Ở Nam Á, sản xuất năng lượng vẫn chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Khí nhà kính được tạo ra từ quá trình sản xuất năng lượng chiếm 63% lượng khí thải trong khu vực. Việc chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp ở Nam Á là một ưu tiên và rất quan trọng để hạn chế phát thải trong khu vực.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này sẽ cần diễn ra khi nhu cầu năng lượng ở Nam Á tăng cao - nhu cầu đã tăng 50% kể từ năm 2000. Nhu cầu điện của khu vực này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ này.
Nam Á đã đạt được những tiến bộ gần đây trong việc cung cấp điện cho những nhóm dân cư khó tiếp cận nhất của mình, trong đó Bangladesh, Ấn Độ và Nepal đã thúc đẩy quá trình điện khí hóa. Tuy nhiên, việc mở rộng độ tin cậy và sự sẵn có của nguồn điện sạch, giá cả phải chăng vẫn là yếu tố quan trọng để củng cố lợi ích phát triển từ việc cải thiện khả năng tiếp cận.
Theo WorldBank, tin tốt đối với khu vực này chính là việc chi phí năng lượng tái tạo đã giảm trong thập kỷ qua do giá điện từ năng lượng mặt trời và gió trên đất liền lần lượt giảm 89% và 70%. Những công nghệ mới cung cấp các lựa chọn thay thế rẻ hơn cho nhiên liệu hóa thạch. Các quốc gia như Ấn Độ đã tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong quy hoạch năng lượng của họ, với năng lượng gió và năng lượng mặt trời hiện chiếm 7% tổng sản lượng điện, gấp đôi tỷ trọng của họ vào năm 2014. Tuy nhiên, một tương lai "không phát thải ròng" sẽ đòi hỏi một loạt các công nghệ cung cấp năng lượng sạch an toàn và hợp lý.
Theo đề xuất của WorldBank, thứ nhất, các quốc gia có thể tập trung vào quá trình chuyển đổi năng lượng cốt lõi, nghĩa là xây dựng các giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Điều này bao gồm hỗ trợ mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió trên đất liền và thủy điện.
Nó cũng liên quan đến việc đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ mới hơn như gió ngoài khơi và hệ thống lưu trữ pin cho phép lưu trữ năng lượng từ năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và gió.
Hơn nữa, phù hợp với mục tiêu đã nêu của COP26 về thích ứng với khí hậu, các quốc gia có thể nâng cấp mạng lưới lưới điện của mình để hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo. Các quốc gia cũng có thể tăng cường phát triển thị trường năng lượng sôi động trong khu vực, bao gồm hỗ trợ phát triển các hành lang xanh để làm cho năng lượng dễ tiếp cận hơn với tất cả mọi người.
Thứ hai, các quốc gia có thể ưu tiên khử cacbon trong lĩnh vực công nghiệp và giao thông bằng cách thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, nguyên liệu thô và giảm sự phụ thuộc vào than trong các ngành công nghiệp như sắt và thép. Trong giao thông vận tải, các quốc gia có thể mở rộng quy mô các giải pháp di chuyển bằng điện và triển khai các nhiên liệu thay thế như hydro xanh.
Thứ ba, chuyển đổi năng lượng là một quá trình chuyển đổi công bằng, nơi không ai bị bỏ lại phía sau. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở Nam Á sẽ đòi hỏi các nhà máy nhiệt điện than phải ngừng hoạt động, điều này sẽ tác động đến các ngành công nghiệp và việc làm.
Phù hợp với mục tiêu thứ hai của COP26 là thích ứng để bảo vệ cộng đồng, các chính phủ cần cung cấp mạng lưới an toàn cho những sinh kế bị mất và ưu tiên hỗ trợ cho các ngành công nghiệp thay thế để tạo ra việc làm mới.
Cuối cùng, đẩy nhanh đầu tư của khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Các mục tiêu năng lượng carbon thấp của Nam Á sẽ cần sự gia tăng đáng kể đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
Hiện Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng cam kết huy động các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ các mục tiêu năng lượng bền vững của các quốc gia.
Tại Pakistan, WorldBank đã huy động thành công hơn 1,2 tỷ USD tài trợ thương mại cho thủy điện. Kinh nghiệm của tổ chức cho thấy rằng chuyển đổi năng lượng đòi hỏi đầu tư liên tục vào các cải tiến năng lượng mới để đạt được những đột phá.
Hành động từ các quốc gia phát thải lớn nhất
Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, nhưng nước này vẫn phải đối mặt với thách thức đáng kể. Than chiếm hơn 60% sản lượng điện và Trung Quốc tiếp tục xây dựng các nhà máy điện than mới trong nước. Dù vậy, Bắc Kinh đã bổ sung đáng kể công suất điện mặt trời. Đây là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới, nhưng cũng là nơi đóng góp 70% công suất sản xuất pin xe điện trên toàn cầu.
Trung Quốc đã phải hành động nhanh chóng trong những năm gần đây để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế sạch hơn.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng tái tạo trong thập kỷ qua, chi gần 760 tỷ USD từ năm 2010 đến năm 2019, gấp đôi mức 356 tỷ USD của Mỹ. Toàn bộ châu Âu đứng ở vị trí thứ hai, với 698 tỷ USD.
Theo đó, Trung Quốc không chỉ dẫn đầu thế giới về tổng năng lượng gió và năng lượng mặt trời được lắp đặt - với tổng công suất năng lượng gió là 288 gigawatt và 253 gigawatt công suất năng lượng mặt trời vào cuối năm 2020, nước này còn tự định vị mình là nhà cung cấp chính của nền kinh tế sạch.
Theo tổ chức truyền thông Foreign Policy, 30% nhà sản xuất tuabin gió trên thế giới là ở Trung Quốc và hơn 70% quang điện mặt trời trên thế giới được sản xuất bởi nước này. Hơn nữa, Trung Quốc kiểm soát gần như toàn bộ chuỗi cung ứng trước khi tiến tới bước lắp ráp cuối cùng cho xe điện.
Động thái kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng năng lượng sạch chỉ là một phần trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với quá trình chuyển đổi này. Các yếu tố khác, bao gồm cách tiếp cận kinh doanh để thử nghiệm các sáng kiến kinh tế, cấu trúc chính phủ tạo điều kiện cho hành động nhanh chóng cũng như tuyên truyền cho người dân, đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh tại nước này.
Trong khi đó, chỉ trong 10 năm, thị phần năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của Mỹ đã tăng gấp đôi từ 10% vào năm 2010 lên 20% vào năm 2020, theo báo cáo của Deloitte.
Phần lớn sự tăng trưởng đó là nhờ năng lượng mặt trời và năng lượng gió, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lần lượt là 84% và 15% trong thập kỷ qua.
Bất chấp mức tăng ấn tượng này, Mỹ sẽ phải tăng tốc đáng kể để đạt được các mục tiêu năng lượng sạch. Vào cuối năm 2020, Mỹ có hơn 100 gigawatt (GW) năng lượng mặt trời và 122,5 GW công suất điện gió, nhưng nước này sẽ cần bổ sung thêm 70–100 GW cho năng lượng mặt trời và gió mỗi năm để trung hòa carbon từ năm 2035 đến năm 2050.
Hiện tại, Mỹ đang đề ra các chính sách năng lượng sạch lâu dài nhằm tạo ra một thị trường bền vững cho năng lượng tái tạo, khuyến khích và hỗ trợ việc tích hợp năng lượng tái tạo, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này. Đồng thời, Mỹ cũng đưa ra nhiều biện pháp kịp thời như nỗ lực cải thiện lưới điện bằng cách tăng cường hạ tầng cơ sở truyền dẫn để tích hợp được một lượng lớn năng lượng tái tạo, kết hợp với kế hoạch hóa phát triển lưới điện tiên tiến hơn để duy trì tính tin cậy và bền vững của loại năng lượng này.
Trong đó, năng lượng mặt trời được chú trọng bởi đó là thành phần chủ yếu trong hệ thống năng lượng tái tạo của Mỹ. Trong những năm qua, chi phí cho hệ thống sản xuất điện mặt trời đã giảm đáng kể, góp phần mang lại cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ cơ hội tiếp cận với năng lượng sạch và giá thành phải chăng.
Thông qua hạng mục đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), Bộ Năng lượng Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển và mở rộng thị trường năng lượng mặt trời trên cơ sở hài hòa, bền vững, phát triển sản xuất điện đi đôi với cơ sở hạ tầng kèm theo, như mạng lưới truyền tải hay tích trữ điện.
Bộ Năng lượng Mỹ sẽ tiếp tục định hướng chiến lược đầu tư nhằm chuyển đổi sang sản xuất năng lượng an toàn và sạch hơn. Đến nay, việc sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo không ngừng gia tăng, các thống đốc bang tại Mỹ đang thúc đẩy phát triển công nghệ năng lượng sạch.