Những lưu ý khi Fed điều chỉnh chính sách lãi suất
Trong bối cảnh Fed chuẩn bị điều chỉnh chính sách, HSBC đánh giá áp lực mà các ngân hàng trung ương châu Á phải đối mặt để theo kịp và thúc đẩy điều chỉnh lãi suất điều hành nhanh hơn.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - Jerome Powell, vừa phát đi tín hiệu sẵn sàng hành động. Trong bối cảnh thị trường lao động tiếp tục phục hồi và giá cả đã leo thang với tốc độ nhanh chóng, Fed dường như đã sẵn sàng điều chỉnh tốc độ mua tài sản và nâng lãi suất điều hành trong ít tháng nữa.
Khi Fed “cất cánh”, chắc chắn sẽ để lại những “nhiễu động” nhất định. Trước đây, mỗi lần Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, tình hình tài chính của các thị trường mới nổi đều bị ảnh hưởng khiến các nước phải đưa ra những đợt điều chỉnh tăng lãi suất cần thiết để duy trì bình ổn.
Thậm chí ở những thị trường có tình hình tài chính bị tác động nhẹ (chủ yếu ở các nước đã phát triển), động thái của Fed thường biểu thị tín hiệu khởi động một chu kỳ mới trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển theo hướng phụ thuộc lẫn nhau trong những năm qua.
Và lần này cũng vậy, động thái của Fed chắc chắn sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng lên các quốc gia khác. Tuy nhiên, tác động đối với khu vực châu Á lại khá nhẹ nhàng vì những lý do: áp lực lạm phát không còn nặng nề tại hầu hết các nước trong khu vực so với Mỹ và không có khả năng trở nên nặng nề trong tương lai gần.
Thêm nữa, trong chu kỳ lần này, quá trình phục hồi kinh tế ở Mỹ ngày càng bớt liên quan đến hoạt động nhập khẩu vì mở cửa lại nền kinh tế thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ hơn là hàng hóa, điều đó khiến động lực tăng trưởng truyền thống truyền từ Tây sang Đông bị yếu đi.
Ngoài ra, cán cân thanh toán quốc tế vững mạnh giúp các ngân hàng trung ương châu Á thoải mái bỏ xa Fed.
Mặc dù vậy, HSBC dự báo một vài nơi vẫn cần sự điều chỉnh. Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Malaysia và Phillipnes, kỳ vọng sẽ có điều chỉnh tăng lãi suất ở mức 25-50 điểm cơ sở xuyên suốt năm 2023 so với trước đây; Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam, cũng được HSBC điều chỉnh dự báo thời điểm điều chỉnh sớm lên một hai tuần, mặc dù không thay đổi mức độ thắt chặt cho tới cuối 2023; Indonesia, dù đã lược bớt một đợt điều chỉnh tăng lãi suất do lạm phát giảm đáng kể, mặc dù vậy, vẫn thêm 100 điểm cơ sở trong các kỳ điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Trong khi đó, ở Trung Quốc đại lục và Nhật Bản, lãi suất điều hành trong năm 2023 nhiều khả năng không có thay đổi hay bị tác động bởi Fed, nhiều khả năng sẽ áp dụng các biện pháp nới lỏng mục tiêu, nhất là tại Trung Quốc.
Tại nhiều quốc gia châu Á, giá tiêu dùng chưa tăng nhanh như ở các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, HSBC lưu ý, cần lưu tâm đến mức độ gia tăng của chỉ số lạm phát toàn phần.
Theo HSBC, kiểm soát lạm phát tạm thời cũng phần nào giảm bớt áp lực phải chạy theo Fed cho các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, bất kỳ chuyên gia nào theo sát hoạt động ngân hàng trung ương ở châu Á trong thời gian dài đều hiểu rằng một khi ngân hàng trung ương Mỹ có động thái nhất định, các ngân hàng trung ương trong khu vực thường theo rất sát.
“Vì vậy, chúng ta cần nhìn lại các động thái ứng phó trước đây. Ngay cả khi tại chu kỳ hiện tại, áp lực đi theo động thái của Fed không quá lớn, việc nhìn lại quá khứ ít nhất cũng giúp chúng ta nhìn thấy xu hướng phản ứng của từng ngân hàng trung ương để tham khảo”, HSBC lưu ý.
Nhìn lại quá khứ, HSBC cho biết, lạm phát được kiểm soát tương đối tốt và thái độ khoan thai, bình tĩnh trước động thái tăng lãi suất của Fed trong quá khứ đã nói lên sự thật các ngân hàng trung ương châu Á sẽ không vội chạy theo chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ nữa.
Thêm nữa, các nước có vị thế tương đối mạnh trong thanh toán quốc tế cũng có thể linh hoạt hơn trong việc chậm đưa ra động thái ứng phó với chính sách thắt chặt của Mỹ. Có thể xem xét điều này theo hai cách, cụ thể:
Thứ nhất, tài khoản vãng lai vốn được coi là “lá chắn phòng thủ” đầu tiên trong trường hợp xảy ra biến động trên thị trường tài chính thế giới. Chỉ số này được duy trì tốt trong khu vực và được đánh giá là tốt hơn so với các chu kỳ thắt chặt trước đây của Fed. Hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều được dự báo sẽ có thặng dư (đáng kể) trong vòng hai năm tới.
Thứ hai, để xem xét “tấm đệm an toàn” là đặt dưới góc độ “lãi suất điều hành thực tế”. Điều quan trọng nhất ở đây là chênh lệch lãi suất điều hành thực tế trong nước với Mỹ: mức chênh lệch dương đáng kể sẽ giúp giữ chân hoặc thu hút thêm nhiều dòng vốn, vì thế ngân hàng trung ương không cần thắt chặt để tự bảo vệ. HSBC cho biết, phần lớn các nước đều có mức chênh lệch dương dù không đồng đều.
Kỳ vọng thắt chặt chính sách rõ ràng đã tăng thêm trong những tháng gần đây dù là ở Mỹ hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, HSBC cho rằng, điều quan trọng cần lưu ý là phạm vi điều chỉnh tăng lãi suất phụ thuộc vào lãi suất “trung lập” đối với một nền kinh tế nhất định.
Chỉ số này biến động theo thời gian nhưng cũng thay đổi theo mô hình nhất định trong những thập kỷ gần đây, giảm “trần” điều chỉnh tăng lãi suất trước khi thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ hạn chế tăng trưởng.
“Tại phần lớn các nền kinh tế, lãi suất điều hành còn cần qua nhiều lần điều chỉnh tăng mới tới ngưỡng trung lập. Trên thực tế, so với mức bình quân trước đại dịch, lãi suất trung lập đã giảm thêm. Điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương sẽ cần thận trọng vì từng đợt tăng lãi suất có thể khiến tăng trưởng chậm lại so với trước… chắc chắn đó là một điều cần lưu tâm khi Chủ tịch Powell bắt đầu tiến trình tăng lãi suất”, HSBC chia sẻ.