Bức tranh đăng ký kinh doanh 2 tháng đầu năm: Tín hiệu tích cực
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tiếp nối đà tăng trưởng tích cực của năm 2023 và triển vọng thu hút đầu tư năm 2024, hoạt động đăng ký kinh doanh những tháng đầu năm diễn ra sôi động, mặc dù bức tranh kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, cả nước có hơn 22,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 218,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 154,3 nghìn lao động (tăng 12,4% về số doanh nghiệp, tăng 32,8% về vốn đăng ký và tăng 29% về số lao động so với cùng kỳ năm 2023).
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023; tổng số vốn đăng ký đã quay trở lại mức trên 200 nghìn tỷ đồng của giai đoạn 2019-2022, đạt 218,7 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả 300,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6.331 doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2024 là 519,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Phân theo ngành kinh tế, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có 12/17 ngành kinh tế có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (tăng 19,2%); Khai khoáng (tăng 28,8%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 17,4%); Xây dựng (tăng 6,8%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 20,2%); Vận tải kho bãi (tăng 26,5%); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 2,9%); Hoạt động kinh doanh bất động sản (tăng 0,4%); Giáo dục và đào tạo (tăng 16,3%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 19,4%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 21,5%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 2,5%).
Ở chiều ngược lại, các ngành ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2023 là: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 0,7%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 8,7%); Thông tin và truyền thông (giảm 0,9%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (giảm 0,4%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (giảm 5,9%).
Theo vùng kinh tế – xã hội, 5/6 vùng có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023 gồm: Đông Nam Bộ (9.513 doanh nghiệp, tăng 16,8%); Đồng bằng sông Hồng (6.678 doanh nghiệp, tăng 9,9%); Đồng bằng sông Cửu Long (1.677 doanh nghiệp, tăng 8,4%); Trung du và miền núi phía Bắc (1.199 doanh nghiệp, tăng 23,5%); Tây Nguyên (629 doanh nghiệp, tăng 24,6%); Riêng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2023 (2.432 doanh nghiệp, giảm 0,2%).
Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 4,4%
Bên cạnh đó, trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước cũng có gần 19 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2024 lên gần 41,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có hơn 20,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo ngành kinh tế, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 11/17 ngành, cụ thể: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (271 doanh nghiệp; tăng 11,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.210 doanh nghiệp, tăng 14,4%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (320 doanh nghiệp, tăng 5,3%); Xây dựng (2.291 doanh nghiệp; tăng 1,5%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (6.856 doanh nghiệp, tăng 1,1%); Vận tải kho bãi (880 doanh nghiệp, tăng 2,8%); Thông tin và truyền thông (449 doanh nghiệp, tăng 19,7%); Hoạt động kinh doanh bất động sản (843 doanh nghiệp, tăng 38,7%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.449 doanh nghiệp, tăng 12,0%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (85 doanh nghiệp, tăng 10,4%); Hoạt động dịch vụ khác (576 doanh nghiệp, tăng 9,1%).
Các lĩnh vực còn lại ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm, cụ thể: Khai khoáng (101 doanh nghiệp, giảm 21,1%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (931 doanh nghiệp, giảm 3,5%); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (163 doanh nghiệp, giảm 2,4%); Giáo dục và đào tạo (485 doanh nghiệp, giảm 8,1%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (161 doanh nghiệp, giảm 5,3%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (898 doanh nghiệp, giảm 6,9%).
Hình 1: Tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường 2 tháng đầu năm giai đoạn 2020 – 2024
Tổng cục Thống kê nhận định, những con số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 2 tháng đầu năm nay cho thấy tín hiệu tích cực để hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận cho doanh nghiệp
Trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê cho biết, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội Đất nước, thì cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trong đó cần tập trung tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư. Cần nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, cụ thể: nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tăng cường công tác thông tin, chia sẻ dữ liệu đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
Cùng với đó, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp, người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách, quy định. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Đồng thời, nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh như: hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính… Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung, hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Triển khai sâu rộng các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong nước. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường xuất khẩu, hỗ trợ hàng hóa trong nước tiếp cận mạng lưới hệ thống bán lẻ tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, cập nhật, tuyên truyền, phổ biến về các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nắm bắt, ứng phó kịp thời với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về ngành hàng; thị trường; quy định, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu của các nước và các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế khác.