Bức tranh kinh tế: Đã có nhiều điểm sáng

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi đáy và đang bắt đầu giai đoạn phục hồi với những tín hiệu khá lạc quan. Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia về những kỳ vọng chính đáng và thực tế của nền kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển và đạt được mức tăng trưởng GDP như mục tiêu của Quốc hội đề ra (5,8%), vẫn còn nhiều trở ngại cần phải vượt qua...

Bức tranh kinh tế: Đã có nhiều điểm sáng
Nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi đáy và đang bắt đầu giai đoạn phục hồi với những tín hiệu khá lạc quan. Nguồn: internet
Bất động sản nóng dần

Có lẽ đây là một trong những lĩnh vực được trông đợi nhất của nền kinh tế, bởi khi thị trường này hồi phục sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác được vực dậy.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, một trong những chuyển biến tích cực nhất của thị trường bất động sản phải kể đến con số tồn kho đã giảm. Tính trên phạm vi toàn quốc, đến tháng 12/2013, tổng giá trị tồn kho khoảng 94.458 tỷ đồng, giảm 26,5% so với quý I/2013, tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ vừa và nhỏ. Các căn hộ có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn được tiêu thụ mạnh, hầu như không còn tồn kho.

Có được sự chuyển dịch này là do sự điều tiết linh hoạt của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cùng sự nhạy bén của các nhà đầu tư đã điều tiết để hướng tới những sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng. Không khó để nhận ra rằng, trong năm qua, cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh sát với nhu cầu của thị trường, tăng nguồn nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp, hướng tới nhu cầu thực của số đông người dân trong xã hội. Theo giới chuyên gia, đây sẽ là yếu tố quan trọng hâm nóng lại thị trường bất động sản trong năm 2014 này.

Chứng khoán hồi phục

Bước sang năm 2014, thị trường chứng khoán có nhiều tín hiệu lạc quan hơn khi những tín hiệu kinh tế vĩ mô cả trong và ngoài nước đã có nhiều cải thiện. Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà  nước Vũ Bằng, Chính phủ và các cấp lãnh đạo đã đánh giá cao hơn vị trí và vai trò của thị trường này trong công cuộc cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế. Đây sẽ là một trong những đòn  bẩy để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.

Một điểm sáng thấy rõ nhất trên sàn chứng khoán chính là sự tham gia của nhiều doanh nghiệp mới. Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, thị trường cổ phiếu đón nhận 11 doanh nghiệp niêm yết mới với giá trị niêm yết đạt 963,3 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2013, tổng số doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là 377 công ty với tổng khối lượng niêm yết đạt 8,75 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị niêm yết 87.515 tỷ đồng theo mệnh giá (tăng 2,28% so với năm 2012).

Theo nhận định của một chuyên gia nước ngoài, điều thúc đẩy hoặc kìm hãm kết quả của một thị trường chứng khoán chính là sự kết hợp giữa kinh tế vĩ mô và tăng trưởng lợi nhuận của các công ty. "Trong khi đó, cả hai yếu tố nói trên của Việt Nam lại đang khá tốt về mặt số liệu và sẽ có triển vọng tiếp tục tốt hơn trong năm 2014” – vị chuyên gia nhận định.

Mặt bằng lãi suất ổn định

Đánh giá của giới chuyên gia trong ngành cho hay, năm 2013, mặt bằng lãi suất huy động  giảm 2-3% so với năm 2012. Hiện nay mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng phổ biến từ 1-1,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 5-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 6,5-7,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,5%/năm. Như vậy, diễn biến của lãi suất thời gian qua đã phù hợp dần với diễn biến kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát.

Mặt bằng lãi suất đã giảm và ổn định hơn là cơ sở để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được  nguồn vốn giá rẻ, giảm bớt chi phí vốn, từ đó có cơ hội hồi phục sản xuất, kinh doanh. Khi doanh nghiệp khỏe trở lại, tất yếu kéo theo nền kinh tế vĩ mô được phục hồi.

Và trên thực tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1-2014, cả nước có khoảng 6.900 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký trên 43,7 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7% về số doanh nghiệp và tăng 79,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Đây là những dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế sẽ được "tiếp sức” bởi một cộng đồng doanh nghiệp khỏe, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của một thị trường lãi suất ổn định.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay nhiều doanh nghiệp đã có thể giảm bớt chi phí vốn.

Xuất khẩu – điểm sáng nhất 

Giới chuyên gia cho rằng, một trong những lĩnh vực duy trì được "phong độ” cao nhất chính là xuất khẩu. Trong năm 2013, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 132,13 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm trước đó tương ứng tăng 17,61 tỷUSD. Đặc biệt, năm qua, có tới 22 nhóm hàng  có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Và đây là lĩnh vực tiếp tục sẽ là điểm nổi bật nhất của bức tranh kinh tế trong thời gian tới, đặc biệt là khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Một trong số đó phải kể đến Hiệp định xuyên Thái Bình dương. Theo TS Lê Đăng Doanh, nếu việc ký kết  Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công, Việt Nam sẽ có quan hệ với nhiều nước công nghiệp hóa cao: Mỹ, Canada, Singapore… Đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước vươn xa hơn tới các thị trường lớn trên toàn thế giới.

Những khó khăn phía trước

Bên cạnh những tín hiệu vui của nền kinh tế, không ít khó khăn, trở ngại vẫn còn ở phía trước. Theo giới chuyên gia, nền kinh tế vẫn còn đó "cục nợ xấu” khổng lồ. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất tuy có giảm và ổn định song cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Đó là những trở ngại trước mắt đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cần phải nhắc đến không gì khác chính là lĩnh vực  nông nghiệp.

Năm 2013, người ta chứng kiến sự sụt giảm của nhiều lĩnh vực xuất khẩu nông nghiệp trong đó phải kể đến lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cao su… đã giảm cả về lượng và giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, con cá tra trên đường sang thị trường quốc tế đã liên tục gặp khó trong năm 2013. Và ngay đầu năm 2014 này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tiếp tục gặp phải trở ngại lớn đến từ phía thị trường Mỹ. Đó là việc Thượng viện Mỹ mới đây đã thông qua Dự luật Nông trại 2013.

Theo một điều khoản của Dự luật Nông trại 2013 (Farm Bill 2013) - đang chờ Tổng thống ký phê chuẩn, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ đảm nhận chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá basa và cá tra của Việt Nam. Với điều luật này, tới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ áp dụng tiêu chuẩn tương đồng đối với cá tra nhập khẩu. Điều này có nghĩa, toàn bộ chuỗi sản xuất cá tra, từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến đóng gói ở Việt Nam, đều phải tương đồng với điều kiện ở Mỹ. Nếu không, Mỹ sẽ không cho phép nhập khẩu cá tra vào thị trường này.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Dự luật được đưa vào thực hiện sẽ gây ra nhiều khó khăn cho xuất khẩu cá tra. Bởi, tuy cá tra nước ta đã đạt những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng nhất định của Mỹ và các nước châu Âu nhưng so với các tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra cho các sản phẩm cá da trơn nội địa thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Và Việt Nam sẽ phải mất 5 - 7 năm để nâng cấp quy trình sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn tương đương với những nhà nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản Mỹ trước khi có thể nối lại xuất khẩu vào Mỹ. Điều này sẽ là một thách thức không nhỏ đối với ngành cá tra Việt Nam.