Bức tranh kinh tế Việt Nam đã thực sự "tươi hồng"?
(Tài chính) Theo nhận xét của TS. Trần Đình Thiên, đằng sau những chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng đầy hy vọng, trong nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn các nhân tố gây bất ổn và rủi ro.
Sáng nay (28/4), Diễn đàn Kinh tế mùa xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì tổ chức sẽ diễn ra tại Quảng Ninh với sự tham gia của những chuyên gia kinh tế hàng đầu. PGS., TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam sẽ có tham luận đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2013 với những xu hướng chính, vấn đề và triển vọng.
Theo nhận định của TS. Trần Đình Thiên, mặc dù được coi là năm khó khăn nhất trong suốt hơn 25 năm kể từ khi Đổi mới đến nay, nền kinh tế Việt Nam năm 2013 đã kết thúc với những tín hiệu tích cực: Tốc độ tăng trưởng GDP 5,42% cao hơn năm 2012 (5,25%). Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhất trong nhiều năm (6,03%), hệ thống tài chính đi dần vào thế ổn định, cán cân thương mại tổng thể được cải thiện, tuy chỉ với mức xuất siêu khiêm tốn 100 triệu USD, giá trị của đồng nội tệ không biến động mạnh, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế vẫn được tiếp tục được triển khai một cách kiên trì, tuy kết quả thực tiễn đạt được là khá ít ỏi.
Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, ông cho rằng, vẫn còn rất nhiều lý do để lo ngại về tính vững chắc của xu hướng ổn định, về triển vọng còn khá mong manh của quá trình phục hồi tăng trưởng. "Trên thực tế, những nguyên nhân chính gây ra khó khăn cho nền kinh tế trong thời gian qua vẫn chưa được giải quyết". Nói cách khác, đằng sau những chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng đầy hy vọng, trong nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn các nhân tố gây bất ổn và rủi ro.
Về tăng trưởng GDP, TS. Thiên chỉ ra rằng, với mức 5,42%, cao hơn năm trước và vượt nhiều dự đoán của các tổ chức kinh tế, đây vẫn là mức tăng trưởng thấp so với kế hoạch được Chính phủ và Quốc hội thông qua. Có vẻ nó chứng tỏ quá trình phục hồi tăng trưởng đã diễn ra, song rất chậm, khó khăn và chưa chắc chắn.
Ông đưa ra quan sát: Giống như nhiều năm trước, đồ thị tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam vẫn diễn ra theo xu hướng “quý sau cao hơn quý trước”. Thành tích tăng trưởng hàng năm được đo theo quý này thường được nhấn mạnh trong các bản tổng kết cuối năm. Có lẽ vì nó vừa phản ánh một xu hướng có thực, vừa gây ấn tượng về sự chuyển biến tích cực liên tục (suốt cả năm) của tình hình, mang lại cảm giác về sự tốt lên rõ rệt, tạo niềm tin về khả năng “thoát đáy” và phục hồi nhanh chóng. Nhưng từ một góc nhìn khác, bức tranh kinh tế lại không tươi hồng như vậy.
Vị chuyên gia miêu tả một cách sinh động, trong đồ thị tăng trưởng GDP theo quý, cứ sau mỗi đợt “tổng kết” thành tích cuối năm với đỉnh cao tăng trưởng đạt được ở Quý IV, thì sang Quý I năm sau, đồ thị tăng trưởng lại rơi xuống điểm đáy khác, khởi đầu cho một năm mới nền kinh tế lại “hỳ hục” bò lên, để liên tục tăng trong 3 quý tiếp theo, như là sự chuẩn bị cho một “cú rơi” mới vào đầu năm sau.
Ông nhận xét, đó là tính chu kỳ kinh tế lạ lùng đối với hầu hết các nền kinh tế trong thế giới hiện đại nhưng lại không hề xa lạ đối với nền kinh tế Việt Nam - không xa lạ không hẳn chỉ do tính “mùa vụ” mà do cả cách thức điều hành nền kinh tế. Ẩn phía sau sự “nhịp nhàng” chu kỳ này là tổ hợp của nhiều nguyên nhân mà nổi bật nhất chính là cách nền kinh tế thị trường được dẫn dắt bởi một loại động cơ “độc đáo” đến mức “độc nhất vô nhị”: “chủ nghĩa thành tích”.Trong tham luận lần này gửi đến Diễn đàn, TS. Trần Đình Thiên cũng ghi nhận, tình hình kinh tế năm 2013 có một điểm tích cực - khác biệt so với các năm trước: sau nhiều năm, quy luật “hai năm lên, một năm xuống” của lạm phát đã bị chặn lại. Không nghi ngờ gì, chỉ số CPI thấp - 6,04%, thấp nhất trong 10 năm qua, là kết quả tích cực của những nỗ lực to lớn nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ. Kéo theo mức lạm phát thấp là xu hướng cải thiện rõ ràng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: lãi suất hạ thấp, thanh khoản tốt lên, tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại hối tăng.
Dù vậy, ông vẫn lưu ý, việc lạm phát “được giữ”ở mức thấp chủ yếu bắt nguồn từ tình trạng sức khỏe yếu kém của nền kinh tế, với hai bằng chứng rõ ràng là sức cầu thị trường tiếp tục suy yếu; còn số doanh nghiệp tư nhân nội địa bị đóng cửa vẫn tiếp tục tăng lên so với các năm trước.
Theo đó, CPI tăng thấp năm 2013 có nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do tổng cầu suy giảm, do tác động từ các quyết định hành chính điều chỉnh (tăng giá) một số mặt hàng, dịch vụ công. Tăng mạnh nhất là giá nhóm Thuốc và dịch vụ y tế (tăng 18,97%, riêng dịch vụ y tế tăng 23,51%); sau đó là nhóm giáo dục (tăng 11,71%).
Trong khi giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm, vốn chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI lại có mức tăng thấp. Giá thế giới của các hàng hóa cơ bản ít biến động, tác động của các yếu tố tiền tệ lên CPI không lớn do tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán thấp, tỷ giá ít biến động.
TS. Thiên cảnh báo, theo đúng quy luật “trả giá” của kinh tế học, việc lạm phát giảm thấp kéo theo một số điểm đáng lo ngại. Đó là mức tăng trưởng tín dụng thấp, phản ánh khả năng duy trì và phục hồi “sức khỏe” của các doanh nghiệp nội địa yếu; chênh lệch giữa mức mất giá tiền tệ do lạm phát cao kéo dài gây ra với sức mua đối ngoại của đồng tiền Việt nam (tỷ giá hối đoái) vốn đã lớn tiếp tục tăng.
Tại Diễn đàn sáng nay, TS. Trần Đình Thiên cùng các chuyên gia kinh tế hàng đầu khác cũng sẽ đưa ra những nhận xét nghiêm khắc và sắc nét hơn về tình hình kinh tế, chính sách vĩ mô của năm 2013, từ đó có những khuyến nghị chính sách cho năm 2014.
Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014 là đầu vào quan trọng để Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có ý kiến đánh giá bổ sung việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.