Bùng phát dự án bất động sản
Hiện nay, dự án nhà ở, du lịch mọc lên như nấm sau mưa không chỉ tại TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) hay các tỉnh lân cận, mà ở cả vùng sâu, vùng xa. Phải chăng, đây là lĩnh vực dễ làm nhất, thu lợi nhanh nhất?
Đua nhau làm dự án
Long Hậu, một xã có tốc độ đô thị hóa cao của huyện Cần Giuộc, trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản (BĐS) tỉnh Long An trong những năm qua. Dự án nhà ở phát triển mạnh, đầu tư hoành tráng, quảng cáo mở bán ì xèo nhưng nhu cầu thật còn rất xa vời.
Dự án khu dân cư Thái Sơn 1 (xã Long Hậu), đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng từ lâu nhưng dân cư thưa thớt, bên trong có rất nhiều nền đất bỏ hoang, có những khu vực cỏ mọc cao lút đầu người. Đối diện là đại dự án khu dân cư thương mại, biệt thự và chung cư cao cấp rộng đến 267,31ha do Công ty cổ phần Thái Sơn - Long An làm chủ đầu tư đang san lấp mặt bằng loang lổ, thảm đường đất cấp phối sơ sài. Cách nay hơn một năm, cơ quan chức năng tỉnh Long An đã cảnh báo các đơn vị môi giới nhận tiền cọc bán sản phẩm, do dự án chưa đủ điều kiện pháp lý. Kế bên là dự án nhà ở Thanh Hiếu, diện tích 20,29ha cũng rất thưa thớt. Xung quanh khu vực này còn có hàng loạt dự án khác như Sài Gòn Village Long Hậu, Long Hậu River Side… cùng chung bức tranh chợ chiều nhà thưa thớt, vắng người ở.
Theo công bố hồi tháng 4/2019 của Sở Xây dựng tỉnh Long An, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 118 dự án dân cư, tổng cộng 2.502ha, chủ yếu tập trung tại huyện Đức Hòa (địa bàn giáp ranh với TPHCM) với 43 dự án. Nhìn từ kết quả điều tra dân số của tỉnh Long An được công bố vào năm ngoái cho thấy, sự phát triển dự án không tương xứng với tăng dân số: năm 2019 là 1,6 triệu người, trong khi dân số của 10 năm trước là 1,4 triệu người. Như vậy, dân số tăng rất ít nhưng dự án nhà ở tăng rất mạnh.
Trong khi đó, sau sự cố vỡ trận dự án condotel Cocobay tại Đà Nẵng đã lộ ra bộ mặt khác của sự phát triển nóng các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Điều trớ trêu là, tất cả các dự án căn hộ condotel được cấp phép rầm rộ nhưng cái tên condotel không hề có trong các văn bản pháp luật, dẫn đến giờ này không được cấp giấy chủ quyền cho khách hàng mua căn hộ. Hiện nay, nhiều khách sạn, căn hộ condotel nằm “cô đơn” ven biển, vắng khách lưu trú không hề ít…
Đón đầu hay chôn tiền vào đất?
Trước hiện tượng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM nhận xét, việc các dự án nhà ở các tỉnh lân cận TPHCM phát triển mạnh nhằm đón đầu sự phát triển kinh tế của khu vực.
Đáng chú ý là tỉnh Bình Dương, trở thành địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu thu hút đầu tư của miền Đông Nam bộ, góp phần chia sẻ với TPHCM về dân nhập cư, đóng góp khá lớn nhu cầu nhà ở cho người dân. Đối với tỉnh Long An, mặc dù có sự xuất hiện nhiều đại gia lớn nhưng đến nay phát triển còn chậm, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng.
Đối với dự án condotel cũng vậy, xuất phát từ việc đáp ứng tăng trưởng du lịch, nhưng trở nên méo mó khi phát triển nóng biến thành thị trường đầu cơ, sự vỡ trận của một số dự án đã đẩy khách hàng vào thế kẹt, đánh mất niềm tin.
Dưới góc độ kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, kinh nghiệm của các nhà đầu tư, việc mua một dự án đất nền ở vùng nào đó, để một thời gian khi nhà nước làm hạ tầng đến sẽ tăng giá. Ví dụ, khu Mỹ Phước (Bình Dương) trước đây nhiều nhà đầu tư mua rồi “chết chìm” trong đó rất lâu, nhưng sau đó lại tăng giá mạnh. Từ đó, tạo ra nhận định, “người đẻ chứ đất không đẻ”, “mua thổ thì lời”, dẫn đến người người đi mua đất để đầu cơ. Điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy bất ổn cho nền kinh tế.
Đồng vốn không đổ vào sản xuất kinh doanh, không đóng góp vào việc nâng cao giá trị nông sản để xuất khẩu cạnh tranh với thế giới sẽ tác động lớn đến kinh tế nói chung. Nếu BĐS luôn luôn đồng nhịp và đi sau một bước so với phát triển kinh tế, sẽ giúp kinh tế phát triển. Nhưng khi BĐS đi trước một bước, hoặc phát triển nhanh hơn đó sẽ là nguyên do tạo ra những cuộc khủng hoảng cho nền kinh tế; các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây đã minh chứng điều đó. Vì vậy, việc cảnh báo, uốn nắn dòng tiền không đổ vào BĐS là hết sức cần thiết.