Bước chuyển mạnh mẽ trong quản lý ngân quỹ nhà nước
Tiến tới mô hình “kho bạc số” vào năm 2030, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện các công cụ, quy trình nghiệp vụ phục vụ cho công tác quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả theo hướng điện tử hóa. Nhờ đó, công tác quản lý ngân quỹ nhà nước của Kho bạc Nhà nước được thực hiện bài bản, khoa học, minh bạch phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Nhiều tiến bộ trong quản lý ngân quỹ nhà nước
Bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, quản lý ngân quỹ (QLNQ) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế vĩ mô. Hoạt động QLNQ tốt, trước hết giúp đảm bảo ngân quỹ sẵn sàng đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ tại mọi thời điểm; sau đó là hỗ trợ hoạt động quản lý nợ của Chính phủ, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương; hỗ trợ sự phát triển của thị trường tài chính.
Theo thông lệ quốc tế, hoạt động QLNQ gồm 4 nội dung: Xây dựng và hoàn thành Hệ thống tài khoản thanh toán tập trung; phát triển hệ thống dự báo luồng tiền; đầu tư ngân quỹ; quản lý rủi ro ngân quỹ.
Hiện nay, xu hướng QLNQ nhà nước của KBNN đang chuyển dần từ truyền thống (trên cơ sở dự báo dài hạn theo năm, quý, tháng) sang hướng hiện đại (trên cơ sở dự báo ngắn hạn theo ngày, tuần) với các hình thức đầu tư ngân quỹ hiện đại, tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính, tiền tệ như hoạt động mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP), đầu tư qua đêm.
Theo thông lệ quốc tế, hoạt động QLNQ gồm 4 nội dung: Xây dựng và hoàn thành Hệ thống tài khoản thanh toán tập trung; phát triển hệ thống dự báo luồng tiền; đầu tư ngân quỹ; quản lý rủi ro ngân quỹ.
Trên thực tế, thời gian qua, KBNN đã xây dựng các công cụ và quy trình nghiệp vụ phục vụ cho công tác QLNQ đảm bảo an toàn và hiệu quả theo hướng: Hoàn thiện việc xây dựng và vận hành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung; Nghiên cứu xây dựng các công cụ quản lý rủi ro trong hoạt động QLNQ; Xây dựng hệ thống dự báo luồng tiền; Đề án mua lại có kỳ hạn TPCP trên thị trường thứ cấp.
Đánh giá về kết quả công tác QLNQ mà KBNN Việt Nam nỗ lực thực hiện trong thời gian qua, ông Mike Williams, chuyên gia cố vấn ngân quỹ của Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết, hệ thống KBNN Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong QLNQ nhà nước khi hợp nhất được số dư ngân quỹ về hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo đó, ngân quỹ nhà nước được tập trung nhanh về trung ương thông qua việc thiết lập hệ thống tài khoản thanh toán tập trung đã giúp KBNN tạo ra số dư ngân quỹ nhà nước lớn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các khoản chi của ngân sách nhà nước (NSNN) và các đơn vị có giao dịch với KBNN.
Việc tập trung ngân quỹ còn tạo nguồn lực để sử dụng ngân quỹ nhà nước hiệu quả hơn thông qua nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi như: Thực hiện tạm ứng cho ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh; gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tại các ngân hàng thương mại có hoạt động an toàn, ổn định phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mặc dù công tác QLNQ nhà nước của KBNN đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Chưa triển khai đồng bộ tất cả các quy trình nghiệp vụ QLNQ nhà nước trong hệ thống Kho bạc; QLNQ nhà nước còn chưa được như kỳ vọng; Mức độ áp dụng công nghệ thông tin trong QLNQ chưa nhiều…
Hướng tới quản lý ngân quỹ theo thông lệ quốc tế
Kế thừa những kết quả đã đạt được, thời gian tới, KBNN tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công tác QLNQ (nghị định quy định chế độ QLNQ và các thông tư hướng dẫn), đáp ứng được 2 yêu cầu cơ bản là an toàn và hiệu quả. Trong đó, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khác trong việc QLNQ nhà nước, quản lý tài khoản KBNN, dự báo luồng tiền và tạo dựng cơ sở pháp lý cho các hoạt động đầu tư ngân quỹ…
KBNN xây dựng và phát triển hệ thống dự báo luồng tiền hiện đại, đảm bảo dự báo tương đối chính xác các khoản thu, chi NSNN, thanh toán và tồn ngân quỹ trong ngắn hạn cũng như dài hạn, để dự báo chính xác các luồng tiền thu, chi qua KBNN. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước phù hợp với tình hình hoạt động thực tiễn của KBNN. Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm soát và quản lý rủi ro; trong đó, phân loại xác định rõ đối tượng, lĩnh vực thường có độ rủi ro cao cần được quản lý chặt chẽ trong hoạt động QLNQ, trên cơ sở đó, lựa chọn chính sách và giải pháp an toàn hoặc đầu tư ngân quỹ hiệu quả, ít rủi ro nhất.
Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống thanh toán tập trung hiện đại dựa trên nền tảng của Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, nhằm quản lý tập trung ngân quỹ để sử dụng một cách có hiệu quả nhất, nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính quốc gia.
KBNN cũng sẽ gắn QLNQ với quản lý nợ Chính phủ thông qua việc sử dụng ngân quỹ để mua lại TPCP tại thị trường thứ cấp, nhằm cơ cấu lại nợ và giảm chi phí vay nợ của Chính phủ; Phát triển thị trường TPCP hiện đại, minh bạch, hoạt động theo nguyên tắc thị trường, liên kết và hội nhập với thị trường trái phiếu khu vực và quốc tế; Hoàn thiện tổ chức bộ máy theo chức năng và nhiệm vụ mới, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức kho bạc tinh thông nghiệp vụ, đào tạo bài bản, hoạt động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cải cách công tác QLNQ.
Các định hướng nêu trên vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu mà KBNN hướng đến trong thời gian tới, qua đó góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 nói chung và công tác cải cách ngân quỹ nhà nước nói riêng. Quan trọng là việc QLNQ nhà nước tốt sẽ góp phần vào sự vận hành thông suốt, đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.