Xây dựng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại hướng đến Kho bạc điện tử
Thực hiện triển khai Chính phủ điện tử, Kho bạc Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2020, các hoạt động được Kho bạc Nhà nước thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước thường xuyên cải cách cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ gắn với hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực nhằm thoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình nghiệp vụ
Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã hình thành được kiến trúc tổng thể về hệ thống công nghệ thông tin, trong đó, hệ thống lõi về ngân sách và kho bạc (TABMIS). Hệ thống này đóng vai trò là trung tâm kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu với một số hệ thống liên quan của Kho bạc Nhà nước và các đơn vị trong ngành Tài chính và Ngân hàng; hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin khác theo mô hình tập trung có kết nối với hệ thống TABMIS.
Việc triển khai hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách điện tử cùng các ngân hàng thương mại, thực hiện theo mô hình tài khoản và kỹ thuật tập trung là một trong những bước tiến lớn trong công tác quản lý ngân quỹ. Qua đó, tạo điều kiện cho người nộp thuế có thể lựa chọn địa điểm và phương thức nộp thuế phù hợp nhất với mình; nộp tiền ngoài giờ hành chính; giảm thời gian thực hiện 1 giao dịch thu nộp ngân sách nhà nước và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước. Đến nay, đã có 98% giao dịch thu ngân sách nhà nước được thực hiện bằng hình thức điện tử liên thông ngân hàng-kho bạc-thuế-hải quan, chỉ còn khoảng 2% số lượng giao dịch thu ngân sách nhà nước thực hiện thủ công chủ yếu liên quan đến thu phạt, lệ phí hành chính ở địa phương.
Kho bạc Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2020, các hoạt động của Kho bạc Nhà nước sẽ được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử.
Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, hiện Kho bạc Nhà nước đang triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 đến các đơn vị sử dụng ngân sách toàn hệ thống. Đến tháng 8/2019, đã có trên 40.000 đơn vị sử dụng hệ thống, mục tiêu đến hết năm 2020 cần triển khai 120.000 đơn vị hành chính, sự nghiệp của 4 cấp ngân sách.... Dịch vụ công trực tuyến đã tạo ra sự công khai, minh bạch, hướng tới sự hài lòng, thuận lợi và giảm thời gian, chi phí đi lại, chi phí hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Bên cạnh đó, để tăng cường công nghệ thông tin, Kho bạc Nhà nước còn triển khai, ứng dụng công nghệ di động vào cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước. Thời gian qua, hệ thống cảnh báo rủi ro cung cấp thêm kênh thông tin trực tuyến qua thiết bị di động thông minh cho khách hàng về tình hình biến động số dư tài khoản, trạng thái xử lý giao nhận hồ sơ, chứng từ yêu cầu thanh toán, giấy rút tiền mặt của đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình giao dịch với Kho bạc Nhà nước một cách nhanh chóng, kịp thời.
Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước đã áp dụng hạ tầng công nghệ thông tin trên nền tảng ảo hóa, sẵn sàng tiến đến điện toán đám mây (Cloud); Nghiên cứu và hoàn thành thử nghiệm công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong phối hợp thu và thanh toán điện tử với các ngân hàng thương mại.
Hiện nay, Kho bạc Nhà nước đang xây dựng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030, đồng thời nghiên cứu mô hình, thông lệ tốt về xây dựng hệ thống thông qua việc tham gia các hội nghị quốc tế như: Hội nghị cộng đồng hành nghề Kho bạc (T-Cop); Hội nghị toàn thể Mạng lưới Quản lý chi tiêu công Châu Á (PEMNA) tại Việt Nam; Hội thảo về Nâng cao năng lực về Xu hướng IFMIS và Kinh nghiệm triển khai dBrain tại Hàn Quốc để nắm bắt các mô hình hệ thống, các thông lệ tốt đưa vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số.
Đề xuất kết nối và chia sẻ dữ liệu điện tử
Để hoàn thành mục tiêu Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020, đảm bảo các hoạt động được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử, theo lãnh đạo Kho bạc Nhà nước trong thời gian tới cần chú ý một số nội dung:
Một là, Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu để các cơ quan, tổ chức thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện.
Hai là, các cơ quan ra quyết định phạt cung cấp, chia sẻ dữ liệu điện tử về phạt vi phạm hành chính để kho bạc nhà nước cung cấp dịch vụ nộp phạt qua dịch vụ công trực tuyến.
Ba là, các cơ quan quản lý (Trung tâm hành chính) cung cấp, chia sẻ dữ liệu về phí, lệ phí hành chính để Kho bạc Nhà nước cung cấp dịch vụ nộp phí, lệ phí qua dịch vụ công trực tuyến.
Bốn là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hình thành cơ sở dữ liệu điện tử về đấu thầu điện tử và hợp đồng điện tử và cung cấp, chia sẻ với Kho bạc Nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho đơn vị sử dụng ngân sách.
Năm là, sớm nghiên cứu và trình ban hành chế độ kế toán nhà nước thống nhất để tạo tiền đề thống nhất về tiêu chuẩn cấu trúc dữ liệu nhằm thuận lợi cho tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước toàn Chính phủ và tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước khi hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số.