Kho bạc Nhà nước hướng tới hình thành "Kho bạc số" trong giai đoạn 2021-2030


Lấy công nghệ thông tin là khâu đột phá, cải cách cơ chế, đồng thời chuyển đổi số hóa quy trình nghiệp vụ là nền tảng là giải pháp xuyên suốt của quá trình thực hiện xây dựng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) giai đoạn 2021-2030. Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng giám đốc KBNN đã có cuộc trao đổi làm rõ mục tiêu này.

Kho bạc Nhà nước hướng tới hình thành "Kho bạc số" trong giai đoạn 2021-2030.
Kho bạc Nhà nước hướng tới hình thành "Kho bạc số" trong giai đoạn 2021-2030.

PV: Thưa bà, trong thời gian tới Chiến lược trọng tâm của KBNN sẽ là chuyển dịch sang “Kho bạc số”, bà có thể chia sẻ rõ hơn về chiến lược này?

Bà Trần Thị Huệ.
Bà Trần Thị Huệ.

Bà Trần Thị Huệ: Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 đề ra với mục tiêu xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, gắn hiện đại hóa các chức năng của KBNN với đổi mới mô hình tổ chức KBNN, hướng tới các thông lệ tốt trên thế giới; đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành Tài chính giai đoạn 2021-2030 và phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trên cơ sở đó, Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 được tập trung cải cách trên 3 trụ cột gồm: Thể chế chính sách; Hoàn thiện tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực; Công nghệ quản lý. Đặc biệt là về công nghệ quản lý, chúng tôi tập trung vào xây dựng “Kho bạc số”.

Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng hệ thống KBNN hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tổ chức bộ máy thống nhất.

Các định hướng cải cách trên đều vì một mục tiêu chung là KBNN sẽ trở thành một Kho bạc điện tử hoàn thiện, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng như các báo cáo phân tích định kỳ về chấp hành ngân sách, cổng dữ liệu mở.góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng một nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Với việc thực hiện hệ thống chuyển đổi số như vậy thì KBNN sẽ hướng tới việc cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn, bà có thể chia sẻ thêm các dịch vụ mà người dân và đơn vị sử dụng ngân sách có thể sử dụng trong thời gian tới?

KBNN sẽ có kết nối với hệ thống công nghệ thông tin của các bộ, ngành, các đơn vị có liên quan trong kiến trúc tổng thể về chính phủ số. Việc phát triển “Kho bạc số” này sẽ mang lại lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp, đối tượng sử dụng ngân sách có giao dịch với KBNN. Theo đó giao dịch của các đối tượng này sẽ thực hiện theo hình thức điện tử và sẽ không phải đến kho bạc thực hiện các giao dịch này nữa.

Trong lĩnh vực thu ngân sách, những người nộp thuế có thể sử dụng được rất nhiều phương thức thanh toán điện tử của ngân hàng để nộp trực tiếp vào tài khoản của kho bạc mà không phải nộp tiền mặt nữa. Trong lĩnh vực chi ngân sách thì các đơn vị sử dụng ngân sách sẽ gửi hồ sơ thông qua phương thức điện tử.

Như vậy, các đơn vị có thể ngồi tại cơ quan để gửi hồ sơ thanh toán đến hệ thống KBNN thay vì phương thức thủ công như hiện nay là đến giao dịch trực tiếp tại các trụ sở của hệ thống KBNN để nộp hồ sơ.

Vậy để có thể thực hiện được các bước chuyển dịch như vậy, trong thời gian tới KBNN sẽ phải thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì?

Để có thể triển khai nhiệm vụ trên, về phía KBNN phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, theo đó có thể thực hiện được giao dịch điện tử thông qua việc tiếp tục phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo hướng kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, gắn hiện đại hóa các chức năng của KBNN với đổi mới mô hình tổ chức KBNN.

Bên cạnh đó, KBNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính về việc thực hiện xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp thông tin chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị... thụ hưởng ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch tại hệ thống KBNN để hoàn thiện quy trình giao dịch điện tử giữa KBNN với các đơn vị..

Đồng thời, KBNN sẽ tăng cường tham vấn kinh nghiệm và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế có uy tín như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF)... trong việc triển khai cải cách công tác kế toán, đặc biệt là kế toán nội bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng rất cần phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, rõ ràng nhằm thiết lập chức năng kiểm toán nội bộ chặt chẽ, hợp lý để chuẩn bị cho việc chuyển đổi.

Với Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, KBNN tin tưởng rằng những thông tin về tình hình quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; công quản lý, sử dụng tài sản công và vay nợ của nhà nước… sẽ được công khai, minh bạch. Đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về phát triển hệ thống KBNN (cụ thể là hệ thống TABMIS) trở thành kho dữ liệu tổng hợp, đầu mối chung duy nhất về tất cả thông tin liên quan đến tài chính - ngân sách của toàn bộ khu vực Chính phủ.

Xin cảm ơn bà!