Buôn lậu ở Quảng Ninh vẫn “nóng” dịp cuối năm
Hàng hóa nhập lậu được vận chuyển trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng lại được đóng gói bao bì sản phẩm tại địa bàn Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó đưa vào sâu trong nội địa tiêu thụ… Đây là thách thức đối với lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong những tháng cuối năm.
Qua thống kê từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn “nóng” ở hầu hết các địa bàn như: Đông Triều, Hoành Bồ, Uông Bí, Quảng Yên, Cẩm Phả, Hải Hà, Móng Cái.
Riêng trong 7 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn TP. Móng Cái, lực lượng chức năng phát hiện 683 vụ vi phạm, với 593 đối tượng, trị giá hàng hóa vi phạm ước 16,3 tỷ đồng; huyện Hải Hà phát hiện 163 vụ, trị giá ước tính 853 triệu đồng; TP. Hạ Long phát hiện 311 vụ, trị giá ước 2,7 tỷ đồng…
Thực hiện công tác đấu tranh những tháng cuối năm, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố và các lực lượng: Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng…
Qua kiểm tra, Đoàn công tác đánh giá, hoạt động XNK qua địa bàn không có biến động lớn, riêng hoạt động kinh doanh dịch vụ tạm nhập-tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan tiếp tục gặp khó khăn khi chính sách biên mậu của Trung Quốc có nhiều thay đổi.
Ở một số thời điểm, các mặt hàng kinh doanh theo loại hình này do bị kiểm soát chặt chẽ tại khu vực tỉnh Đông Hưng (Trung Quốc) nên nhiều DN chuyển hướng tái xuất hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn có xu hướng giảm, diễn ra nhỏ lẻ nhưng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, với thủ đoạn tinh vi. Có một số đối tượng người Trung Quốc câu kết các DN, cá nhân người Việt Nam để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng.
Cá biệt có trường hợp hàng hóa nhập lậu được vận chuyển trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng lại được đóng gói bao bì sản phẩm tại địa bàn Móng Cái, sau đó đưa vào sâu trong nội địa tiêu thụ. Nguyên nhân là do lợi nhuận thu được từ việc vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, nên các đối tượng buôn lậu bất chấp quyền lợi, tính mạng người tiêu dùng.
Mặt khác, một số cơ chế chính sách còn bất cập tạo điều kiện để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo người dân tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Hơn nữa, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, còn tâm lý sính hàng ngoại, ham rẻ, thiếu cảnh giác và thông tin về sản phẩm đã “vô tình” tiếp tay cho hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng cấm có điều kiện tồn tại, phát triển.
Hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, rượu ngoại, pháo nổ và hàng giả là mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng… Những mặt hàng này được vận chuyển về các khu vực vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ, thậm chí trà trộn với hàng thật để đánh lừa người tiêu dùng.
Tuyến biên giới đường bộ với nhiều đường mòn, lối mở vẫn là địa bàn được các đối tượng thường xuyên lợi dụng để buôn lậu. Tại đây, các đầu nậu thuê cửu vạn vác hàng qua biên giới rồi dùng xe máy vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào các khu vực chợ, bến xe, trung tâm thương mại.
Hàng lậu được vận chuyển nhỏ lẻ bằng các xe container, xe tải nhỏ, xe khách chạy tuyến Móng Cái về các tỉnh: Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Nam Định… đã được gia cố hầm vách tinh vi nhằm đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Để vận chuyển hàng hóa trót lọt, một số đối tượng còn sử dụng hóa đơn chứng từ bán hàng của các hộ kinh doanh tại địa bàn Hà Cối để hợp thức hóa hồ sơ trong quá trình vận chuyển.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh dự báo, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao vào những tháng cuối năm. Tình trạng nhập lậu hàng cấm, hàng có giá trị cao như thuốc lá, rượu ngoại, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng giả có nguy cơ bùng phát. Khó khăn lớn nhất của lực lượng làm nhiệm vụ là tuyến biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, địa hình phức tạp, có nhiều sông, suối nên các đối tượng dễ dàng tẩu tán tang vật hoặc quay đầu lại phía Trung Quốc. Ngoài ra, một số văn bản liên quan đến chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa phù hợp, cần sửa đổi bổ sung về thầm quyền xử lý, chế tài xử phạt, chức năng, nhiệm vụ; mối quan hệ phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý.
Những tháng cuối năm 2015, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các lực lượng: Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cơ sở nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đối tượng cầm đầu, chủ mưu để triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm buôn lậu.
Các lực lượng tiếp tục củng cố lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đối với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, các Đồn Biên phòng tăng cường quản lý hoạt động XC, NC; công tác tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở biên giới đường bộ, đường biển để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là các mặt hàng thuốc lá, hàng tiêu dùng…