Cà Mau chậm cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp
Việc cổ phần hoá công ty lâm nghiệp dù được tỉnh Cà Mau thực hiện thông qua Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 2008/TTg-ÐMDN ngày 6/11/2015, theo mô hình cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần, song qua nhiều lần trình Phương án, đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Riêng tại 2 công ty lâm nghiệp (U Minh Hạ và Ngọc Hiển), tổng diện tích quản lý trên 44.269 ha, với diện tích có rừng trên 27.314 ha (chiếm 61,7%), diện tích đất chưa có rừng hơn 16.164 ha.
Phần lớn diện tích của 2 công ty này quản lý đã thực hiện khoán cho các hộ gia đình, cá nhân để quản lý, sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng, thời hạn khoán ổn định theo chu kỳ cây trồng có quy định.
Kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2023, diện tích rừng của tỉnh Cà Mau hiện có 92.760 ha (trong đó, rừng đặc dụng 18.711 ha, rừng phòng hộ 20.582 ha, rừng sản xuất 53.467 ha), với độ che phủ rừng đạt 17,59%.
Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, đa số các hộ nhận khoán đã thực hiện trồng rừng thâm canh, sử dụng giống có kiểm soát, chuyển đổi một phần từ rừng tràm bản địa sang trồng các loài cây mọc nhanh có giá trị kinh tế cao và được hưởng lợi tối đa trên diện tích nhận khoán, đã nâng cao đời sống, thay đổi đáng kể diện mạo của cộng đồng dân cư nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp. Diện tích rừng sản xuất lên liếp thâm canh tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ là 16.393,16 ha/17.267,56 ha có rừng.
Khi lập Phương án, quy mô, diện tích đất dự kiến giao về địa phương để giao đất cho hộ gia đình, cá nhân khá lớn; trong khi đó chính quyền cấp xã, nơi có rừng, chưa đủ các điều kiện cần thiết để quản lý hiệu quả, dễ xảy ra mất rừng, sử dụng đất sai mục đích. Ðây cũng là lý do làm cho tỉnh lúng túng trong lựa chọn mô hình, xây dựng phương án tổng thể trong sắp xếp các công ty lâm nghiệp trực thuộc.
Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển, với hệ sinh thái rừng ngập mặn nên có lợi thế phát triển mô hình rừng - tôm kết hợp bền vững giảm phát thải có chứng nhận quốc tế (tôm sinh thái - hữu cơ), đang tạo điều kiện để các hộ nhận khoán khôi phục rừng và nuôi thuỷ sản kết hợp bền vững. “Ðây là dấu hiệu rõ nét về chuyển dịch từ trồng và bảo vệ rừng truyền thống sang phát triển kinh tế lâm nghiệp trong thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ðã có trên 5 ngàn hộ, với diện tích nhận khoán 30.500 ha, ở khu vực rừng ngập mặn được các tổ chức quốc tế chứng nhận là mô hình rừng - tôm bền vững giảm phát thải khí nhà kính”, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá.
Tuy nhiên, việc cổ phần hoá 2 công ty lâm nghiệp này dù được tỉnh Cà Mau thực hiện thông qua Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp (Phương án) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 2008/TTg-ÐMDN ngày 6/11/2015, theo mô hình cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần, song, qua nhiều lần trình Phương án, đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Chậm thực hiện sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp nên các công ty cũng chậm thực hiện đổi mới cơ chế quản lý rừng, do đó, những tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục, các cơ chế, chính sách mới chậm triển khai, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các công ty.
Diện tích đất các công ty lâm nghiệp đã thực hiện giao khoán khá lớn (35.338,85 ha/6.021 hộ); diện tích đất giao khoán thực hiện qua nhiều thời kỳ, với nhiều chính sách khác nhau, quy mô diện tích giao khoán không giống nhau. Việc thu hồi diện tích đất giao khoán về cho chính quyền địa phương sẽ tăng thêm nhiệm vụ, áp lực quản lý rừng. Trên địa bàn tỉnh và khu vực phụ cận chưa có nhà máy chế biến gỗ lớn, chế biến sâu, có công nghệ hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ đáp ứng với vùng nguyên liệu của tỉnh; đồng thời cách xa các trung tâm công nghiệp chế biến gỗ nên chi phí vận chuyển cao. Do đó, sẽ khó khăn trong việc lựa chọn thành viên thứ hai trở lên có đủ tiêu chí đáp ứng các mục tiêu sắp xếp, đổi mới.
Ông Nguyễn Văn Quân kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn việc xác định giá trị lợi thế về quyền sử dụng đất của công ty lâm nghiệp Nhà nước trước khi sắp xếp, để xác định giá trị phần vốn của Nhà nước góp vốn vào công ty sau khi sắp xếp. Về mô hình sắp xếp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ xem xét bổ sung các mô hình sắp xếp đối với công ty quản lý rừng sản xuất là rừng trồng ở các điều kiện đặc thù như vùng ven biển, biên giới biển, đang quản lý tổ chức sản xuất ổn định, hiệu quả và có số lượng lớn hộ dân nhận khoán sản xuất, nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Theo phương án sử dụng đất sau khi sắp xếp, tổng diện tích quản lý của 2 công ty dự kiến giữ lại là 39.308,37 ha (giảm 4.989,91 ha); trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển 18.257,56 ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ 21.050,81 ha. Diện tích tự tổ chức quản lý, sản xuất của các công ty (bao gồm cả diện tích hợp đồng hợp tác kinh doanh) là 8.893,94 ha.
Tổng diện tích hộ nhận khoán được giữ lại tiếp tục sản xuất tại 2 công ty là 30.141,43 ha (100% đất lâm nghiệp), diện tích có rừng là 18.443,38 (60,64%) (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển 16.427,2 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ 13.987,23 ha). Diện tích dự kiến giao về địa phương sau khi sắp xếp là 4.989,91 ha, với hiện trạng chủ yếu là đất lâm nghiệp 4.330,94 ha, diện tích có rừng 1.253,25 ha, đất phi nông nghiệp 658,97 ha.