Khoảng trống nào trong xử lý trách nhiệm cổ phần hoá chậm trễ?

Theo daibieunhandan.vn

Dù đã có chủ trương cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhưng đến ngày 24/12/2020 mới thực hiện đạt 27,3% kế hoạch năm 2020, còn 89 DNNN chưa hoàn thành cổ phần hóa. Điều đó cho thấy tiến độ cổ phần hóa của của chúng ta quá chậm. Nhiều ý kiến cho rằng, để chấm dứt tình trạng này, phải xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân "đủng đỉnh" thực hiện cổ phẩn hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cổ phần hóa mới đạt 27,3% kế hoạch

Theo báo cáo của Chính phủ, tiến độ cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN còn chậm, chưa đạt kết quả đề ra. Một số doanh nghiệp chậm quyết toán cổ phần hóa, dẫn đến khó khăn trong quá trình hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp. Đơn cử như Tổng công ty Thép Việt Nam đã cổ phần hóa từ năm 2011 đến nay vẫn chưa hoàn thành quyết toán.

Đánh giá về vấn đề cổ phần hóa, Ủy ban Tài chính và Ngân sách, cho rằng, việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Tính đến ngày 24.12.2020 mới thực hiện đạt 27,3% kế hoạch năm 2020, còn 89 DNNN chưa hoàn thành cổ phần hóa.

Một số doanh nghiệp chậm quyết toán cổ phần hóa, khó khăn cho quá trình hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp; hiệu quả đóng góp của DNNN thấp; nhiều địa phương, bộ ngành có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu, chính quyền địa phương trong lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ chưa tốt, chậm, nhất là các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Việc xử lý các dự án yếu kém chậm, còn nhiều vướng mắc.

Theo Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, hiện có 5/12 dự án yếu kém của ngành Công thương còn tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC do đó, chưa hoàn thành quyết toán và xác định chính xác giá trị các dự án.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay là do khuôn khổ thể chế và công tác thực hiện còn bất cập nhưng Chính phủ chưa làm rõ trong báo cáo và đề ra giải pháp để tháo gỡ, khắc phục”, Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận định.

 Trách nhiệm xử lý chậm cổ phần hoá từ đâu ?

Bên cạnh nguyên nhân khách quan dẫn đến chậm tiến độ cổ phần hóa, còn có nguyên nhân chủ quan, đó là do vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu một số DNNN chưa cao, chưa quyết liệt.

Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu, chính quyền địa phương trong lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tại tài sản công chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn rất chậm, nhất là các thành phố lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh…

Điều đáng nói là, hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, DNNN không hoàn thành, không triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch. Nhiều DNNN chưa chủ động triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo chính sách của Nhà nước, đến khi tiến hành cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện, nên ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.

Cổ phần hóa là một việc khó, vì liên quan đến vấn đề tài sản, định giá tài sản của doanh nghiệp. Do đó nhiều người đùn đẩy, né tránh, cố tình chậm tiến độ. Trong khi chế tài chưa đủ mạnh, dẫn đến dù đã có kế hoạch nhưng không ít cá nhân, tổ chức vẫn “đủng đỉnh”. Từ giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu xử lý người đứng đầu doanh nghiệp không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa.

Tiếp đó, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2/2/2017 về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 5/1/2019 về tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó đã xác định rõ trách nhiệm và có chế tài để xử lý hành vi làm chậm tiến độ cổ phần hóa.

Rõ ràng, câu chuyện trách nhiệm người đứng đầu khi để chậm tiến độ cổ phần hóa đã nhiều lần được nhắc đến nhưng trên thực tế vẫn chưa có cá nhân nào bị xử lý. Điều này dẫn đến một số người đứng đầu có tâm lý: thực hiện cổ phần hóa cũng được, không làm cũng chẳng sao. Chính “khoảng trống” xử lý trách nhiệm này vô hình trung là “điểm nghẽn” kéo chậm tiến độ cổ phần hóa của chúng ta thời gian qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn cổ phần hóa đúng tiến độ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo kế hoạch đã đề ra. Cùng với đó gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, chịu trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch Thủ tướng đã phê duyệt. Đồng thời, tăng cường công tác chấp hành kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà các thành phần kinh tế ngoài nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.

Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới. Xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân chậm triển khai quá trình cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước.

Không khó để thấy rằng, việc cổ phần hóa sẽ đụng chạm đến lợi ích của các bộ, ngành, cơ quan chủ quản, người đứng đầu doanh nghiệp. Có không ít lãnh đạo doanh nghiệp có tâm lý e ngại, sợ mất vị trí, vai trò và sợ trách nhiệm sau cổ phần hóa. 

Do đó, sự trì hoãn, kéo dài tiến độ cổ phần hóa cũng là điều dễ hiểu. Nhưng vì lợi ích chung, để sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn, cần phải đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa bởi cơ chế xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân làm chậm quá trình cổ phần hóa. Kiên quyết không thể tình trạng cổ phần hóa mãi “ì ạch” như thời gian qua.