Cà Mau tạo đột phá từ giải ngân đầu tư công


Xác định tầm quan trọng của công tác đầu tư công làm nền tảng và động lực, mở đường phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trong năm 2023, phần việc này được các cấp, các ngành tỉnh Cà Mau tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ðến ngày 3/1/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 4.321 tỷ đồng, bằng 90,2% kế hoạch vốn; ước đến ngày 31/1/2024 (hết niên độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023), giải ngân đạt trên 95% kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm động lực bắt tay thực hiện nhiệm vụ giải ngân đầu tư công của năm mới 2024.

Trục đấu nối giữa tuyến tránh Quốc lộ 1 và tuyến đường Ðầm Dơi - Cà Mau tại địa bàn xã Hoà Thành, TP. Cà Mau. Ảnh: Trần Nguyên
Trục đấu nối giữa tuyến tránh Quốc lộ 1 và tuyến đường Ðầm Dơi - Cà Mau tại địa bàn xã Hoà Thành, TP. Cà Mau. Ảnh: Trần Nguyên

Nói về công tác đầu tư công năm 2024, ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, địa phương quyết tâm tập trung đầu tư xây dựng nhằm tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

Theo đó, cần tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư xây dựng để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; lựa chọn các dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hoá - xã hội.

Cà Mau quyết tâm trong năm 2024 hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án quan trọng, trọng điểm như: Dự án Ðầu tư hạ tầng chung các công trình lĩnh vực y tế; Dự án Ðầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đường Ðầm Dơi - Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi (đoạn từ cầu Thầy Chương đến cầu Thanh Tùng); tuyến trục Ðông - Tây và khởi công cầu Gành Hào; Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cà Mau - Ðầm Dơi (đoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến cầu Xóm Ruộng); Tiểu dự án 8: Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long...

Khởi công các dự án quy mô lớn thuộc Dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh Cà Mau; Dự án Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau...

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư Cà Mau, Sở Giao thông vận tải Cà Mauphối hợp với bộ, ngành Trung ương tăng tốc đạt tiến độ cao tốc Hậu Giang - Cà Mau; sớm triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh; nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Cà Mau; chuẩn bị triển khai tuyến cao tốc Cà Mau - Ðất Mũi (sau khi được bổ sung quy hoạch); mời gọi đầu tư xây dựng Dự án Cảng Hòn Khoai.

“Huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, các công trình giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng NTM và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức xã hội hoá. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và phương thức đầu tư khác, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh” là những vấn đề mà tỉnh Cà Mau tập trung quan tâm, tạo chuyển biến trong đầu tư công năm 2024, ông Nguyễn Ðức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Cà Mau, cho biết.

Trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Cà Mau ưu tiên nguồn vốn cho các công trình quan trọng mang tính đột phá gắn với kết nối, liên kết các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, các vùng ven biển, khu di tích lịch sử, khu du lịch... nhằm tạo không gian kinh tế hài hoà, khắc phục các "điểm nghẽn", thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Song song đó, xem trọng việc xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường đấu nối các cụm kinh tế ven biển, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư; các tuyến đường tại các đô thị đồng bộ các hạng mục giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, điện, cáp quang...; đầu tư các công trình cầu, đường giao thông nông thôn gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Ðược biết, dự kiến nguồn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh Cà Mau trên 3.200 tỷ đồng, khả năng sẽ có thêm nhiều nguồn đầu tư khác khi tỉnh phân bổ lại nguồn vượt thu.

Theo kế hoạch, đến hết quý I, giải ngân ít nhất 25% tổng kế hoạch vốn năm 2024 đã bố trí. Trong đó, các dự án, công trình chuyển tiếp phải giải ngân ít nhất 35% kế hoạch vốn; các dự án, công trình khởi công mới phải giải ngân ít nhất 20% kế hoạch vốn và phải hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư theo quy định để bắt đầu khởi công trong quý I.

Ðến hết quý II, giải ngân ít nhất 50% tổng kế hoạch vốn năm 2024 đã bố trí. Trong đó, các dự án, công trình chuyển tiếp phải giải ngân ít nhất 60% kế hoạch vốn; các dự án, công trình khởi công mới phải giải ngân đạt tối thiểu 40% kế hoạch vốn, đảm bảo toàn bộ các dự án, công trình đã khởi công.

Ðến hết quý III, giải ngân ít nhất 75% tổng kế hoạch vốn năm 2024 đã bố trí. Trong đó, các dự án, công trình chuyển tiếp phải giải ngân ít nhất 80% kế hoạch; các dự án, công trình khởi công mới phải giải ngân ít nhất 65% kế hoạch vốn. Và đến hết quý IV, tất cả các dự án, công trình phải đạt khối lượng hoàn thành tương đương với kế hoạch vốn năm 2024 đã bố trí và phải đảm bảo hoàn thành đầy đủ hồ sơ thanh toán để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 theo niên hạn giải ngân quy định.

Theo Trần Nguyên/ Báo Cà Mau