Cá tra Việt Nam nguy cơ mất lợi thế quốc gia
(Tài chính) Số phận con cá tra Việt Nam vẫn long đong ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU dẫn đến tình trạng trong năm 2014 số lượng DN xuất khẩu phi lê cá tra vào Mỹ đã giảm từ 30 xuống chỉ còn 8 công ty.
Theo thống kê của Hiệp hội cá tra Việt Nam, sản phẩm này đã xuất khẩu sang gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu năm 2014 đạt 1,76 triệu USD, tăng 0,4% so với năm 2013. Trong đó, giá trị xuất khẩu ở thị trường trọng điểm là Mỹ và EU đều giảm, nhưng giá trị xuất khẩu tăng ở một số thị trường khác như: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Columbia, Mexico. Qua đó cho thấy, cơ cấu thị trường nhập khẩu có sự thay đổi và xu hướng phân khúc sang thị trường mới nổi.
Ông Jean Charles Diener, Giám đốc Công ty Ofco Sorcing, một nhà nhập khẩu và phân phối cá tra Việt Nam tại châu Âu, nhận xét: “Người nuôi và các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận vì cá tra là sản phẩm gần như độc tôn của Việt Nam trên thị trường thế giới. Các nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ sẽ có thêm lợi nhuận, còn người tiêu dùng châu Âu chỉ cần bỏ thêm vài cent là có được sản phẩm với chất lượng tốt hơn, nếu Việt Nam có một chiến lược phát triển, quảng bá sản phẩm này trở thành loài cá nuôi tuyệt vời nhất trên thế giới”.
Thế nhưng một thực tế là, dù sở hữu nhiều lợi thế, nhưng số phận con cá tra Việt Nam vẫn mãi long đong. Các nhà phân phối tại châu Âu không đầu tư để phát triển thông tin cho cá tra, bởi đối với họ, kinh doanh cá tra không mang lại nhiều lợi nhuận. Giá cá tra chỉ ở mức 3-6 euro/kg trong khi các loài cá thịt trắng khác có giá lên tới 7-12 euro. Tuy nhiên, vì người châu Âu thích ăn cá tra nên nhà nhập khẩu buộc phải có loài cá này trên danh mục sản phẩm, nếu không muốn mất khách hàng. Thực tế này khiến cho các nhà phân phối châu Âu rơi vào thế khó xử, khi cá tra hiện chiếm rất nhiều diện tích trong kho lạnh cũng như vốn lưu động, trong khi lợi nhuận ngày càng giảm.
Còn tại Mỹ, cá tra là một sản phẩm lý tưởng với vị nhạt, mùi nhẹ, cơ thịt săn chắc, dễ chế biến được theo nhiều cách… Đó là lý do một số tập đoàn lớn như McDonald’s rất muốn phát triển cá tra Việt Nam, khi tìm kiếm sản phẩm mới. Cũng cần phải nói thêm, theo Hiệp hội thủy sản Mỹ, cá tra Việt Nam đã thay thế cá da trơn tại Mỹ và từ vị trí thứ 9 đã vươn lên vị trí thứ 6 trong 10 loại thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường này trong năm 2011.
Được người tiêu dùng yêu thích là thế, nhưng cá tra Việt Nam lại đang bị các nhà phân phối và nhà nhập khẩu “dè chừng”, vì không những giá rẻ, không mang lại lợi nhuận cao mà chất lượng sản phẩm cũng chưa tốt do có tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước trong cá) lớn. Việc gần đây Chính phủ đã đưa ra Nghị định 36 quy định tỷ lệ mạ băng bắt buộc trong sản xuất cá tra là muốn giữ chất lượng cho cá tra xuất khẩu, đảm bảo cho sự phát triển của sản phẩm này trong tương lai.
Trong vài năm trở lại đây, ngoài lý do bảo hộ thương mại, sản lượng vào Mỹ nhiều và mức giá rẻ đã khiến cho cá tra Việt Nam liên tục bị áp thuế chống bán phá giá. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến & xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện mức thuế phía Mỹ đang áp lên cá tra vào khoảng 0,97 USD/kg, khiến nhiều DN thủy sản không thể xuất khẩu vào thị trường này, vì thuế gần 1 USD/kg trong khi giá bán chỉ được hơn 3 USD/kg. Đây cũng chính là lý do khiến số lượng DN tham gia xuất khẩu cá tra philê vào thị trường này đã giảm từ gần 30 xuống còn 8, thậm chí từ giữa năm 2014 đến nay chỉ còn 3 DN có khả năng xuất khẩu vào Mỹ, do được hưởng mức thuế ưu đãi.
Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai An Giang, thì xuất khẩu cá tra gặp khó khăn không chỉ do thuế mà còn do kiểu kinh doanh ăn theo, các DN thi nhau cạnh tranh hạ giá, khiến cá tra bị ảnh hưởng rất lớn về chất lượng và giá thấp. Chính vì cạnh tranh không lành mạnh, các DN xuất khẩu cá tra cũng phải đối mặt với nguy cơ mất thị trường vào tay các đối thủ như Indonesia, Bangladesh vốn đang đầu tư nuôi và tính đến phương án xuất khẩu cá tra.
Hiện nay, ngoài 4 nước trong hạ lưu sông MêKông đã có nghề nuôi cá tra truyền thống là Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam, loài cá này đang được một số nước khác ở Đông Nam á như Philippines, Indonesia... đẩy mạnh sản xuất vì thấy được tiềm năng từ sản phẩm “vàng” của ngành thủy sản.
Chính bởi thực tế này, mà sản phẩm cá tra Việt Nam lâu nay được xem là “một mình một chợ” trên thị trường thế giới, nhưng nay đang đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh. Thị trường tiêu thụ chính đang giảm, các rào cản thương mại ngày càng tăng trong khi sự cạnh tranh không lành mạnh của chính DN, người nuôi làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cá tra xuất khẩu… Đây được xem như là hệ quả tất yếu tích tụ từ quá trình phát triển “nóng”.
Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, mục tiêu của tái cấu trúc ngành cá tra là cải thiện chất lượng, xây dựng hình ảnh mới cho ngành cá tra, lành mạnh hóa tài chính DN, gia tăng khả năng tiếp cận vốn trong toàn chuỗi, gia tăng độ sâu mỗi thị trường, xây dựng kênh phân phối để mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo đó, để thực hiện thành công chiến lược tái cơ cấu ngành cá tra, theo ông Lê Vĩnh Tân - Phó trưởng ban kinh tế trung ương, thì cần phải tiếp tục hoàn thiện căn bản các chính sách và thực hiện các giải pháp chủ yếu như, đánh giá việc tổ chức thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ về chế biến và xuất khẩu cá tra, trên cơ sở đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội cá tra Việt Nam, các đơn vị liên quan tiếp tục kiến nghị Chính phủ có các giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn.