Các giải pháp về thuế thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năm 2015
(Tài chính) Kết thúc năm 2014, các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp được đề ra trong Nghị quyết của Chính phủ số 63/2014/ NQ-CP ngày 25/8/2014 cơ bản đã được hoàn thành. Bài viết đề cập đến các nội dung đổi mới, tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp năm 2015.
Mở rộng diện không chịu thuế giá trị gia tăng, tạo thuận lợi cho nông nghiệp
Từ trước đến nay, chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được thiết kế theo hướng giảm tối đa mức động viên từ khu vực nông nghiệp, nông thôn: (i) Toàn bộ sản phẩm đầu ra của khâu sản xuất trực tiếp thuộc diện không chịu thuế GTGT; (ii) Các vật tư, nguyên liệu, dịch vụ đầu vào thiết yếu của nông nghiệp cũng không phải chịu thuế GTGT (như giống vật nuôi, cây trồng, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp... (iii) Một số hàng hóa, dịch vụ cho nông nghiệp được áp dụng thuế GTGT ở mức thấp 5% như máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp, phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh, chất kích thích tăng trưởng vật nuôi...
Năm 2015, theo quy định tại điều 3 Luật số 71/2014/QH13 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế), nhiều mặt hàng liên quan đến sản xuất nông nghiệp mà lâu nay áp dụng thuế suất GTGT ở mức thấp 5% được chuyển sang diện không chịu thuế như: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác. Các doanh nghiệp (DN) thực hiện việc sản xuất, cung ứng các mặt hàng này sẽ có cơ hội giảm giá bán, mở rộng thị trường.
Thuế thu nhập doanh nghiệp thông thoáng, ưu đãi cao cho doanh nghiệp
Tiếp theo các nội dung được sửa đổi căn bản tại Luật số 32/2013/QH13 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp - TNDN) về giảm mức động viên thuế xuống 22% và 20%, mở rộng diện các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, thực hiện ưu đãi thuế theo dự án đầu tư, khôi phục quy định về ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng và đầu tư sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp… từ năm 2015, Luật Thuế TNDN có nhiều thuận lợi hơn cho cộng đồng DN. Các nội dung mới được cộng đồng DN và nhà đầu tư đặc biệt quan tâm gồm:
Thứ nhất, về nghĩa vụ thuế đối với DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài: Việc sửa đổi lần này quy định minh bạch hơn, cụ thể hơn để các DN yên tâm đầu tư tại những nơi có cơ hội phát triển. Theo đó, các DN Việt Nam đầu tư ở nước ngoài có thu nhập chuyển về nước (sau khi đã nộp thuế theo luật pháp của nước ngoài) sẽ thực hiện theo quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết với các nước. Đối với DN hoạt động tại những nước chưa ký Hiệp định thuế với nước ta thì DN chỉ phải nộp phần chênh lệch nếu mức thuế suất thuế TNDN ở nước đầu tư thấp hơn thuế suất của Việt Nam; thu nhập được chuyển về từ những nước có mức thuế cao hơn Việt Nam thì đương nhiên DN không phải nộp.
Năm 2015 sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm và xoá bỏ thuế quan sâu hơn, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), ASEAN - Trung Quốc và ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam phải đẩy nhanh mức độ cắt giảm thuế để bước vào thời điểm xóa bỏ thuế quan vào năm 2018.
Thứ hai, về chi phí được trừ: Điểm nhấn chú ý nhất trong nội dung sửa đổi này là gỡ bỏ hoàn toàn giới hạn đối với khoản chi về quảng cáo, tiếp thị, phát triển thị trường. DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế tất cả các khoản mà DN chi ra, có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN khi có đầy đủ chứng từ hoặc hoá đơn hợp pháp. DN cũng được tính vào chi phí được trừ đối với các khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp, khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, áp dụng quy định đặc biệt và toàn diện đối với thu nhập của DN từ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn theo nguyên tắc: Hợp tác xã (HTX) được ưu tiên cao hơn DN; Hoạt động tại vùng khó khăn được ưu đãi hơn vùng thuận lợi; Thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thuỷ sản cũng được ưu đãi ngang bằng với ưu đãi cho hoạt động trồng trọt, chăn nuôi tạo ra sản phẩm chưa qua chế biến, cụ thể là:
+ Miễn thuế TNDN đối với: Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của HTX; thu nhập của HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn đặc biệt khó khăn; Thu nhập của DN từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản.
+ Áp dụng mức thuế ưu đãi 10% (mức thuế thấp nhất) trong suốt thời gian hoạt động đối với thu nhập của DN từ: Trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; nuôi trồng lâm sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi...
+ Mức thuế suất ưu đãi 15% (mới) đối với thu nhập của DN trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc không thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn.
Thứ tư, mở rộng diện áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm đối với thu nhập của DN được tạo ra từ các dự án đầu tư mới thuộc các trường hợp sau:
+ Dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí: (i) Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; hoặc (ii) Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: Dệt may; da giầy; điện tử tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01/01/2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu (EU) hoặc tương đương. Chính phủ sẽ quy định Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển để áp dụng ưu đãi.
+ Dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ; thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm kể từ ngày được phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên, các dự án có cùng quy mô nhưng đầu tư vào sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án khai thác khoáng sản thì không được hưởng ưu đãi này.
Thứ năm, nhằm tạo thuận lợi cho công tác điều hành, kịp thời nắm bắt cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, các dự án sản xuất có tác động lan toả trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng miền và cả nước… Luật Sửa đổi lần này quy định rõ Thủ tướng Chính phủ được quyền quy định việc kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đến 15 năm (tổng thời gian áp thuế suất 10% tối đa đến 30 năm) đối với các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng; sử dụng công nghệ được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ; thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm; đồng thời, dự án này đáp ứng một trong các tiêu chuẩn:
(i) Dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh toàn cầu, doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm chậm nhất sau 5 năm kể từ khi có doanh thu từ dự án đầu tư;
(ii) Dự án sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động;
(iii) Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực hạ tầng kinh tế kỹ thuật như: Đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước, cầu, đường bộ, đường sắt...
Thứ sáu, Luật Thuế TNDN bổ sung quy định về bảo đảm ưu đãi thuế TNDN ở mức thuận lợi nhất mà DN có quyền lựa chọn áp dụng khi các quy định phát luật có thay đổi. Theo đó, DN có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định của pháp luật thuế TNDN tại thời điểm cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trường hợp pháp luật thuế TNDN có thay đổi mà DN đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung thì DN được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi về thuế suất và về thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp phép hoặc theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung cho thời gian còn lại.
Thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu
Ngoài Hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã tham gia ký kết 7 Hiệp định khác về khu vực mậu dịch tự do. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc cam kết về thuế nhập khẩu trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam giai đoạn 2015-2018.
Tính đến năm 2014, mức độ tự do hóa trong khu vực ASEAN đạt tỷ lệ cao nhất với khoảng 75% số dòng thuế nhập khẩu đã được cắt giảm xuống mức thuế suất 0%. Các FTA khác mà Việt Nam tham gia đạt tỷ lệ tự do hóa thấp hơn so với ASEAN, trung bình khoảng 30-40% số dòng thuế. Trong khi đó, mức độ tự do hóa của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi chung theo cam kết WTO ở mức 32%.
Năm 2015 sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm và xoá bỏ thuế quan sâu hơn, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), ASEAN - Trung Quốc và ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam phải đẩy nhanh mức độ cắt giảm thuế để bước vào thời điểm xóa bỏ thuế quan vào năm 2018. Theo cam kết, Việt Nam tiếp tục công bố lộ trình cắt giảm thuế quan của các FTA cho giai đoạn 2015 – 2018 thông qua việc ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện ưu đãi thuế quan đặc biệt trong các FTA. Các DN cần chủ động xây dựng phương án kinh doanh, chủ động đầu tư để có thể đạt hiệu quả cao nhất khi Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về mở cửa thị trường.
Quy định mới về quản lý thuế
Kế thừa các quy định và kết quả đạt được trong năm 2014, những nội dung mới của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ năm 2015 đang được Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn và triển khai thực hiện, bao gồm:
Một là, quy định rõ hồ sơ khai nộp thuế là Tờ khai thuế và những giấy tờ cần đi kèm tờ khai. Căn cứ tình hình thực tế và điều kiện trang bị công nghệ thông tin, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thời hạn nộp thuế phù hợp với quy mô, năng lực quản trị của người nộp thuế...
Điểm đáng được ghi nhận là trước khi trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý thuế, Chính phủ đã có Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014, Bộ Tài chính ban hành các Thông tư số 119/2014/ TT-BTC và số 151/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi căn bản các loại tờ khai, mẫu biểu trong hồ sơ khai thuế và sửa các quy định tại 7 Thông tư khác về các thủ tục mà lâu nay gây phiền hà cho người nộp thuế. Trong đó, những cơ sở có mức doanh thu năm từ 50 tỷ đồng trở xuống sẽ thực hiện khai thuế GTGT theo quý (khai nộp 4 kỳ/năm) thay vì khai nộp hàng tháng (12 kỳ/năm) như trước đây. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới việc sửa đổi thủ tục, giấy tờ khai thuế đến cuối năm 2014 theo các văn bản trên đây, thời gian khai thuế đã được rút ngắn so với trước khoảng 300 giờ.
Hai là, sửa đổi quy định về đồng tiền nộp thuế và tỷ giá hối đoái để tính thuế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ: Người nộp thuế xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế và các khoản thuế nộp NSNN bằng VND, trừ trường hợp nộp thuế bằng ngoại tệ theo quy định của Chính phủ. Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ hoặc người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp bằng ngoại tệ nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nộp thuế bằng VND, thì quy đổi ngoại tệ ra VND theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh.
Với quy định mới, DN tiết kiệm được nhiều thời gian và nhân lực do không cần phải sử dụng 2 hệ thống sổ sách để theo dõi, hạch toán theo 2 loại tỷ giá đối với các giao dịch bằng ngoại tệ. Qua đó, DN có cơ hội tăng cường hạch toán kinh tế, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng quản trị, giảm được nhiều rủi ro và gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ba là, sửa quy định về nộp chậm tiền thuế: Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế phải trả tiền chậm nộp thuế theo tỷ lệ 0,05% mỗi ngày (18%/năm) đối với số tiền thuế chậm nộp trong thời gian đến 90 ngày; trường hợp thời gian chậm nộp dài hơn thì kể từ ngày thứ 91 trở đi sẽ tính tiền chậm nộp theo tỷ lệ 0,07%/ngày (21%/năm). Qua theo dõi cho thấy khi lãi suất được giảm đáng kể thì tỷ lệ nộp chậm nêu trên rất khó khả thi, tạo thêm gánh nặng cho những DN thực tế đang có khó khăn trong việc nộp thuế, bởi vì nghĩa vụ thuế được tính theo thời điểm phát sinh giao dịch hoá đơn mà không tính theo dòng tiền thực tế chưa thu được. Để phù hợp với thực tế, giảm bớt khó khăn cho DN cũng như bảo đảm tính khả thi, từ năm 2015 chỉ áp dụng thống nhất tỷ lệ 0,05%/ ngày (xoá bỏ tỷ lệ 0,07%/ngày).