Mỹ: Tăng trưởng vững chắc
Quý I/2014, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ có tăng trưởng âm 2,1% do trận bão tuyết lớn làm tê liệt hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, quý II/2014 và quý III/2014, nền kinh tế này cho thấy sự tăng trưởng rất mạnh với mức tăng GDP (theo quý) tương ứng là 4,6% và 5%, mức tăng trưởng cao nhất trong hơn một thập kỷ. Việc làm tại Mỹ cũng gia tăng khá mạnh (321.000 việc làm mới trong tháng 11 so với 243.000 trong tháng 10), thất nghiệp vẫn duy trì thấp nhất trong 6 năm (ở mức 5,8%). Những nhận định gần đây cho thấy thất nghiệp có khuynh hướng giảm rất rõ trong thời gian tới vì tăng trưởng tiếp tục mạnh mẽ.
Chỉ số PMI của Mỹ tăng dần từ mức 50 đến 60 điểm trong năm 2014 cho thấy, khu vực công nghiệp chế tạo tăng trưởng rất vững chắc. Trận bão tuyết tồi tệ trong lịch sử hồi cuối 2013 đã gây ra sự sụt giảm chỉ số này vào thời điểm đó cũng như đầu năm 2014. Tuy nhiên, chỉ số này sau đó mạnh lên liên tục cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp chế tạo ở Mỹ tăng trưởng rất tốt, bất chấp nhiều biến động trong năm.
Chỉ số bán lẻ tại Mỹ cũng cho thấy sự tăng trưởng chắc chắn ở mức ngang với mức đỉnh trước khủng hoảng (5%). Chỉ số nhà ở S&P Case-Shiller Index (toàn nước Mỹ) cũng tăng liên tục từ điểm đáy hồi tháng 1/2012 là 134,05 điểm lên 167,49 điểm vào tháng 9/2014 (tăng 25%), so với mức đỉnh 184,22 điểm vào tháng 9/2006, trước khủng hoảng tài chính 2008.
Thị trường nhà ở ổn định, GDP tăng trưởng tốt, việc làm gia tăng sẽ là những yếu tố hết sức quan trọng cho tiêu dùng vì cán cân tài chính của các hộ gia đình Mỹ được đảm bảo sẽ thúc đẩy họ chi tiêu chắc chắn hơn. Thêm vào đó, giá dầu thấp cũng giúp tăng trưởng tiêu dùng. Rồi tiêu dùng, đến lượt nó, có vai trò hết sức quan trọng trong tăng trưởng ở Mỹ vì chiếm tới 72% GDP của nước này.
Thâm hụt ngân sách Mỹ cũng đã xuống rất thấp, còn 2,8% của GDP. Như vậy, Mỹ là nước duy nhất giải quyết được hai vấn đề nợ công và phục hồi tăng trưởng cùng một lúc.
Với những tiến bộ trông thấy, ngày 19/12/2014, Bộ Tài chính Mỹ đã bán nốt số cổ phiếu còn lại được mua từ tiền trợ cấp theo chương trình giải cứu khủng hoảng (TARP) từ năm 2008, đem về một khoản lãi 15,3 tỷ USD. Đây là số tiền cứu trợ ba “ông lớn” ôtô GM, Ford và Chrysler và một số công ty tài chính trong tình trạng sắp phá sản hồi khủng hoảng 2008.
Tóm lại, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi chắc chắn trong năm 2014 và sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng này trong năm 2015. Ngày 3/12/2014, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh giá rằng các động thái kinh tế Mỹ hiện nay là tích cực. Theo đó, dự báo chính sách tiền tệ của Fed sẽ có chuyển biến từ tiếp tục thu hẹp tiến tới ngừng kích thích. Giá vàng và dầu từ lý do này sẽ chịu áp lực giảm trong năm 2015.
Châu Âu: Phục hồi yếu ớt
Ba nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức, Pháp và Italy vẫn phục hồi yếu ớt. Đức vừa mới tránh được suy thoái, Pháp mới có quý tăng trưởng dương đầu tiên trong năm 2014, Italy vẫn chưa có được quý nào tăng trưởng kể từ năm 2011.
Tính theo quý, Italy tăng trưởng âm trong năm 2014 (quý I tăng trưởng 0%, quý II âm 0,2%, quý III âm 0,1%); Đức may mắn thoát khỏi suy thoái khi quý II tăng trưởng âm 0,1% và quý III là 0,1%; còn Pháp quý I tăng trưởng 0%, quý II âm 0,1% và quý III là dương 0,3%.
Điểm đáng nghi nhận là Hy Lạp, nước chịu hậu quả nặng nề của khủng hoảng nợ công, đã có tăng trưởng 0,7% trong năm 2014, Tây Ban Nha cũng có mức tăng trưởng 0,5% trong quý III/2014. Điều này cho thấy những cải cách ở các nước gọi là ngoại vi đã bắt đầu phát huy tác dụng. Chi phí vay của các chính phủ giảm sâu cho thấy lòng tin các nhà đầu tư tăng lên. Chính sách kích thích của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nếu được thực thi như dự định sẽ có tác dụng mạnh mẽ trong năm 2015. Điều này có thể đem lại sự tin tưởng rằng cuộc khủng hoảng nợ công tạm thời đã lắng xuống.
Thị trường lao động tại châu Âu đã có một số chuyển biến tốt trong năm 2014, mặc dù thất nghiệp vẫn cao (24% ở Tây Ban Nha, 26% ở Đan Mạch). Đầu tư trong năm 2014 và việc thuê mướn lao động đang có dấu hiệu tăng lên. Thêm vào đó lòng tin của các nhà đầu tư cũng tăng. Tất cả đã tiếp thêm sức cho việc tăng tiêu dùng các hộ gia đình châu Âu được dự báo tăng từ 0,7% năm 2014 lên 1,3% trong năm 2015, và 1,4% trong khoảng từ 2014-2016.
Giá dầu thấp đã và đang giúp các doanh nghiệp châu Âu giảm chi phí. Sự cân bằng hơn trong khu vực tài chính ngân hàng sẽ là những điểm tích cực trong năm 2015 của khu vực châu Âu. Dự báo, tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone là 0,8% năm 2014 sẽ tăng lên 1,2% trong năm 2015 và 1,6% năm 2016. Xuất khẩu dự báo sẽ tăng 3,7% năm 2015 và 4% năm 2016 nhờ đồng euro thấp và sự ổn định ở Mỹ và Anh quốc. Các chính sách tiền tệ và giải cứu khu vực ngân hàng đã làm cho khu vực này ổn định hơn, sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế thực.
Dù triển vọng trong năm 2015 là khá tốt nhưng những rủi ro và trở ngại đối với khu vực châu Âu vẫn còn. Rủi ro lớn mà khu vực này vẫn phải đương đầu là vấn đề nợ công. Hiện có 7 nước thành viên EU có mức nợ công 90% GDP, và 10 nước có mức nợ công trên 100% GDP. Điều này làm cho khả năng can thiệp bằng chính sách tài chính của chính phủ nếu có cú sốc nào xảy ra là rất thấp.
Tăng trưởng yếu ớt của khu vực Eurozone thời gian qua một phần cũng là do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhưng đến nay những tác động này dường như không lớn tới mức gây sốc cho quá trình phục hồi của khu vực.
Tóm lại, châu Âu có một số tín hiệu phục hồi nhưng không đáng kể, tăng trưởng vẫn yếu ớt. Những cải cách ở khu vực ngoại vi đã phát huy tác dụng nhưng ở các nước trung tâm vẫn chưa có những cải cách cơ cấu đáng kể nào. Khu vực này dựa quá nhiều vào chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mà không quan tâm đến cải cách cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, kém linh hoạt nên triển vọng mặc dù có nhưng không lớn.
Trung Quốc: Giảm tốc nhanh hơn
Ngày 21/11/2014, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ bản từ mức 6%/năm xuống mức 5,6%. Trước đó, ngày 22/4/2014, ngân hàng này đã cắt giảm mức dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nông nghiệp nông thôn 2%, giảm mức dự trữ bắt buộc đối với các hợp tác xã tín dụng. Mục đích của đọng thái này là kích thích tăng trưởng ở các vùng nông nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp đó, ngày 17/9/2014, ngân hàng trung ương nước này đã bơm 81 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng (5 ngân hàng lớn nhất) nhằm gia tăng tín dụng.
Những động thái mở rộng tiền tệ liên tiếp, đặc biệt là việc hạ lãi suất gây ngạc nhiên lớn cho thấy những bất ổn trong cân bằng vĩ mô của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẵn sàng chấp nhận giảm tốc tăng trưởng dưới 7,5%/năm, kể cả ở mức 7%, để tái cấu trúc nền kinh tế.
Nếu nhìn vào nền kinh tế thực thì rõ ràng tăng trưởng ở Trung Quốc là vấn đề quan ngại. Chỉ số PMI tháng 11/2014 mà Chính phủ nước này công bố đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng (ở mức 50,3 điểm, thấp hơn mức dự báo 50,5 điểm). Việc Chính phủ Trung Quốc ra lệnh đóng cửa một số xí nghiệp ở Bắc Kinh và 5 tỉnh lân cận để giảm ô nhiễm môi trường trong dịp Hội nghị Thượng đỉnh APEC đã góp phần trong sự sụt giảm này. Theo số liệu của HSBC thì chỉ số PMI của khu vực chế tạo Trung Quốc trong tháng 12/2014 xuống thấp nhất 7 tháng, ở mức 49,5 điểm (chỉ số này trên 50 điểm chỉ báo tình trạng mở rộng, phát triển; dưới 50 điểm chỉ báo tình trạng đang thu hẹp, sụt giảm). Sự sụt giảm này đã gây lo ngại rằng chiều hướng giảm tốc nền tăng trưởng ở Trung Quốc là khá nhanh bất chấp những nỗ lực kích thích trước đó của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Quan trọng hơn, hiện có khá nhiều rủi ro lớn trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Rủi ro lớn nhất được cho là sự bất ổn của thị trường bất động sản quá thừa cung, giá đang giảm, đầu tư cũng giảm.
Bùng nổ xây dựng đã giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo tính toán của JPMorgan thì khu vực bất động sản và dịch vụ liên quan chiếm tới 20% GDP, và chỉ riêng đầu tư vào bất động sản chiếm tới 15% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2013. Các nhà phân tích lo ngại khu vực này có quy mô lớn, lại liên quan chặt đến khu vực tài chính, chế tạo, dịch vụ nên nếu có bất trắc thì hệ lụy là vô cùng lớn.
Tình trạng nợ công ty ở Trung Quốc hiện cũng đã lên tới 14,2 nghìn tỷ USD, trong đó phần không nhỏ là nợ xấu. Nợ chính quyền địa phương ở nước này cũng ở mức báo động. Nhiều nhà phân tích lo ngại Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc bán trái phiếu tổng trị giá 90 tỷ USD để trả nợ (đến hạn năm 2015). Bên cạnh đó, còn nhiều rủi ro khác cũng được dự báo sẽ xuất hiện trong nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2015, tuy nhiên, hiện chính quyền Trung Quốc vẫn đủ khả năng kiểm soát được tình hình.
Nhật Bản: Suy thoái do sai lầm chính sách
Nhật Bản đã chính thức suy thoái sau hai quý tăng trưởng âm (quý II/2014 tăng trưởng âm 1,9% và quý III âm 0,5% (tính theo quý). Những sự sụt giảm này bắt nguồn từ sụt giảm trong tiêu dùng. Tiêu dùng sụt giảm từ quý II lại do việc tăng thuế bán hàng từ mức 5% lên 8%.
Việc tăng thuế tiêu dùng ngay khi những kích thích tăng trưởng có dấu hiệu tốt được cho là sai lầm về chính sách của Chính phủ Nhật Bản. Động thái này thể hiện sự quá nôn nóng muốn có thành công kép là vừa có tăng trưởng, lại vừa giải quyết được nợ công như của Mỹ. Thực tế này buộc chính quyền ông Abe phải lui kế hoạch tăng thuế tiếp theo trong một thời gian nữa.
Tuy nhiên, quý IV/2014 được dự báo là quý Nhật Bản sẽ có tăng trưởng nhẹ ở mức 1,9%. Số liệu từ hệ thống ngân hàng của nước này cho thấy mức cho vay, không kể tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã tăng mạnh trong tháng 10 ở mức 2,8%, mức mạnh nhất kể từ tháng 5/2009.
Đồng Yên yếu được xem là “liều thuốc” thúc đẩy quan trọng đối với các công ty Nhật Bản và đầu tư của nước này. Bên cạnh việc hoãn nâng thuế tiêu dùng lần hai, Chính phủ của Thủ tướng Abe dự định sẽ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 2,5% trong năm 2015, xuống mức thấp hơn 30% nhằm khuyến khích gia tăng đầu tư trong nỗ lực thoát khỏi suy thoái. Song song với kế hoạch trên, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tăng lương nhanh hơn mức lạm phát.
Việc ông Abe thắng cử vang dội cho thấy chiến lược kích thích kinh tế Nhật Bản sẽ được thực hiện quyết liệt hơn trong thời gian tới. Giá dầu giảm làm lạm phát mục tiêu của Nhật khó đạt trong ngắn hạn nhưng dài hạn sẽ có lợi vì tiêu dùng sẽ tăng nhanh, từ đó lạm phát sẽ tăng theo.
Bên cạnh đó, chiến thắng của ông Abe sẽ đảm bảo cho kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 25 tỷ USD trong đầu năm 2015. Khoản kích thích này nhằm bù đắp cho những người chịu thiệt hại từ vụ tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4/2014 bằng các thẻ trợ cấp mua hàng hóa trực tiếp cho họ, đồng thời giảm bớt những gánh nặng cho các nhà kinh doanh nhỏ, phụ thuộc vào nhập khẩu do đồng yên mất giá.
Những điểm chưa được đề cập nhiều trong chính sách kinh tế trước đây của ông Abe (Abenomics) như nâng cao quản trị công ty, các hoạt động thôn tính sáp nhập tích cực hơn nhằm tái cấu trúc kinh tế, hay sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động dự kiến sẽ có những cải cách mang lại nhiều thay đổi đột phá cho nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2015.
Các nước BRICS (không kể Trung Quốc) mất động lực, Nga sẽ khủng hoảng
Brazil là nước có nền kinh tế lớn thứ hai BRICS (GDP: 2.246 tỷ USD) cho thấy, sự sa sút nhanh chóng trong tăng trưởng. Nếu tính theo năm thì nước này đang trong suy thoái với tăng trưởng hai quý liên tiếp là quý II/2014 âm 0,9% và quý III âm 0,2%. Còn nếu tính theo quý thì hai quý đầu đều âm 0,2% và 0,6%, quý III dương 0,1%. Tuy nhiên, tính theo cách nào thì cũng có thể coi năm 2014 là năm suy thoái của kinh tế Brazil. Lạm phát ở Brazil ở mức 6,59% trong tháng 10/2014, vượt mức trần mục tiêu của ngân hàng trung ương là 6,5%. Cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, chậm cải cách, nạn tham nhũng hoành hành và đặc biệt trông cậy nhiều vào dầu lửa trong khi giá dầu giảm sâu là những nguyên nhân giải thích sự yếu kém của nền kinh tế này.
Nga là nền kinh tế lớn thứ ba trong khối BRICS (GDP: 2.097 tỷ USD). Nền kinh tế này đang đối mặt với suy thoái nặng nề và khủng hoảng tài chính trong năm 2015 do lệnh cấm vận từ phương Tây và giá dầu sụt giảm mạnh. Dự báo, nền kinh tế này tăng trưởng 0% trong năm 2014 và suy thoái sâu trong năm 2015.
Nền kinh tế Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ tư của khối BRICS (GDP: 1.877 tỷ USD) chưa cho thấy có sự thay đổi đáng kể nào sau khi Tổng thống mới - ông Modi lên nắm quyền (tháng 5/2014). Nền kinh tế này thậm chí còn cho thấy sự giảm tốc về cuối năm. Tăng trưởng GDP tính theo năm quý I/2014 đạt 4,6%, quý II là 5,7% nhưng quý III giảm còn 5,3%. Khu vực công nghiệp chế tạo kém phát triển được cho yếu tố yếu kém nhất và là nguyên nhân của tăng trưởng thấp ở Ấn Độ. Khu vực quan trọng này chỉ tăng trưởng có 0,1% tính đến hết quý III. Đặc biệt, nhiều phần quan trọng của cải cách kinh tế bị chậm chễ, trong đó nạn quan liêu, tham nhũng gây mất nhiều thời gian và khó khăn cho các nhà đầu tư vẫn chưa có những tiến bộ đáng kể nào. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn hy vọng và trông đợi những cải cách cơ cấu quan trọng sẽ được chính phủ ông Modi tiến hành trong năm 2015.
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.tradingeconomics.com;
2. http://www.bloomberg.com;
3. http://us.spindices.com;
4 http://money.cnn.com;
5. http://www.economist.com.
Các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới: Tăng trưởng 2014 và triển vọng 2015
(Tài chính) Năm 2014 qua đi ghi nhận mức tăng trưởng không đồng đều ở các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Dự báo, năm 2015, tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ vững chắc hơn, khu vực châu Âu chưa có nhiều đột phá, triển vọng của Nhật Bản là lạc quan. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ có một số bất ổn trong khu vực tài chính, khối các nước BRICS sẽ gặp nhiều khó khăn…
Xem thêm