Ngân hàng Thế giới:

Các nền kinh tế Đông Á, Thái Bình Dương phục hồi không đồng đều

Theo Thu Thủy/congthuong.vn

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào cuối tháng 3/2021, một năm sau khi đại dịch bùng phát, các nền kinh tế đang phát triển tại Đông Á và Thái Bình Dương đang phải đối mặt với sự phục hồi không đồng đều.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trừ Trung Quốc, Việt Nam đang phục hồi theo hình chữ V, các nền kinh tế lớn còn lại tăng trưởng thấp hơn bình quân giai đoạn trước Covid-19 khoảng 5%.

Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất đều là các quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương. Các kết quả kinh tế đều đang phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của từng quốc gia, khả năng tận dụng các con đường giao thương quốc tế và các chính sách tài khoá của chính phủ.

Năm 2020, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, tỷ lệ xoá đói giảm nghèo đã chững lại. Ước tính có khoảng 32 triệu người không thoát nghèo (thu nhập dưới 5,5 USD/ngày) do đại dịch.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương của  WB - nhận xét: "Khi bước vào giai đoạn phục hồi năm 2021, các quốc gia cần hành động khẩn trương để phòng vệ cho những người dễ bị tổn thương, đồng thời phải đảm bảo phục hồi bao trùm, xanh và bền vững".

Theo báo cáo của WB, tăng trưởng của khu vực Đông Á, Thái Bình Dương dự kiến đạt 7,5% trong 2021 so với khoảng 1,2% năm 2020. Tuy nhiên, tổ chức này đánh giá, nhiều khả năng sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra với 3 tốc độ khác nhau.

Theo đó, tăng trưởng của Trung Quốc và Việt Nam trong năm 2021 dự kiến ở mức 8,1% và 6,6% so với 2,3% và 2,9% năm 2020. Các nền kinh tế lớn còn lại sẽ chỉ tăng trưởng bình quân ở mức khoảng 4,6%, thấp hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng trước khủng hoảng do vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Bên cạnh đó, sự phục hồi của các nền kinh tế quốc đảo vốn phụ thuộc vào du lịch dự kiến đặc biệt khó khăn.

Báo cáo của WB cũng ước tính gói kích cầu của Mỹ có thể nâng tốc độ tăng trưởng năm 2021 của các quốc gia trong khu vực thêm 1 điểm phần trăm. Đồng thời, gói kích cầu này cũng sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi lên khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, trong trường hợp vaccine bị triển khai chậm, một số quốc gia có thể giảm tăng trưởng 1 điểm phần trăm.

WB cũng kêu gọi các hành động ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ nền kinh tế và phục hồi “xanh”. Tổ chức này cảnh báo, với nguồn dự trữ và phân bổ vaccine như hiện tại, tỉ lệ tiêm chủng tại các quốc gia phát triển sẽ đạt 80% dân số vào cuối năm 2021, trong khi đó tại các nước đang phát triển, tỉ lệ này chỉ vào khoảng 55%.

Tại các nước thuộc khu vực Thái Bình Dương, các gói kích cầu vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn tốc độ giảm cầu và chính phủ vẫn chưa coi đầu tư công là một yếu tố quan trọng để phục hồi kinh tế. Mặt khác, các biện pháp phục hồi “xanh” vẫn chưa được ưu tiên: chỉ có 25% các biện pháp phục hồi thân thiện với môi trường.

Trong báo cáo của mình, WB cũng kêu gọi các quốc gia hợp tác để sản xuất và phê duyệt vaccine, đồng thời phân bổ dựa trên nhu cầu của từng quốc gia để kiểm soát dịch bệnh. Mặt khác, cần phải có chính sách điều phối tài khoá tập thể và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để giảm phát thải cũng như có các hành động đối phó với biến đổi khí hậu.