Các ngân hàng đang có sự phân hoá về tăng trưởng
Theo báo cáo mới đây của Côn ty chứng khoán VDSC, thì việc tín dụng tăng tốc đang trở thành động lực cho tăng trưởng của các ngân hàng.
Cụ thể, kết thúc quý I/2016, tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đạt 26.795 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ), trong đó thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng khá mạnh (28%) nhưng chỉ đóng góp khoảng 8% trong cơ cấu thu nhập của 9 ngân hàng niêm yết. Thu nhập từ lãi, ngược lại tăng trưởng khoảng 12% so với cùng kỳ nhưng đóng góp hơn 82% trong tổng thu nhập.
Như vậy, với thu nhập từ lãi đóng góp trung bình khoảng 81% (2010 – 2015) tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng thì tăng trưởng tín dụng vẫn là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của các ngân hàng.
Nhìn tổng thể, kết thúc giai đoạn 1 (2012 – 2015) của lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là xử lý nợ xấu đã bước đầu đạt được kết quả. Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống được đưa về mức 2,55% vào cuối năm 2015, phần lớn những khoản nợ này được tách khỏi bảng cân đối của các ngân hàng và chia nhỏ thời gian để xử lý.
Mặc dù khả năng thu hồi nợ sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cả nội lực của ngân hàng cũng như ngoại lực là khả năng phục hồi của nền kinh tế, thì ít nhất là các ngân hàng đã gác được mối vướng bận về những khoản “nợ quá xấu” ảnh hưởng đến các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như chất lượng tài sản, để tập trung đẩy mạnh kinh doanh.
Như vậy, trong một chừng mực nhất định thì có thể xem các tồn đọng về nợ xấu và các vấn đề đi kèm sẽ được xử lý hàng năm và có thể kéo dài từ 5 – 7 năm (tính từ năm 2013). Do đó, thị trường có thêm góc nhìn tích cực về tốc độ hồi phục lợi nhuận của các ngân hàng.
Mặc dù vậy, với nhu cầu đầu tư cao, cũng như chi phí xử lý các tồn đọng trong quá trình tái cấu trúc (nợ xấu, chất lượng quản trị, nguồn vốn…), thì khó có thể kỳ vọng hoạt động của các ngân hàng sẽ được cải thiện một cách thật mạnh mẽ.
Đặt trong bối cảnh Chính phủ đang thể hiện rõ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có nhiều giải pháp hỗ trợ các lĩnh vực sản xuất, ngành nghề kinh doanh phục hồi, giới phân tích kỳ vọng việc xử lý các vấn đề tồn đọng của ngành Ngân hàng sẽ đi đúng kịch bản đã được cơ quan chủ quản đề ra.
Theo đó, sẽ không có sự tăng trưởng/phục hồi đồng đều giữa các ngân hàng. Thay vào đó là sự phân hóa, trong đó các ngân hàng đã hoàn thành cơ bản đề án tái cấu trúc sẽ có lợi nhuận tăng trưởng bền vững; ngược lại, những ngân hàng mới bắt tay thực hiện tái cấu trúc sẽ cần thêm thời gian để có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình trước khi tính đến bài toán phát triển.
Đơn cử, đến cuối quý I/2016, quan sát số liệu của các ngân hàng niêm yết, giới phân tích nhận thấy mức tăng trưởng có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng, trong đó EIB và NVB là hai ngân hàng có tăng trưởng thấp hơn trung bình hệ thống. VCB và ACB là hai ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất.
Và như vậy, trong năm 2016 cũng như vài năm tới, lợi nhuận của ngành Ngân hàng, nhìn chung, chỉ có thể duy trì mức tăng trưởng ổn định và khó có đột biến trước năm 2019.