Giải pháp tín dụng ngân hàng cho xây dựng nông thôn mới

PGS.,TS. Nguyễn Đắc Hưng

Xác định rõ vai trò của giải pháp vốn tín dụng ngân hàng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp, hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp - nông thôn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vai trò của các ngân hàng thương mại trong phục vụ xây dựng nông thôn mới

Đến hết năm 2015, hệ thống ngân hàng thương mại 100% vốn của Nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng chi phối ở nước ta bao gồm 4 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, (đã sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long). Bên cạnh đó có Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chuyên cho vay các hộ nghèo, hộ vay vốn giải quyết việc làm và hộ vay vốn theo các chính sách khác.

Trong những năm đổi mới nói chung và giai đoạn tập trung xây dựng nông thôn mới gần đây (2011 - 2016) nói riêng, kinh tế nông thôn và hộ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp cung cấp một khối lượng lớn hàng hoá cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, đặc biệt nhiều mặt hàng cho kim ngạch xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó, đời sống của người nông dân và bộ mặt nông thôn có những chuyển biến căn bản. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự hỗ trợ vốn tín dụng cho lĩnh vực kinh tế rộng lớn này. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ước tính đến hết năm 2015, dư nợ cho vay các xã trên địa bàn toàn quốc đạt 610.000 tỷ đồng. Có khoảng 8,25 triệu khách hàng đang dư nợ, chủ yếu là hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, đánh bắt và chế biến hải sản, làm dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn. Như vậy, tính chung trong giai đoạn 2011 - 2015, dư nợ cho vay tăng thêm các xã trên địa bàn toàn quốc của ngành ngân hàng đạt 387.557 tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng số vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh số vốn cho vay, các ngân hàng thương mại trong nước, các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam còn hỗ trợ vốn không hoàn lại cho các xã xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống cung cấp nước sạch ở nông thôn, trường học, cơ sở y tế, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hồ chứa nước và bể chứa nước sạch cho đồng bào vùng cao, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, cung cấp đồ dùng và trang thiết bị phòng học, trạm y tế… với tổng số tiền tính đến hết tháng 9-2015 là 3.864 tỷ đồng. Tính chung đã có 49 tổ chức tín dụng đăng ký nhận hỗ trợ kinh phí cho 44 tỉnh, 32 huyện, 149 xã xây dựng nông thôn mới với các nội dung và mục tiêu cụ thể.

Triển khai các chính sách lớn trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của toàn ngành ngân hàng

Về cho vay thu mua lúa gạo, đây là lĩnh vực đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho nền kinh tế, liên quan đến việc làm và thu nhập của hàng triệu hộ nông dân. Riêng năm 2015, xuất khẩu gạo của cả nước đạt 6,568 triệu tấn, trị giá FOB là 2,68 tỷ USD và tăng trên 200.000 tấn so với năm 2014. Do đó, việc đáp ứng kịp thời về vốn cho lĩnh vực này có tác động tích cực nhiều chiều, đặc biệt là bảo đảm giá thu mua lúa gạo cho hộ nông dân, cũng như chiến lược phát triển ngành này của quốc gia. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2015, các ngân hàng thương mại đã đạt doanh số cho vay thu mua lúa gạo lên tới 99.300 tỷ đồng, riêng doanh số cho vay tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đạt 74.000 tỷ đồng. Dư nợ lĩnh vực này đến hết năm 2015 đạt 34.300 tỷ đồng. Trước đó, năm 2014, các ngân hàng thương mại đã đạt doanh số cho vay thu mua lúa gạo lên tới khoảng 94.300 tỷ đồng, trong đó riêng doanh số cho vay tại các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 73.000 tỷ đồng, chiếm tới 77% doanh số cho vay lĩnh vực này trong toàn quốc. Doanh số cho vay mua lúa gạo tạm trữ vụ Đông Xuân 2014 - 2015 đạt 8.292 tỷ đồng, đạt 99% chỉ tiêu được giao, cao nhất trong các đợt thu mua từ trước tới nay.

Về triển khai thực hiện Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, lựa chọn 28 doanh nghiệp trong toàn quốc triển khai thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp này tham gia chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp được lựa chọn hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: kinh doanh lúa gạo; nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong ngành trồng trọt, chăn nuôi; sản xuất rau an toàn; trồng và chế biến mía đường; đánh bắt, thu mua, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng hải sản; sản xuất các mặt hàng nông sản khác, như: mủ cao su, tinh bột sắn, ngô. Các doanh nghiệp này hoạt động ở hầu khắp các vùng của đất nước: đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Trung du và miền núi phía Bắc. Tính đến hết năm 2015, tổng số tiền các tổ chức tín dụng cam kết cho các doanh nghiệp vay theo Chương trình nói trên lên tới 5.627 tỷ đồng, doanh số giải ngân đến nay đạt 5.850 tỷ đồng, dư nợ 2.009,6 tỷ đồng.

Về thực hiện Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ cũng đang có kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2015, tổng dư nợ cho vay các đối tượng khách hàng khác nhau theo chương trình này lên tới khoảng gần 3.300 tỷ đồng, tăng 78,6% so với đầu năm; trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt trên 1.930 tỷ đồng, dư nợ cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư ước tính đạt khoảng hơn 370 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07-07-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngày 15-8-2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện chính sách này; đồng thời, phối hợp với một số địa phương và bộ ngành liên quan tổ chức hội nghị triển khai tại chỗ để phổ biến rõ hơn chính sách, cũng như nắm bắt khó khăn và có biện pháp tháo gỡ. Tính đến cuối năm 2015, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng đóng mới, nâng cấp 271 tàu, với tổng số tiền 2.908 tỷ đồng, dư nợ đến thời điểm nói trên đạt 1.120 tỷ đồng. Các hộ ngư dân, chủ tàu đã được giải ngân vốn vay theo quy định, triển khai đóng tàu vỏ thép có công suất lớn hơn, thời hạn vay lên tới trên 10 năm.

Về thực hiện chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra theo Quyết định số 540/QĐ-TTg, ngày 16-04-2014 của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 26/2014/TT-NHNN, ngày 16-09-2014, quy định về việc ngân hàng thương mại Việt Nam tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng bằng đồng Việt Nam. Tính đến hết năm 2015, các tổ chức tín dụng đã khoanh nợ cho trên 11.668 khách hàng vay vốn gặp khó khăn, với số vốn vay được khoanh lên tới hơn 777,52 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh cho vay mới, cho vay các dự án có hiệu quả trong lĩnh vực này.

Về chính sách đối với lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Tính đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay thủy sản toàn quốc đạt 66.500 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2014. Riêng dư nợ nuôi tôm và cá tra tại 5 ngân hàng thương mại đạt khoảng 45.000 tỷ đồng, tăng trên 10,7% so với cuối năm 2014.

Về cho vay phục vụ tái canh cây cà-phê ở khu vực Tây Nguyên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ lực, đi đầu và triển khai mạnh mẽ chương trình này, đã tổ chức hội thảo tại Đắc Lắc, diễn đàn tại Lâm Đồng để thúc đẩy kết quả thực hiện, được các địa phương tích cực hưởng ứng. Tính đến cuối năm 2015, có trên 6.000 khách hàng được vay hơn 725, 38 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chương trình khác, như phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn, phát triển chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn gia cầm theo quy mô lớn và phương pháp công nghiệp, phát triển kinh tế trang trại, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, xuất khẩu lao động... cũng được các ngân hàng thương mại quan tâm cho vay vốn kịp thời.

Một số đề xuất

Trước hết, dự báo trong cả giai đoạn đến năm 2020, trong số các ngân hàng thương mại thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục là công cụ tài chính nhà nước quan trọng để Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giải pháp vốn tín dụng ngân hàng cho phát triển nông nghiệp - nông thôn. Điều đó đòi hỏi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ để đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cũng như những biện pháp xử lý về cơ chế tái cấp vốn, xử lý nợ xấu,…linh hoạt hơn nữa cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong năm 2016, Chính phủ cần trích khoảng 10% việc bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần FPT,… để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời Ngân hàng Nhà nước nên kiên quyết yêu cầu ngân hàng này thực hiện quyết liệt đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, tập trung vấn đề tinh giản nhân sự tại hội sở chính và nhiều chi nhánh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó các cơ chế, chính sách cần tiếp tục hướng vào việc khuyến khích các tổ chức tín dụng cạnh tranh mạnh mẽ ở khu vực nông nghiệp - nông thôn. Bởi vậy, các biện pháp điều hành cụ thể của Ngân hàng Nhà nước về cấp giấy phép mở phòng giao dịch, mở chi nhánh tổ chức tín dụng, cũng như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cho vay lãi cấp vốn, lãi suất,… cũng cần tiếp tục được linh hoạt hơn nữa theo mục tiêu nói trên.

Hai là, thời gian qua, việc triển khai các chính sách tín dụng cho các chương trình lớn về phát triển nông nghiệp - nông thôn được ngành ngân hàng thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ. Song sự phối hợp đồng bộ, việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn,… của các bộ, ngành có liên quan, của các địa phương còn chậm, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản, khuyến nông và khuyến ngư, đào tạo nghề cho người nông dân… Để vốn tín dụng ngân hàng đáp ứng kịp thời hơn nữa mục tiêu của các chính sách thì sẽ có sự tham gia tích cực hơn, đồng bộ hơn của các bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt là thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP.

Ba là, chính sách bảo hiểm có vai trò quan trọng để các tổ chức tín dụng mở rộng vốn tín dụng an toàn, hiệu quả cho phát triển nông nghiệp - nông thôn theo xu hướng hội nhập, nhưng triển khai chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Do đó, trong năm 2016 cần sớm sơ kết, tổng kết, đánh giá sát quá trình triển khai thời gian qua để thực hiện có hiệu quả Nghị định 55/2015 của Chính phủ trong thời gian tới.

Bốn là, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục chủ động, bám sát tham gia tích cực, mở rộng vốn tín dụng an toàn, hiệu quả, thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Chính phủ; tiếp tục nâng cao trình độ cán bộ tín dụng am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, thị trường nông sản trong thẩm định các dự án cho vay.

Năm là, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương cần có giải pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn, tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề ở nông thôn, rà soát lại quy hoạch và đầu tư mạnh mẽ, có hiệu quả cho khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư.

Trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là hiện nay, các chính sách tín dụng và giải pháp tín dụng có tác động mạnh nhất, hiệu quả nhất đến phát triển nông nghiệp - nông thôn và hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thời gian tới đang đặt ra rất nhiều thách thức cho lĩnh vực này, giải pháp tín dụng ngân hàng vẫn có vị trí hàng đầu, đòi hỏi phải có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn, hoàn thiện chính sách và sự phối hợp đồng bộ hơn nữa của toàn bộ nền kinh tế, của các cấp, các ngành.