Các ngân hàng trung ương cảnh báo rủi ro thanh toán điện tử

Theo Bích Thủy/doanhnhansaigon.vn

Thanh toán điện tử đã và đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, một hệ thống tài chính không tiền mặt có thực sự là mô hình lý tưởng?

Thanh toán điện tử đã và đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến. Nguồn: internet
Thanh toán điện tử đã và đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến. Nguồn: internet

Các ngân hàng trung ương châu Âu cảnh báo rằng việc nhiều nước đang dần bỏ sử dụng tiền giấy là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính. Quá phụ thuộc vào thanh toán điện tử sẽ khiến hệ thống tài chính dễ tổn thương trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công mạng.

Các nhà quản lý cho rằng, các cuộc tấn công có hệ thống hay các lỗi công nghệ là lý do vì sao chúng ta cần phải duy trì việc lưu thông tiền mặt. Ngoài ra, nhóm những người dễ bị tổn thương sẽ gặp nhiều khó khăn trong một thế giới phi tiền mặt.

Nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu chỉ ra rằng, gần 80% các giao dịch trong khu vực đồng tiền chung châu Âu là bằng tiền mặt. Tuy nhiên, tại một số nước như Estonia, Hà Lan, Phần Lan, thanh toán điện tử chiếm tới 50%. Tại các siêu thị ở Thụy Điển, thanh toán bằng tiền mặt chỉ chiếm khoảng 13%. Thậm chí, hơn ½ các chi ngành ngân hàng ở nước này không giữ tiền mặt.

Hệ thống điện tử có thể bị chiếm quyền điều khiển từ bất cứ nơi nào. Mà khi đó, làm sao để bảo vệ xã hội khỏi những xáo trộn? Bjorn Eriksson - cựu Trưởng phòng Interpol Thụy điển và hiện là người đứng đầu một nhóm vận động ủng hộ sử dụng tiền mặt ở Thụy Điển nhận định.

Các ngân hàng trung ương vẫn dõi theo quá trình chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán điện tử và không khỏi lo lắng. “Tiền mặt vẫn phải đóng vai trò nhất định. Chúng tôi không nhìn thấy tương lai của một xã hội không dùng tiền mặt”, người đứng đầu Ngân hàng Quốc gia Áo Evald Novotny cho biết và lấy ví dụ rằng nếu mất điện, tiền mặt sẽ là công cụ duy nhất để thanh toán.

Còn bà Petra Heilkema - Giám đốc phụ trách an ninh mạng thuộc Ngân hàng Trung ương Hà Lan, cho hay “các cuộc tấn công mạng xảy ra hằng ngày” và rằng “tiền mặt mang lại sự tin cậy nhất định”.

Ngoài các mối đe dọa về công nghệ, trong xã hội phi tiền mặt, nhóm người hưu trí và khuyết tật là những người dễ bị tổn thương hơn cả. Hồi đầu tháng 6, hệ thống thanh toán bằng thẻ Visa tại châu Âu gặp trục trặc khiến nhiều giao dịch thanh toán, mua bán đã không thể thực hiện được trên toàn châu Âu. Và theo Giáo sư chuyên về an ninh mạng Đại học Ulster của Ailen Kevin Curran, đây chính là “cơ hội” tuy nhỏ nhưng hết sức thiết thực để chúng ta rà lại các rủi ro có thể xảy ra, đồng thời không quên nói thêm rằng khi đó, chỉ có những người có tiền mặt mới có thể mua một món gì đó để ăn.

Các doanh nghiệp chuyển sang thanh toán điện tử một phần là do nhu cầu của khách hàng. Một số chính phủ khuyến khích chuyển đổi sang các dịch vụ điện tử, bởi họ xem đây là giải pháp cho các vấn đề như chống rửa tiền và gian lận thuế. Một số thì cho rằng, thanh toán điện tử bảo vệ chúng ta khỏi các vụ cướp và tiền điện tử thì không thể bị mất.

Tại Anh, để hỗ trợ cho thanh toán điện tử, luật mới cấm tính phí hoa hồng cho việc sử dụng thẻ hoặc hệ thống thanh toán điện tử và cho phép các công ty fintech cung cấp dịch vụ thanh toán nhanh cho khách hàng mà không cần trung gian là ngân hàng. Mong muốn kiềm chế tội phạm cũng là lý do khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu từ chối phát hành tờ tiện mệnh giá 500 euro vào năm 2016, bất chấp sự phụ thuộc khá lớn vào tiền mặt ở Đức.

Trong các cửa hàng tại Đức, hơn 50% các giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt, trong khi đó, thanh toán bằng thẻ chiếm 25,5% và thanh toán bằng di động chỉ chiếm chưa tới 1%. Thanh toán bằng tiền mặt, theo các quan chức, nên duy trì. Bộ Tài chính của Anh đang xem xét các giải pháp bảo đảm cho những người có nhu cầu sử dụng tiền mặt. Tại Thụy Điển, tòa án phán quyết rằng tất cả các tổ chức phải chấp nhận tiền giấy. Và Chính phủ Thụy Điển năm nay đã ban hành quyết định yêu cầu các chi nhánh ngân hàng cần luôn dự trữ một lượng tiền mặt nhất định.