Phát triển dịch vụ thanh toán: Cuộc đua đường trường
Các ngân hàng hiện cũng đang rất tích cực triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt một cách đồng bộ và tổng thể nhằm tạo ra hệ sinh thái đầy đủ, tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng.
Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tối ưu hoá mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%... Đó là một trong những mục tiêu cụ thể được đặt ra trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt. Để đạt được những mục tiêu này, một chặng đường dài, với cuộc chạy đua tốc độ sẽ là thách thức không nhỏ đối với các NHTM.
Những mục tiêu lớn
Theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Tập trung vào việc đa dạng hoá các kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng; nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử theo hướng hoàn thiện, tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị; xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện...
Theo đó, phát triển nhiều dịch vụ gia tăng trên kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng từ thẻ ngân hàng; xây dựng chuẩn thẻ chip nội địa và triển khai kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam với lộ trình thích hợp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc trên di động, thanh toán qua QR Code, Tokenization...; áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật mới, tiên tiến phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an ninh an toàn, tiện lợi và có chi phí hợp lý.
Ông Đào Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam chia sẻ, các ngân hàng cần đồng bộ áp dụng các công nghệ, giải pháp hỗ trợ thanh toán mới để tăng tiện ích trong sử dụng thẻ cho người dùng và nâng cao bảo mật thanh toán giúp khuyến khích người dùng thanh toán sử dụng thẻ nhiều hơn. Như áp dụng giải pháp Tokenization trong thanh toán trực tuyến và thanh toán tại POS; hay liên kết với các đối tác phát triển ứng dụng thanh toán trên di động để mở rộng phạm vi thanh toán cho người dùng; cùng tập trung triển khai công nghệ thanh toán không tiếp xúc một cách đồng bộ để khuyến khích người dùng.
Bên cạnh đó, triển khai áp dụng thanh toán QR Code cho các đơn vị thanh toán nhỏ lẻ, đặc biệt là tiểu thương (buôn bán ở chợ, tạp hoá...) để dần nâng cao thói quen chi tiêu sử dụng thẻ cho người tiêu dùng; triển khai áp dụng đồng bộ các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật cho hệ thống CNTT cũng như các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ (ISO 27001, PCI/DSS).
Cùng với đó, Nhà nước cần nâng cao tính pháp lý cho hoạt động TTKDTM nhằm khuyến khích các ngân hàng, các đơn vị kinh doanh mạnh dạn đẩy mạnh TTKDTM. Các chuyên gia cũng đề xuất, cần đưa TTKDTM vào áp dụng trong thanh toán các lĩnh vực công để nâng cao nhận thức người dân, khuyến khích các lĩnh vực khác trên thị trường cũng áp dụng TTKDTM. Thanh toán bằng QR Code tại thị trường Việt Nam cần sớm có quy định chuẩn QR chung để tạo sự đồng bộ trong kế hoạch phát triển của các ngân hàng - tạo đồng bộ trong thanh toán cho người dùng. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết của người dùng dịch vụ về việc sử dụng giao dịch an toàn với thẻ và ngân hàng điện tử.
Cầu rất lớn
Thống kê cuối năm 2017 của NHNN cho thấy, tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán hiện nay lên tới hơn 59% (đã loại trừ khách hàng có nhiều tài khoản), hết quý II/2018 có tới 18.287 ATM với trên 211 triệu giao dịch; 289.075 POS/EFTPOS/EDC có trên 49 triệu giao dịch. Số thẻ phát hành luỹ kế tới hết quý II/2018 là 141,59 triệu. Thông qua các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy của NHNN, rất nhiều tổ chức trung gian thanh toán đã chính thức thành lập và triển khai đẩy mạnh kết nối để cung ứng các dịch vụ TTKDTM, đem lại nhiều tiện ích cho người dùng.
Không những thế, với hơn 64 triệu người dùng internet, chiếm gần 70% dân số, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho việc phát triển ngân hàng số. Các ngân hàng hiện cũng đang rất tích cực triển khai các giải pháp TTKDTM một cách đồng bộ và tổng thể nhằm tạo ra hệ sinh thái đầy đủ, tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng.
“Tiện lợi và tốc độ đã trở thành kỳ vọng cơ bản của người tiêu dùng đối với trải nghiệm thanh toán của họ. Vì họ mong đợi để có thể trả tiền cho bất cứ thứ gì, bất cứ lúc nào hay bất cứ nơi đâu. Họ có thể đặt hàng trước và thanh toán tại các nhà hàng ăn ngon, yêu cầu một chuyến đi về nhà chỉ trong vài phút từ một chiếc Grab gần đó hoặc gọi đồ ăn, mua một món quà trực tuyến được chuyển đến ngay trước cửa nhà chỉ trong vòng 30 phút. Công nghệ mới và đổi mới đang thay đổi cách người tiêu dùng muốn trả tiền”, ông Đinh Văn Chiến - Phó tổng giám đốc TPBank chia sẻ.
Một điểm tích cực nữa cũng là tiền đề cho hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể tiệm cận được nhanh hơn mục tiêu đề ra trong thúc đẩy TTKDTM. Đó là việc NHNN đã hoàn tất xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam”. Theo đó, ngày 27/10/2017, Tiểu ban nghiên cứu thuộc Hội đồng Thanh toán và Công nghệ được thành lập để nghiên cứu về chuẩn, quy định chung cho thanh toán QR tại Việt Nam, tuân theo tiêu chuẩn của EMVCo - Merchant Presented, tiêu chuẩn cơ sở đã được hoàn thành và dự kiến ban hành vào quý III/2018.
“Napas với vai trò Trung tâm chuyển mạch tài chính quốc gia sẽ phối hợp với các ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ, triển khai kết nối liên thông dịch vụ thanh toán QR. Napas xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối liên thông dịch vụ thanh toán QR, quy trình nghiệp vụ đối soát, thanh quyết toán”, ông Nguyễn Quang Minh - Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Nghiên cứu và Phát triển thuộc Napas cho biết.
Trong thời gian tới, Napas cũng sẽ sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho thanh toán QR và các quy trình nghiệp vụ liên quan, phục vụ cho việc liên thông thanh toán. Với vai trò là đơn vị chuyển mạch quốc gia, Napas sẽ phối hợp với các bên để triển khai liên thông thanh toán QR giữa các ngân hàng, các trung gian thanh toán. Triển khai mở rộng mô hình kết nối Momo - Vietnam Airlines tới các trung gian thanh toán, ngân hàng và đơn vị chấp nhận thanh toán khác. Đồng thời nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ QR Code trong phát triển hệ sinh thái thanh toán QR Code tại Việt Nam.