Các ngành hàng nào ở Việt Nam sẽ bị tác động bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới, vì thế xung đột thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ gây ra những tác động đáng kể đối với dòng chảy thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo "Toàn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung" của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố đưa ra những dự báo về các ngành hàng ở Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực từ cuộc chiến thương mại này.
Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới, vì thế xung đột thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ gây ra những tác động đáng kể đối với dòng chảy thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Mỹ là nước chủ động trong cuộc chiến thương mại này. Chính quyền Donald Trump là người khởi xướng đưa ra các gói đánh thuế và không ngại leo thang lên những mức cao mới. Thậm chí, ông Trump còn tuyên bố sẽ sẵn sàng đánh thuế lên tất cả các nhóm hàng mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Về cơ bản, các loại hàng hóa trung gian là đầu vào cho sản xuất như thiết bị, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô... và các mặt hàng tiêu dùng bao gồm điện thoại, máy vi tính, hàng may mặc, da giày, đồ thể thao, đồ chơi trẻ em... đều sẽ nằm trong danh sách đánh thuế của chính quyền Trump.
Tác động cụ thể của việc Mỹ đánh thuế lên hàng Trung Quốc đối với Việt Nam trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện được BVSC đưa ra.
Trong đó, đối với mảng điện thoại di động, thiết bị điện tử viễn thông, linh kiện máy tính, đồ điện tử gia dụng, giá trị Trung Quốc XK vào Mỹ 256 tỷ USD (2017), việc chuyển hướng đầu tư sản xuất các mặt hàng điện tử sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc dù quy mô được dự báo không lớn nhưng có thể cũng mang đến những thuận lợi cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Riêng đối với mặt hàng điện thoại di động, Samsung đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 40 triệu sản phẩm tại Trung Quốc do giá nhân công cao kết hợp với rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ -Trung leo thang nên Tập đoàn này càng có lý do để đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư sang các nước khác. Trong bối cảnh này, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư của Samsung. Theo đó, thu hút vốn FDI, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng, các khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra.
Đối với hàng may mặc, giày dép, đồ dùng thể thao, đồ chơi trẻ em, đồ nội thất, giá trị Trung Quốc XK vào Mỹ là 85 tỷ USD (2017).
Năm 2017, Mỹ là thị trường XK dệt may lớn nhất của Việt Nam với 12,2 tỷ USD (tương đương gần 50% tổng XK hàng dệt may của Việt Nam ra thế giới). Hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế 8-10%. Ngành dệt may và da giày được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại nhờ hai khía cạnh.
Ở nhóm hàng đồ chơi và dụng cụ thể thao, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,24 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ đạt 434 triệu USD. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là cơ hội để các đơn hàng chuyển dần sang Việt Nam, qua đó giúp VN thu hút thêm nhiều vốn FDI, tăng XK và tạo thêm việc làm
Đối với mảng đồ gỗ nội thất, giá trị Trung Quốc XK vào Mỹ là 20 tỷ USD (2017), các đơn hàng đồ gỗ nội thất có thể sẽ chuyển từ các nhà máy tại Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Malasia, Thái Lan, Việt Nam…
Năm 2017, Việt Nam XK 7,6 tỷ USD gỗ và các sản phẩm gỗ, trong đó riêng thị trường Mỹ đạt 3,2 tỷ USD. Chiến tranh TM Mỹ-Trung cũng mở ra cơ hội nhận được thêm các đơn hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất của Việt Nam như TTF, SAV…Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần siết chặt quản lý, tránh tình trạng đồ gỗ nội thất Trung Quốc mượn Việt Nam như một nước trung chuyển để tìm đường XK sang Mỹ. Nếu để điều này xảy ra, cả ngành sẽ bị ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế trừng phạt.
Về mảng sắt thép các loại, giá trị Trung Quốc XK vào Mỹ là 1 tỷ USD (2017), việc Mỹ áp thuế mang đến lo ngại thép Trung Quốc sẽ tìm một thị trường khác để tiêu thụ hoặc “xuất khẩu nhờ” vào Mỹ, trong đó Việt Nam có thể là một địa chỉ lý tưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng thép Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ năm 2017 có quy mô khá nhỏ (chỉ là 740.000 tấn) nên nếu có tràn vào Việt Nam tiêu thụ thì cũng không đáng lo ngại.
Ngoài ra, sản phẩm thép xây dựng và tôn mạ của Việt Nam hiện vẫn được bảo vệ tốt nhờ hàng rào thuế quan nên Trung Quốc khó có khả năng cạnh tranh ở những mặt hàng này. Trong khi đó, nguy cơ Việt Nam trở thành nơi trung chuyển để thép Trung Quốc đi “đường vòng” sang Mỹ mặc dù có nhưng mức độ cũng khá hạn chế do lượng thép Trung Quốc XK vào Mỹ cũng không lớn.
Tuy vậy, các nhà quản lý thị trường cũng cần kiểm soát kỹ nhằm ngăn chặn tình trạng này, tránh tạo lý do chính đáng để Mỹ áp thuế trừng phạt lên toàn bộ các doanh nghiệp thép của Việt Nam có hoạt động XK sang Mỹ.
Trung Quốc đáp trả, ngành hàng nào sẽ bị tác động?
Cho đến nay, Trung Quốc đã có động thái đáp trả đối với hầu hết các gói đánh thuế của Mỹ nhắm vào hàng Trung Quốc. Tác động cụ thể của việc Trung Quốc áp thuế trả đũa lên hàng hàng nhập khẩu từ Mỹ đối với một số ngành hàng của Việt Nam cũng được BVSC đề cập đến.
Ở mảng chip và chất bán dẫn, giá trị Mỹ XK vào Trung Quốc là 6 tỷ USD (2017), Khi Trung Quốc đánh thuế vào mặt hàng này, các công ty đa quốc gia của Mỹ có thể sẽ chịu áp lực cơ cấu lại chuỗi cung ứng. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng này.
Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 37 tỷ USD máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, trong đó nhập từ Mỹ là 2,8 tỷ USD. Intel hiện đã có nhà máy tại Việt Nam nên hoàn toàn có khả năng công ty này sẽ phân bổ đầu tư nhiều hơn cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản phẩm của họ.
Ở mảng đậu tương, ngô, giá trị Mỹ XK vào Trung Quốc là 12,3 tỷ USD (2017), không nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ quay sang nhập khẩu đậu tương từ các nước khác. Giá đậu tương và ngô của Mỹ giảm là cơ hội cho các doanh nghiệp ở các nước khác phải nhập khẩu đậu tương và ngô mua được giá rẻ.
Với diễn biến mới từ giá đậu tương và giá ngô Mỹ, nhiều khả năng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chuyển hướng sang tăng nhập khẩu đậu tương và ngô từ Mỹ với giá rẻ hơn. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam như Masan Nutri-Science, Dabaco... có thể là đối tượng hưởng lợi.
Đối với mảng bông, giá trị Mỹ XK vào Trung Quốc đạt 1,06 tỷ USD (2017), giá bông thế giới vẫn khá ổn định, không chịu áp lực giảm quá tiêu cực do cầu vẫn lớn. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 2,3 tỷ USD bông, trong đó 50% là nhập khẩu từ Mỹ (tương đương 1,2 tỷ USD). Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn đến việc Việt Nam là một điểm trung chuyển khi tăng nhập khẩu bông từ Mỹ sau đó xuất khẩu lại sang Trung Quốc.
Đối với các loại thịt, giá trị Mỹ XK vào Trung Quốc đạt 750 triệu USD (2017), không nhập khẩu thịt bò và thịt lợn từ Mỹ, Trung Quốc có thể tìm đến các nguồn cung khác từ Australia, EU, Canada, Brazil, Argentina.
Việt Nam hiện chưa xuất khẩu chính ngạch được thịt lợn sang Trung Quốc nên cũng khó được hưởng lợi. Thịt lợn và thịt bò Mỹ không xuất được vào Trung Quốc có thể sẽ tìm đường sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm thịt lợn của Việt Nam không lo bị cạnh tranh nhiều do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn là thịt tươi sống chứ không phải thịt đông lạnh.