Các nhà băng bắt đầu nâng lãi suất để “hút” khách
(Taichinh) - Kể từ đầu tháng 06 tới nay, các ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng lãi suất huy động, với mức điều chỉnh dao động trong khoảng từ 0,2-0,5%/năm.
Theo như số liệu mà Ngân hàng Nhà nước mới công bố, trong giai đoạn cuối tháng 5, lãi suất huy động tại các ngân hàng tương đối ổn định. Lãi suất phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Tuy nhiên kể từ đầu tháng 06 tới nay, các ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng lãi suất huy động. Mức điều chỉnh dao động trong khoảng từ 0,2-0,5%/năm.
Cụ thể việc điều chỉnh lãi suất lần này chỉ tập trung ở các ngân hàng thương mại lớn trong khối cổ phần như Eximbank, HDBank, Đông Á... với các kỳ hạn dưới 12 tháng, mức tăng là 0,2%/năm, trong khi đó các kỳ hạn 12, 13 tháng, lãi suất được điều chỉnh mạnh nhất từ 0,4-0,5%/năm.
Với mức điều chỉnh này, lãi suất huy động tại các ngân hàng cổ phần đang bỏ khá xa các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, tới 0,8%/năm.
Theo lãnh đạo một ngân hàng cho biết việc điều chỉnh lần này sẽ giúp các nhà băng cơ cấu lại nguồn vốn huy động cho hợp lý hơn và tạo điều kiện tốt cho thanh khoản của từng ngân hàng.
Vị lãnh đạo này chia sẻ thêm, trong thời gian qua các ngân hàng chủ yếu tập trung huy động kỳ hạn ngắn nhiều hơn, thậm chí chiếm 60 - 70% tổng huy động vốn. Trong khi đó thời hạn cho vay lại dài hơn, trong 5 tháng đầu năm cho vay trung và dài hạn chiếm 53 - 54% trên tổng dư nợ. Do vậy việc các ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn dài 2-3 năm trở lên là để khắc phục tình trạng mất cân đối này. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lãi suất cũng là đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, bởi đa số các doanh nghiệp đều muốn vay kỳ hạn dài hơn để yên tâm sản xuất.
Còn theo đánh giá của giới chuyên gia, việc lãi suất huy động tăng vào thời điểm này được coi là một tín hiệu tích cực, cho thấy nhu cầu vốn đang trên đà hồi phục.
Có rất nhiều lý do khiến các ngân hàng đẩy lãi suất huy động tăng trở lại, tuy nhiên theo T.S Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng nguyên nhân chính nhất là việc đồng USD tăng mạnh trong thời gian. Ông Hiếu cho rằng trong tháng 5, tiền đồng đã phá giá lần thứ 2, người dân sẽ có xu hướng rút tiền tiết kiệm để mua USD dự trữ, do đó các ngân hàng phải nâng lãi suất để giữ chân khách hàng.
Thêm vào đó, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, cùng với đó thị trường bất động sản và chứng khoán cũng đã có những tín hiệu khởi sắc. Có một lượng tiền không nhỏ được khách hàng dịch chuyển từ ngân hàng sang những kênh này để đầu tư. Vì vậy, để giữ chân khách, các ngân hàng phải tiến hành tăng lãi suất.