Lãi suất huy động và những diễn biến mới

An Khánh

(Taichinh) - Từ cuối tháng 5 đầu tháng 6/2015, mặt bằng lãi suất đã phát đi những chuyển biến đáng chú ý. Câu chuyện lãi suất huy động đang nóng trở lại dấy lên lo ngại khó giảm lãi suất cho vay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lãi suất huy động đảo chiều

Từ cuối tháng 5 đầu tháng 6/2015 đến nay, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động VND. Mức tăng phổ biến 0,2%/năm, thậm chí có nơi tăng 0,5%/năm.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) từ ngày 3/6 đã tăng lãi suất với một loạt sản phẩm tiết kiệm tiền đồng tại hội sở chính. Theo thông báo của Agribank, Sở giao dịch của ngân hàng áp dụng mức lãi suất mới đối với tiền gửi bằng tiền đồng các kỳ hạn dài, cao nhất đến 6,8%/năm từ sáng ngày 3/6/2015.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 6-36 tháng với mức điều chỉnh tăng 0,2%. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 6,7% khi khách gửi 36 tháng. Còn các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng lần lượt là 6,2% và 6,5% một năm.

Trước đó, Eximbank đã công bố biểu lãi suất tiền gửi kể từ ngày 21/5 với mức tăng nhẹ ở một số kỳ hạn. Agribank cũng vừa thông báo tăng lãi suất tiền gửi bằng VND kể từ ngày 2/6 tại các kỳ hạn dài với mức tăng từ 0,3 – 0,5%/năm, mức lãi suất cao nhất lên đến 6,8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng (thay cho mức 6,3%/năm trước đây).

Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cũng đã tăng lãi suất đối với kỳ hạn 1 tháng đến 8 tháng. Lãi suất cao nhất trong các kỳ hạn trên là 5,2%/năm đối với các kỳ hạn 6-8 tháng, cao hơn trước 0,2/năm so với trước. Các kỳ hạn 3-5 tháng cùng được hưởng mức lãi suất 4,8%/năm; kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng có lãi suất tương ứng là 4,3%/năm và 4,5%/năm.

Như vậy, hiện tượng tăng lãi suất đã xuất hiện sau gần hai năm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại luôn luôn giảm. Tuy số lượng các ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất chưa nhiều, mang tính đơn lẻ, mức độ tăng cũng chưa lớn nhưng theo quan điểm của một số tổ chức, nhà phân tích thì đây có thể là tín hiệu đảo chiều của mặt bằng lãi suất huy động sau một thời gian dài liên tục suy giảm kể từ năm 2012 cho đến nay.

Lãi suất cho vay sẽ ra sao?

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến lãi suất tăng xuất phát từ yếu tố chênh lệch giữa cung - cầu vốn. Việc tín dụng khởi sắc đã và đang gây áp lực lên khả năng cân đối vốn của các ngân hàng.

Theo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 28/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 4,8%. Cùng thời gian này năm ngoái, tỷ lệ tương ứng mới đạt 1,31% và phải đến hết tháng 7/2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt 3,6%.

Trong khi đó, ở phía cung, tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi đang không theo kịp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Điển hình như tại Hà Nội, tổng dư nợ cho vay trong năm tháng đầu năm nay tăng 8,7% so với cuối năm 2014 trong khi tăng trưởng huy động ở mức thấp hơn, đạt 7,1%.

Chính vì vậy, việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài cũng là điều chỉnh thích hợp.

Tuy nhiên, câu chuyện lãi suất huy động đang nóng trở lại dấy lên lo ngại khó giảm lãi suất cho vay. Các chuyên gia tài chính cho rằng, đã tăng lãi suất huy động thời hạn trên 12 tháng sẽ dẫn đến tăng lãi suất huy động ở các thời hạn ngắn hơn. Nếu theo đúng kịch bản đó, trần lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn dưới sáu tháng sẽ phải tăng theo, từ đó tác động dây chuyền đến hàng loạt vấn đề khác như: lãi suất cho vay tăng, chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, cộng với việc tăng giá của háng hóa thiết yếu sẽ khiến lạm phát tăng… Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang mong muốn lãi suất vay trung và dài hạn giảm thêm để thúc đẩy sản xuất.

Để giải tỏa nỗi lo lắng này, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước cho rằng, việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất tăng lần này chủ yếu là các kỳ hạn dài để cân đối nguồn vốn cho vay nên sẽ không ảnh hưởng gì đến lãi suất cho vay và quan trọng hơn, không ảnh hưởng nhiều đến thị trường tài chính.