Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại BIDV Trà Vinh


Bằng phương pháp khảo sát trực tiếp 300 khách hàng cá nhân đã, đang giao dịch tín dụng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh tỉnh Trà Vinh (BIDV Trà Vinh), thông qua phương pháp hồi quy logistic, nghiên cứu đã cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân bao gồm: Thương hiệu, thủ tục vay vốn, lãi suất cho vay, nhân viên phục vụ tại ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong đó, thương hiệu, lãi suất cho vay và nhân viên phục vụ là yếu tố có tác động mạnh nhất. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng cho vay của ngân hàng BIDV Trà Vinh trong thời gian tới.

Hoạt động ngân hàng bán lẻ là xu thế phát triển của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên thế giới và tại Việt Nam. Ngân hàng bán lẻ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đang thực hiện mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại hàng đầu Việt Nam. Tại Nghị quyết liên tịch số 5960/NQL-BIDV ngày 7/8/2015 về định hướng khung kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến 2030, BIDV đã đưa ra chiến lược phát triển với trụ cột phát triển là ngân hàng thương mại hiện đại, tập trung đẩy mạnh hoạt động bán lẻ.

Tín dụng dành cho khách hàng cá nhân là sản phẩm đem lại nguồn thu nhập lớn cho ngân hàng nên ngay từ khi khởi đầu hoạt động, BIDV Trà Vinh đã xác định, khách hàng cá nhân là đối tượng mục tiêu trong định hướng phát triển sản phẩm tín dụng. Năm 2017, tỷ trọng tín dụng khách hàng cá nhân tại BIDV Trà Vinh chiếm 50% trong tổng dư nợ. BIDV Trà Vinh đặt mục tiêu tỷ trọng tín dụng khách hàng cá nhân chiếm 66% trong tổng dư nợ của Chi nhánh vào năm 2022. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động cho vay đối với đối tượng khách hàng cá nhân của BIDV Trà Vinh hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém.

Nguyên nhân của tình trạng này là do những khách hàng muốn vay vốn thì không đủ điều kiện vay còn khách hàng đủ điều kiện vay lại không muốn vay. Bên cạnh đó, khách hàng cá nhân khi có nhu cầu vay vốn, đặc biệt là những khách hàng khó tính, kỹ lưỡng hay đòi hỏi xem xét, đánh giá thận trọng chất lượng dịch vụ của ngân hàng để thiết lập quan hệ tín dụng đối với ngân hàng. Các NHTM hiện đang phải cạnh tranh rất quyết liệt để thu hút khách hàng, đặc biệt là những khách hàng tiềm năng. Trong khi đó, một số lượng không nhỏ khách hàng cá nhân khi vay vốn không chủ động trong trả nợ, sử dụng vốn không đúng mục đích và kém hiệu quả...

Cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước đây

Nghiên cứu “Các yếu tố quyết định lựa chọn ngân hàng ở Ghana: Áp dụng phân tích giáo viên trung học tại TP. Kumasi",  Martin Owusu Ansa (2014) đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp 250 giáo viên trung học tại TP. Kumasi, Ghana. Các phương pháp phân tích được sử dụng trong nghiên cứu gồm: Phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy đa biến để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn ngân hàng của giáo viên trung học tại TP. Kumasi, Ghana như: Lãi suất vay vốn; Uy tín ngân hàng; An toàn của ngân hàng; Số năm thành lập ngân hàng; Phí dịch vụ thấp; Dễ thực hiện khoản vay. Trong đó, nhân tố về số năm thành lập ngân hàng và dễ thực hiện khoản vay tác động mạnh nhất đến quyết định lựa chọn ngân hàng của khách hàng.

Christos C. Frangos và cộng sự (2012) nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng đối với vay vốn ngân hàng: Trường hợp khách hàng Hy Lạp”. Trong nghiên cứu này, số liệu được của tác giả chọn ngẫu nhiên 277 mẫu từ công dân Hy Lạp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, yếu tố chất lượng dịch vụ, chính sách cho vay, sự hài lòng từ dịch vụ của ngân hàng có ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân.

Khi nghiên cứu “Các yếu tố quyết định lựa chọn ngân hàng tại Pakitstan: Quan điểm của khách hàng", Hafeez Ur Rehman and Ahmed (2008) tiến hành thu thập số liệu thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp từ 358 khách hàng cá nhân của các ngân hàng tại TP. Lahore (Pakitstan). Các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này gồm: Phân tích hồi quy đa biến, phân tích nhân tố khám phá. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngân hàng của các khách hàng cá nhân tại Lahore, Pakitstan là dịch vụ khách hàng, sự thuận tiện, trang thiết bị của ngân hàng và môi trường chung của ngân hàng.

Tại Việt Nam, với nghiên cứu “Những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn tại NHTM Cổ phần Công Thương Việt Nam của khách hàng cá nhân khu vực TP. Hồ Chí Minh”, Trần Khánh Bảo (2015) đã thực hiện khảo sát ý kiến của 260 khách hàng cá nhân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu gồm: Kiểm định độ tin cậy Cronbach Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích hồi quy tuyến tính, phân tích sự khác biệt về xu hướng sử dụng theo thuộc tính người sử dụng bằng T-Test và ANOVA để phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn tại NMTM Cổ phần Công Thương Việt Nam của khách hàng cá nhân khu vực TP. Hồ Chí Minh.

Bảng 1: Tổng hợp các biến của mô hình

Số TT

Tên biến

Cơ sở chọn biến

Tương quan dấu

Y

Quyết định vay vốn

(1) Tôi quyết định vay vốn

(0) Tôi quyết định chưa vay vốn

 

TH

Thương hiệu ngân hàng

Hồ Phạm Thanh Lan (2015); Nguyễn Phúc Chánh (2016); Lê Đức Huy (2015); Martin Owusu Ansa (2014)

+

PTHH

Phương tiện hữu hình

Hafeez Ur Rehman and Ahmed (2008); Hồ Phạm Thanh Lan (2015)

+

STT

Sự thuận tiện

Trần Khánh bảo (2015); Hồ Phạm Thanh Lan (2015); Nguyễn Phúc Chánh (2016); Lê Đức Huy (2015); Hafeez Ur Rehman and Ahmed (2008)

+

TTV

Thủ tục vay vốn

Trần Khánh bảo (2015); Hồ Phạm Thanh Lan (2015); Nguyễn Phúc Chánh (2016); Martin Owusu Ansa (2014)

-

LSV

Lãi suất, chi phí vay vốn

Hồ Phạm Thanh Lan (2015); Nguyễn Phúc Chánh (2016); Lê Đức Huy (2015); Martin Owusu Ansa (2014)

-

NV

Nhân viên ngân hàng

Hồ Phạm Thanh Lan (2015); Nguyễn Phúc Chánh (2016); Lê Đức Huy (2015)

+

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 4 nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân: Đặc tính sản phẩm (được đo lường bằng 5 biến quan sát);  Sự thuận tiện (được đo lường bằng 4 biến quan sát); Điều kiện vay (được đo lường bằng 4 biến quan sát); Trách nhiệm (được đo lường bằng 3 biến quan sát) có ảnh hưởng đến quyết định vay vốn tại NHTM Cổ phần Công Thương Việt Nam của khách hàng cá nhân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, Hồ Phạm Thanh Lan (2015) khi “Phân tích các yếu tố tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Eximbank Cần Thơ” đã thực hiện khảo sát ý kiến của 190 khách hàng cá nhân trên địa bàn TP. Cần Thơ. Phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu: Thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích hồi quy Binaly logistic để phân tích các yếu tố tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Eximbank Cần Thơ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 7 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân: Thủ tục vay vốn (được đo lường bằng 7 biến quan sát); Lãi suất vay (được đo lường bằng 5 biến quan sát); Phương tiện hữu hình (được đo lường bằng 5 biến quan sát); Nhân viên ngân hàng (được đo lường bằng 6 biến quan sát); Phòng cách phục vụ của ngân hàng (được đo lường bằng 6 biến quan sát); Thương hiệu ngân hàng (được đo lường bằng 4 biến quan sát); Thuận tiện (được đo lường bằng 3 biến quan sát) có tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Eximbank Cần Thơ.

Với mục đích “Phân tích các nhân tố tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh tại Agribank trên địa bàn TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang”, Nguyễn Phúc Chánh (2016) đã thực hiện khảo sát ý kiến của 305 khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh có vay vốn tại Agribank TP. Vị Thanh (Hậu Giang).

Phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu gồm: Đánh giá độ tin cậy, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích hồi quy đa biến để phân tích các nhân tố tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh tại Agribank trên địa bàn TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh: Hình thức vay vốn, quy trình thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ; Địa bàn hoạt động; Mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng; Lãi suất vay; Tố quy mô ngân hàng; Đội ngũ nhân viên có tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh tại Agribank TP. Vị Thanh.

Nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại các Ngân hàng TMCP Việt Nam trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”, Lê Đức Huy (2015) đã thực hiện trên 280 mẫu khảo sát, chọn mẫu theo phương pháp thuận tiện, bảng hỏi được gửi trực tiếp đến các cá nhân trên địa bàn.

Phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này gồm: Kiểm định thang đo, phân tích nhân tố khám phá (EFA), xây dựng phương trình hồi quy để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng TMCP Việt Nam trên địa bàn  TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn của khách hàng cá nhân: Sự thuận tiện, chính sách tín dụng của ngân hàng, ảnh hưởng từ các mối quan hệ, chất lượng dịch vụ của ngân hàng cung cấp, hình ảnh và danh tiếng của ngân hàng, chính sách marketing của ngân hàng, giá cả của ngân hàng.

Phương pháp nghiên cứu

Thông qua cơ sở lý thuyết, các nghiên cứu đã lược khảo, căn cứ vào mục tiêu nghiên cứu, mô hình nghiên cứu, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu phân tích hồi quy Binary logistic như sau:

 Y = β0+ β1TH+ β2PTHH + β3STT+ β4TTV +β5Lsinh viên+ β6NV+ ε

Trong đó: Y: Biến phụ thuộc; TH, PTHH, STT, TTV, LSV, NV: Biến độc lập; βi: Hệ số ước lượng

Quy mô mẫu dự kiến là 300 khách hàng (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008) thực hiện bằng phỏng vấn trực tiếp tất cả khách hàng cá nhân đã, đang và chưa vay vốn tại BIDV Trà Vinh. Thang đo sẽ được kiểm định từ dữ liệu thu thập được qua hệ số Cronbach’s alpha. Dữ liệu sẽ được phân tích và xử lý số liệu qua mềm SPSS 20.0 qua các phương pháp phân tích số liệu như thống kê mô tả các biến, kiểm định sự khác biệt các trung bình, phân tích nhân tố, phân tích hồi quy Binary Logistic.

Kết quả nghiên cứu

Số liệu Bảng 2 cho thấy, sig của biến PTHH và STT lần lượt là 0.497> 0.05 và 0.760 > 0.05 nên mối liên hệ giữa sự thay đổi cảm nhận về phương tiện hữu hình và sự thuận tiện không có ý nghĩa về mặt thống kê.

Giá trị sig của các biến TH, TTV, LSV và NV lần lượt là 0.000, 0.011, 0.000, 0.000 đều nhỏ hơn 0.05 nên mối liên hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập còn lại có ý nghĩa về mặt thống kê.

Từ kết quả trên, có phương trình hồi quy Binary Logistic như sau:

Loge [(P(Y=1))/(P(Y=0))] = -27.648 + 2.603TH + 1.421TTV + 2.562LSV + 2.290NV

Thảo luận kết quả hồi quy:

Giả định mức độ cảm nhận của khách hàng cá nhân về thương hiệu ngân hàng tăng lên 1 đơn vị với các điều kiện khác không đổi, thì Log của tỷ lệ xác suất quyết định vay vốn của khách hàng sẽ tăng thêm 2.603 lần. Về vấn đề này trong kinh tế học nên có cách giải thích như sau:

Nếu xác suất quyết định vay vốn ban đầu của khách hàng cá nhân là 10%, khi các nhân tố khác không đổi, nếu cảm nhận về thương hiệu ngân hàng tăng thêm 1 điểm, xác suất quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân sẽ là 60,00% (tăng 50.0% so với xác suất ban đầu là 10%).

Bảng 2: Các hệ số hồi quy

Các biến trong phương trình

 

 

Hệ số B

Hệ số S.E.

Hệ số Wald

Bậc

Mức ý nghĩa

Exp(B)

Bước 1a

TH

2.603

0.557

21.849

1

0.000

13.505

PTHH

-0.320

0.471

0.462

1

0.497

0.726

STT

-0.126

0.412

0.093

1

0.760

0.882

TTV

1.421

0.562

6.391

1

0.011

4.140

LSV

2.562

0.439

33.977

1

0.000

12.957

NV

2.290

0.622

13.542

1

0.000

9.879

Hằng số

-27.648

4.520

37.411

1

0.000

0.000

 

Tương tự với 3 nhân tố còn lại là lãi suất vay, nhân viên ngân hàng và thủ tục vay lần lượt có kết quả sau khi thế vào công thức trên là 59,01%, 52,33%, 31,51%. Từ kết quả trên cho thấy, vai trò của từng nhân tố tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân.

Bên cạnh đó, hai nhân tố phương tiện hữu hình và Sự thuận tiện là hai biến không có ý nghĩa về mặt thống kê, do giá trị sig phương tiện hữu hình và Sự thuận tiện lần lượt là 0.497> 0.05 và 0.760 > 0.05. Điều đó có ý nghĩa là, 2 biến trên về lý thuyết không có tác động đến ý định vay vốn của khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, trong thực tế hai biến trên có thể có những tác động nhất định đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân.

Từ kết quả thảo luận trên, ta có mô hình hồi quy tổng quát của nghiên cứu có dạng như sau:

Y = -27.648 + 2.603TH + 1.421TTV + 2.562LSV + 2.290NV

Nâng cao khả năng cho vay
khách hàng cá nhân tại BIDV Trà Vinh

Từ các kết quả nghiên cứu nêu trên, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cho vay của ngân hàng BIDV tỉnh Trà Vinh, cụ thể gồm:

Thứ nhất, đối với nhân tố thương hiệu ngân hàng.

Đây là một trong những nhân tố đầu tiên khách hàng cá nhân quan tâm khi quyết định vay vốn tại ngân hàng. Thương hiệu của ngân hàng rất quan trọng, góp phần thu hút khách hàng đến giao dịch. Bên cạnh các yếu tố về lịch sử hình thành và phát triển, để danh tiếng ngân hàng ngày một phát triển và làm cho nhiều người biết đến thì Ban lãnh đạo chi nhánh cần có những chính sách phát triển thương hiệu của ngân hàng, nhằm củng cố lòng tin, nâng cao uy tín đối với khách hàng khi giao dịch.

Trước mắt, tiếp tục xây dựng và duy trì hình ảnh thương hiệu BIDV tốt đẹp trong lòng khách hàng; Thực hiện thống nhất về hình ảnh để dễ dàng nhận biết thương hiệu BIDV từ đồng phục nhân viên, trang trí nội thất nơi giao dịch, mẫu biểu, bảng hướng dẫn, tờ rơi, kiểu dáng trụ sở, phòng giao dịch, máy ATM…; Chú trọng bố trí nhân viên có trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm và kỹ năng tư vấn tốt khi giao tiếp với khách hàng, đồng thời chú trọng đến tác phong, thái độ của nhân viên khi giao dịch với khách hàng. Ngoài ra, cần thường xuyên cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua phản hồi của khách hàng.

Thứ hai, đối với nhân tố lãi suất, phí vay vốn.

Sau nhân tố thương hiệu, nhân tố có tác động đến lựa chọn ngân hàng để vay vốn là lãi suất và phí vay vốn. Lãi suất, phí cho vay thấp là những lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong việc giữ chân khách hàng hiện hữu và thu hút khách hàng mới. Căn cứ trên lãi suất huy động vốn, chi phí hoạt động của ngân hàng để đề ra một biểu lãi suất cho vay phù hợp hơn là bằng mọi cách tận thu khách hàng.

Ngân hàng cũng cần phải thu thập thông tin về lãi suất cho vay của các ngân hàng là đối thủ cạnh tranh, để đưa ra mức lãi suất, phí cho vay phù hợp và cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, cần theo dõi sát biến động lãi suất cho vay trên thị trường để có thể đưa ra chiến lược phản ứng về lãi suất cho vay một cách nhanh chóng, kịp thời để giữ chân khách hàng hiện hữu cũng như thu hút khách hàng mới.

Tuy nhiên, trong tình hình thị trường hiện nay thì vấn đề khách hàng quan tâm không chỉ là lãi suất, biểu phí mà tổng quát hơn đó là lợi ích tài chính mà ngân hàng mang lại cho khách hàng. Đó không chỉ là lãi suất cho vay cạnh tranh, một biểu phí dịch vụ phù hợp mà còn là các lợi ích giá trị gia tăng ngân hàng cung cấp cho khách hàng như tư vấn về hoạt động kinh doanh, phòng ngừa rủi ro…

Bên cạnh đó, Ngân hàng cần chủ động phân khúc khách hàng để đưa ra các chính sách chăm sóc khách hàng nhằm giữ chân khách hàng hiện hữu và thu hút khách hàng mới. Chẳng hạn, phân khúc khách hàng VIP, khách hàng là cán bộ, nhân viên có nhu cầu tiêu dùng, phân khúc cá nhân kinh doanh tại các chợ.

Các đối tượng này có thể được hưởng một số chính sách ưu đãi đặc biệt như: Thủ tục cho vay đơn giản so với chính sách chung (nếu có), lãi suất ưu đãi thấp hơn (giảm 0,5% - 1%/năm so với lãi suất thông thường), có quà tặng nhân các dịp đặc biệt (Tết, sinh nhật…) và ưu tiên được phục vụ khi có giao dịch. Với chính sách này, ngân hàng sẽ giữ được một lượng khách hàng trung thành ổn định, đồng thời thu hút thêm được những khách hàng mới và hơn thế ngân hàng còn tận dụng phân khúc này để bán chéo các sản phẩm khác như huy động, bảo hiểm, các dịch vụ thanh toán khác.

Thứ ba, đối với nhân tố nhân viên ngân hàng.

Nhân sự luôn là vấn đề "nóng" trong thị trường tài chính - ngân hàng hiện nay. Ngân hàng nào có đội ngũ nhân sự có kỹ năng, trình độ, kiến thức chuyên môn, nhiệt huyết thì sẽ tạo động lực rất lớn trong việc thu hút và giữ chân khách hàng giao dịch (dù ngân hàng đó có thể không có lợi thế về lãi suất, chính sách). Để tăng cường hiệu quả về phong cách phục vụ của nhân viên đối với khách hàng cá nhân vay vốn tại BIDV Trà Vinh, có thể áp dụng một số giải pháp sau:

(i) Thực hiện đào tạo liên tục và thường xuyên để có thể bồi dưỡng trình độ, kiến thức đội ngũ nhân viên, nhằm nâng cao các kỹ năng đặc biệt như: Kỹ năng giao tiếp cho nhân viên nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Mặt khác, cần giám sát chặt chẽ cách phục vụ của nhân viên đối với khách hàng, nhằm nâng cao khả năng giao tiếp của nhân viên để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất;

(ii) Tăng cường phổ biến và đào tạo quy trình nghiệp vụ, nhằm nâng cao kiến thức quản lý, trình độ chuyên môn, vi tính, kỹ năng tư vấn bán hàng, cũng như kỹ năng giao tiếp tốt cho nhân viên toàn chi nhánh và lãnh đạo cấp phòng trực tiếp giao dịch với khách hàng.

Từ đó, nhân viên có thể dễ dàng nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, kịp thời giải quyết tốt những yêu cầu, khiếu nại hay thắc mắc của khách hàng, và phục vụ nhu cầu khách hàng ngày một tốt hơn, làm cho khách hàng hài lòng hơn khi đến vay vốn tại BIDV Trà Vinh. Thêm vào đó, khi nhân viên đã có kiến thức, trình độ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp, nhân viên cần phải thực hiện thường xuyên để tạo nên sự nhuần nhuyễn khi thực hiện các thao tác, xử lý nghiệp vụ một cách chuyên nghiệp và nhanh gọn tránh tình trạng khách hàng không hài lòng.

Thứ tư, đối với nhân tố thủ tục vay vốn.

Nhân tố cuối cùng tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân đó là thủ tục vay vốn. Thủ tục vay vốn, điều kiện vay càng đơn giản, càng rõ ràng thì khách hàng càng dễ dàng tiếp cận ngân hàng để vay vốn. Đa phần các khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh gặp nhiều khó khăn liên quan đến thiếu tài sản đảm bảo, thông tin tài chính kém minh bạch, thiếu phương án kinh doanh hoặc phương án kinh doanh thật sự không rõ ràng, cụ thể.

Để lượng khách hàng cá nhân ổn định và tăng trưởng, ngân hàng cần cải tiến thủ tục cho vay theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm vay, các điều kiện cần thiết để vay vốn và phù hợp với trình độ khách hàng cá nhân vay vốn, tránh tình trạng khách hàng cá nhân phải đi lại nhiều lần và chờ đợi quá lâu. Bên cạnh đó, việc tăng quy mô vốn vay trung và dài hạn đối với các cơ sở của khách hàng cá thể hoạt động hiệu quả là cần thiết.

Nhân viên ngân hàng cũng cần hướng dẫn cụ thể, giải thích rõ ràng và chi tiết các thủ tục vay vốn mà khách hàng cá nhân cần phải có khi vay vốn, giải thích rõ cho khách hàng biết được các quy định hay các điều khoản trong hợp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp tránh tình trạng khách hàng không hiểu hoặc hiểu không rõ dẫn đến khiếu nại hay không hài lòng của khách hàng đối với nhân viên phục vụ...

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Khánh Bảo (2015), “Những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn tại các Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam của khách hàng cá nhân khu vực TP. Hồ Chí Minh” Luận văn Thạc sỹ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  2. Nguyễn Phúc Chánh (2016), “Phân tích các nhân tố tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh tại Agribank trên địa bàn TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang”, Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Trà Vinh;
  3. Lê Đức Huy  (2015) “Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Việt Nam trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”, Luận văn Thạc sỹ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  4. Hồ Phạm Thanh Lan (2015), “Phân tích các yếu tố tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Eximbank Cần Thơ”, Luận văn Thạc sỹ, Đại học Cần Thơ.
  5. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Hồng Đức;
  6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2016), Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
  7. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (2015), Nghị quyết số 5960/NQLT-BIDV thông qua định hướng khung kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
  8. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Trà Vinh (2017), Kế hoạch số 1047/BC-BIDV-KHTC về xây dựng kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2018-2022;
  9. Hafeez Ur Rehman and Ahmed (2008). “An Empirical analysis of the determinants of Banks Selection in Pakitstan: A customer view". Pakitstan Economic and Social Review Volume 46, No.2 (Winter 2008), pp. 147-160;
  10. Journal of Marketing Research and Case Studies (2012)  -Factors Affecting Customers’ Decision for Taking out Bank Loans: A Case of Greek Customers.