Ngân hàng BIDV “làm ăn” ra sao dưới thời ông Trần Bắc Hà?

Theo Hóa Khoa/nhadautu.vn

Trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) giai đoạn 2008-2016, ông Trần Bắc Hà đã biến Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã BID) trở thành một "đế chế" hùng mạnh nhưng cũng vướng vào nhiều lùm xùm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

"Đế chế" BIDV

Ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm gắn bó với BIDV. Trải qua nhiều vị trí khác nhau, đến tháng 1/2008, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) BIDV. Qua 8 năm, 8 tháng gắn bó với BIDV, ông Trần Bắc Hà đã biến ngân hàng này trở thành một đế chế hùng mạnh.

Tính đến năm 2015, BIDV có quy mô tài sản và lợi nhuận sau thuế (LNST) cao nhất trong số các Ngân hàng TMCP Nhà nước.

Cụ thể về mặt quy mô tài sản, tổng tài sản của Ngân hàng trong năm 2015 đạt 850.669 tỷ đồng, tăng gấp 3,45 lần so với năm 2018. Mức quy mô tài sản của BIDV cao hơn rất nhiều so với một số Ngân hàng TMCP Nhà nước là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB - Vietcombank) gần 673,4 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank - mã CTG) gần 779,5 tỷ đồng.

Xét về tốc độ tăng trưởng so với một số Ngân hàng Quốc doanh khác, BIDV có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn VCB (tăng 3,04 lần), song lại chậm hơn VIB (tăng 4,03 lần).

So sánh về mặt lợi nhuận, BIDV có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và lợi nhuận sau thuế ngân hàng này tính đến năm 2015 đạt 5.822 tỷ đồng, cao nhất trong số ba ngân hàng và gấp 2,9 lần so với năm tài chính 2008.

Tuy vậy, sự thay đổi lớn nhất của ngân hàng này dưới thời ông Trần Bắc Hà có lẽ là việc chuyển đổi từ ngân hàng quốc doanh trở thành Công ty đại chúng và niêm yết trên thị trường chứng khoán ngày 24/1/2014.

Một dấu ấn đáng ghi nhận nữa trong “triều đại” của ông Trần Bắc Hà tại BIDV có lẽ là việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) vào BIDV vào tháng 5/2015.

Bên cạnh đó, BIDV cũng rất tích cực "phủ sóng" ra nước ngoài. Tính đến hết năm 2015, ngân hàng có 7 công ty con, đơn vị liên doanh, hiện diện thương mại tại nước ngoài, hoạt động đa dạng lĩnh vực từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán,... Ông Trần Bắc Hà cũng có công lớn trong việc xây dựng hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc.

Ngoài ra, ông cũng chính là người sáng lập, giữ vai trò Chủ tịch và vận hành hoạt động Hiệp hội các NĐT Việt Nam sang Lào, Campuchia, Myanmar (AVIL, AVIC, AVIM).

Nợ xấu tăng vọt

Sự tăng trưởng mạnh về quy mô tài sản, tín dụng nên nợ xấu BIDV tăng vọt.

Báo cáo tài chính quý III/2016 ghi nhận BIDV có 13.217 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu của BIDV đã tăng từ khoảng 1,6% cuối năm 2015 lên gần 2%, tương ứng với hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm. Đặc biệt, trong số hơn 13.000 tỷ đồng nợ xấu thì nợ có khả năng mất vốn lên tới gần 7.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2015.

Tuy vậy, hết năm 2016,  nợ xấu của BIDV được kiểm soát ở mức 1,47% trên tổng dư nợ.

Trong giai đoạn này, BIDV cũng là chủ nợ lớn nhất một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tổng công ty Khoáng sản Nari Hamico (KSS).

Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) trong kỳ họp 26 đã có kết luận về những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng BIDV và một số cá nhân liên quan. Cụ thể, ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

Theo đó, ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành, vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV.

Ông Trần Bắc Hà cũng được kết luận vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.